Quyết chặn Nga đạo diễn ván cờ Libya: Thổ nhận cay đắng?

Tại Syria, với đầy đủ 'thiên thời - địa lợi' mà Washington-Ankara vẫn chịu thua 'nhân hòa' của Putin, vậy tại Libya sao Mỹ-Thổ có thể gạt bỏ Nga?...

Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thành lập căn cứ quân sự tại Libya

Ngày 12/6, baoYéni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin quân sự cho hay, Ankara đang lên kế hoạch thành lập hai căn cứ quân sự thường trực lâu dài ở Libya như một phần hỗ trợ liên tục cho Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya (GNA).

Theo nguồn tin mà baoYéni Safak có được, GNA đang xem xét cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng căn cứ không quân Al-Watiya nằm ở phía tây Tripoli, mà lực lượng này mới chiếm lại từ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) vào ngày 18/5 vừa qua.

Theo kế hoạch, căn cứ Al-Watiya sẽ được Thổ sử dụng triển khai hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu không người lái. Còn căn cứ thứ hai sẽ được thiết lập tại cảng Misrata dành cho tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trên Địa Trung Hải.

Ankara đang có cơ hội trở thành đồng sở hữu của các công ty dầu khí ngoài khơi có hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế của Libya, nên với việc thiết lập các căn cứ tại Al-Watiya và Misrata, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể giám sát hoạt động của các giàn khoan.

Thủ tướng GNA Fayyez al-Saraj và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Thủ tướng GNA Fayyez al-Saraj và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Bên cạnh đó, những căng thẳng gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp khiến Ankara nhận diện sự cần thiết phải triển khai tàu chiến trong khu vực Địa Trung Hải, dù cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là thành viên NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ quân sự mạnh mẽ cho GNA kể từ khi GNA có yêu cầu giúp đỡ vào cuối năm 2019. Trong những tuần gần đây, GNA đã đạt được những thành quả đáng kể trong cuộc phản công ở ngoại ô Tripoli, đòi lại lãnh thổ từ LNA.

Như vậy là Thổ Nhĩ Kỳ đã có kế hoạch can thiệp lâu dài vào Libya và Ankara tranh thủ tình hình đang hỗn loạn để xác lập nền tảng lợi ích của mình tại quốc gia Bắc Phi này, trước khi đàm phán hòa bình diễn ra và tiến trình chính trị được tái thiết lập.

Đáng nói là Mỹ cũng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Libya, mà điều đó thể hiện rõ qua cuộc điện đàm ngày 8/6, giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn đẩy mạnh phối hợp để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Libya và Washington cho biết luôn ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya.

Sự ủng hộ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và GNA là cực kỳ quan trọng với Ankara. Bởi nó giúp cho Thổ có lợi thế trước các đồng minh khác của Mỹ là Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Ả-rập Saudi, vốn hậu thuẫn LNA và tướng Haftar.

Bên cạnh đó, trong chiến lược tái bố trí lực lượng ở Trung Đông-Bắc Phi, thì sự hiện diện tại Libya vẫn đang được Lầu Năm Góc bỏ ngỏ, khiến cho GNA phải hối thúc Washington. Thực tế này càng giúp cho việc Thổ lập căn cứ tại Libya dễ dàng hơn.

Thổ quyết ngăn chặn, không cho Nga đạo diễn ván cờ Libya

Giới phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự ở Libya không chỉ nhằm xây dựng nền tảng và bảo vệ lợi ích lâu dài tại quốc gia Bắc Phi này, mà còn nhằm mục đích ngăn chặn Nga đạo diễn ván cờ Libya, giống như ở Syria.

Có thể thấy, dù Moscow chưa chính thức can thiệp, nhưng ảnh hưởng của "yếu tố Nga" đã đậm nét trong ván cờ Libya. Nó đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến giữa "người của Mỹ" với "người thân Mỹ", và tạo sự e ngại với Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, dù đã chính thức can thiệp vào Libya và giúp cho lực lượng Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya giành được một số chiến công trước lực lượng Quân đội Quốc gia Libya, nhưng đó chưa thể xem là ưu thế trước "người vô hình" Nga. Bởi :

Thứ nhất, Libya không phải là Syria - nơi Erdogan-Ankara nghiễm nhiên trở thành một thực thể có ảnh hưởng mang tính mặc định, mà các nước cờ, thế cờ của Tổng thống Putin không thể không tính đến.

Thổ Nhĩ Kỳ đưa phiến quân từ Syria sang chiến đấu tại Libya

Điều đó thể hiện ở 2 điểm chính.

Một là địa chính trị-địa chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ luôn có trong hệ quy chiếu cho lựa chọn hành động của tất cả các bên, khi Thổ Nhĩ Kỳ là nước láng giềng của Syria.

