Quyền tự do đi lại và cư trú

Quyền này được quy định tại Điều 12 và 13 của Công ước. Đây là quyền có ý nghĩa quan trọng vì nó tạo tiền đề để một cá nhân hưởng thụ các quyền dân sự, chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa khác...

Cụ thể, Điều 12 quy định:

1. Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó.

2. Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình .

3.Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.

4. Không ai bị tước đoạt một cách tùy tiện quyền được trở về nước mình

Điều 13: Một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia thành viên Công ước chỉ có thể bị trục xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp pháp luật, và trừ trường hợp có yêu cầu khác xuất phát từ lý do chính đáng về an ninh quốc gia; người bị trục xuất phải được phép đệ trình những lý lẽ phản đối việc trục xuất, được yêu cầu nhà chức trách có thẩm quyền, hoặc một người hoặc những người mà nhà chức trách có thẩm quyền đặc biệt cử ra, xem xét lại trường hợp của mình, và được có đại diện khi trường hợp của mình được xem xét lại.

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Ở Việt Nam, quyền tự do đi lại, cư trú của công dân được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Điều 23 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”.

Những quy định pháp luật về việc đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam cũng được nêu rõ tại Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Cư trú và các văn bản pháp luật khác có liên quan… và ngày càng được bổ sung, sửa đổi theo hướng cởi mở, tự do nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cộng đồng quốc tế.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ký kết 78 hiệp định và thỏa thuận song phương về miễn thị thực cho công dân với các nước và vùng lãnh thổ, ký hiệp định biên giới với các nước láng giềng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước qua lại.

Việt Nam là thành viên tích cực tham gia diễn đàn Á – Âu (ASEM) về quản lý dòng di cư; Chương trình Thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC), tạo điều kiện cho doanh nhân APEC nhập xuất cảnh vì mục đích đầu tư, thương mại, dịch vụ trong khối.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quyen-tu-do-di-lai-va-cu-tru-115441.html