Quyền tự chủ của các trường

Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận đa dạng phương thức xét tuyển của cơ sở giáo dục đại học, trong đó có phương án tổ chức kỳ thi riêng của một số đơn vị.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Đây là quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình của các trường.

Có thể “điểm danh” một số đơn vị đã chính thức thông báo tổ chức kỳ thi riêng với những tên gọi khác nhau như: ĐH Quốc gia Hà Nội với bài thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với bài thi kiểm tra tư duy và bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một số trường ĐH ngoài công lập cũng thông báo tổ chức kỳ thi riêng, nhằm tăng cơ hội cho thí sinh trúng tuyển vào những ngành mà mình yêu thích. Các trường chọn lọc được những thí sinh có chất lượng theo tiêu chuẩn riêng của mình.

Thực tế cho thấy, hình thức trên không có gì xa lạ với các trường cũng như thí sinh trên cả phương diện thực tiễn cũng như hành lang pháp lý. Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định, các trường được tự chủ về chuyên môn, trong đó có quyền tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, tự chủ cũng gắn liền với trách nhiệm giải trình và phải được công khai minh bạch thông tin. Kèm theo đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan chức năng, cũng như sự giám sát của xã hội.

Ai cũng hiểu, việc lựa chọn hình thức xét tuyển nào là quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo. Nhà trường có trách nhiệm giải trình trước xã hội, người học và cơ quan quản lý Nhà nước về việc bảo đảm chất lượng nguồn tuyển. Trên tinh thần đó, Bộ GD&ĐT khẳng định, luôn tôn trọng quyền tự chủ, thậm chí khuyến khích các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Các trường có thể liên kết tổ chức thi theo nhóm, hoặc tổ chức thi độc lập để thuận lợi cho thí sinh.

Nói là vậy, nhưng để tổ chức một kỳ thi riêng không hề đơn giản và không phải trường nào cũng đủ điều kiện về nhân lực, kinh phí và kinh nghiệm để triển khai. Cũng cần hiểu rằng, kết quả thi đánh giá năng lực chỉ được xem như một phương án xét tuyển. Điều kiện chung để được xét tuyển là, thí sinh phải tốt nghiệp THPT và cần đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo theo quy định.

Hơn nữa, việc tổ chức kỳ thi riêng không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, mà vẫn phải tuân thủ theo quy định, trong đó yếu tố khách quan, minh bạch, công bằng phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, yêu cầu về ngân hàng câu hỏi, các điều kiện để tổ chức cũng phải được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, công khai và có sự giám sát chặt chẽ. Trên hết là làm sao để công tác tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng, không tốn kém, lãng phí để thí sinh yên tâm và dư luận đồng tình.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, việc tối quan trọng của các trường là, bảo đảm an toàn cho thí sinh và những người tham gia phục vụ kỳ thi tuyển sinh riêng. Cần có phương án, kịch bản sẵn sàng ứng phó trước đại dịch để việc “ứng thí” của thí sinh không bị lỡ và kỳ thi diễn ra vẹn toàn.

Tin rằng, dù đại dịch Covid-19 có biến động thế nào, phức tạp đến đâu, các trường vẫn “vững tay chèo” để tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng thành công, góp phần làm nên một mùa tuyển sinh sôi động và vẹn tròn niềm vui.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/quyen-tu-chu-cua-cac-truong-wticxfCMg.html