Hai là Đảng Công nhân người Kurd chưa được Mỹ thanh tẩy khỏi danh sách các tồ chức khủng bố quốc tế, khiến Erdogan-Ankara có cái cớ để tấn công người Kurd ở bắc Syria, nên Thổ Nhĩ Kỳ luôn có vị thế nhất định trong ván cờ Syria.

Vậy nhưng cho đến nay, dù Erdogan-Ankara tung hoành ngang dọc thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thể được xem là đạo diễn ván cờ Syria, mà thay vào đó là vị thế của Nga được xác lập sau những nước cờ hiểm hóc của Tổng thống Putin.

Trong khi Libya lại hoàn toàn khác với Syria. Nên muốn tạo vị thế, Erdogan-Ankara phải chấp nhận hành động với mức độ rủi ro cao, nhất là khi đất nước Libya thời hậu Gaddafi luôn ở trong vòng xoáy vô định.

Điều đó đặt ra yêu cầu là khi can thiệp vào Libya, Erdogan-Ankara phải có nước cờ hiểm, tạo dựng được thế cờ độc, từ đó mới hy vọng hiệu chỉnh được ván cờ. Song đây lại là điểm yếu nhất của Ankara vì thế cờ mang tính mặc định trong ván cờ Syria.

Ngược lại, từ khi can thiệp vào Syria, Tổng thống Putin đã phải chắt chiu từng nước cờ, từng thế cờ và rồi dần đạo diễn ván cờ. Với thực tế này, rõ ràng trong cuộc đối trọng tại Libya, Erdogan chưa thể là đối thủ xứng tầm của Putin.

Cụ thể, trong ván cờ Libya, Nga nắm nhiều quân cờ chủ lực hơn Thổ, mà thể hiện rõ nhất là Nga được cả "người của Mỹ - LNA" và "người thân Mỹ - GNA" đặt niềm tin và gieo hy vọng, còn Thổ thì chỉ kết nối với GNA.

Theo giới phân tích thì có thể nhận diện đây là lý do quan trọng nhất khiến Erdorgan-Ankara phải sớm có kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự tại Libya, vì sau bước đi này, vị thế của Thổ sẽ được xác lập, dù vai trò có thể chưa được khẳng định.

Thứ hai, những động thái gần đây của Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ hổng chân tại Libya, nếu chỉ đứng sau Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya, mà không kết nối với lực lượng đang kiểm soát miền đông Libya.

Đó là việc Nga bỏ phiếu trắng các nghị quyết của HĐBA về Libya, từ đó đặt ra vấn đề về vai trò và địa vị pháp lý của các lực lượng đang kiểm soát Libya, điều GNA và các thế lực đứng sau thực thể này luôn ái ngại.

Bởi lẽ GNA, là thực thể nắm giữ quyền lực ở phía Tây Libya, nhưng không thể giành được sự ủng hộ của Quốc hội Libya - điều kiện tiên quyết để Tòa án tối cao Libya ra quyết định công nhận tính hợp pháp đối với GNA.

Dù Mỹ-Thổ có thiên thời - địa lợi, nhưng nhờ nhân hòa, Tổng thống Putin đã đưa Nga đã trở thành đạo diễn ván cờ Syria

Mà khi Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya không được Tòa án Tối cao Libya công nhận tính hợp pháp, thì thực thể chính trị này không thể tham gia các điều ước quốc tế nhân danh Libya, theo The Guardian.

Vì vậy, chỉ cần Moscow soi địa vị pháp lý của GNA là Ankara "không thể ngồi yên đứng yên". Điều này khiến việc Nga trợ giúp LNA luôn có hiệu quả kép, từ đó đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào thế bất lợi.

Rõ ràng, "yếu tố Nga" có ảnh hưởng ngày càng đậm nét trong ván cờ Libya đã khiến Erdogan-Ankara hoảng sợ. Trong bối cảnh này, "giữ vững chân cho người thân Mỹ" và "chặt chân người của Mỹ" là nhất cử lưỡng tiện với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi lẽ, khi Mỹ thể hiện lập trường chính thức ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya thì hành động của Erdogan-Ankara sẽ có tiếp sức của Washington và khi đó Moscow sẽ khó có thể xác lập vị thế, nhất là khi Nga còn là người vô hình tại Libya.

Như vậy, thiết lập căn cứ quân sự thường trực tại Libya đáp ứng được mục đích của Erdogan-Ankara. Do đó, Ankara và GNA đã nhanh chóng lên kế hoạch cho sự hiện diện lâu dài của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya, sau khi có những ưu thế nhất định.

Tuy nhiên, tại Syria, với đầy đủ "thiên thời - địa lợi" mà Washington-Ankara vẫn chịu thua "nhân hòa" của Putin, vậy thử hỏi tại Libya, làm sao Mỹ-Thổ có thể gạt bỏ Nga, dù còn "vô hình" mà đã làm thay đổi cục diện, tạo e ngại với cả Mỹ và đồng minh của Mỹ?

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/quyet-chan-nga-dao-dien-van-co-libya-tho-nhan-cay-dang-3405727/