Quyền tác giả cần được tôn trọng và bảo vệ

Nạn xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những 'chiêu trò' khó lường mà nổi cộm cùng với vi phạm trên nền tảng công nghệ số còn là muôn hình vạn trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển xung quanh vấn đề này:

Vừa qua, tòa soạn có nhận được phản ánh của một số ca sĩ về việc bản ghi của họ bị “đánh gậy” bản quyền, bởi một số đơn vị nào đó mà chính ca sĩ cũng không biết họ là ai? Họ lấy quyền gì khi cho rằng ca sĩ đã vi phạm quyền tác giả?.

Một số ca sĩ cũng cho biết, sau khi trao đổi vấn đề này với các nhạc sĩ đã nhận được câu trả lời là các nhạc sĩ không ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào khi tác giả ủy quyền một tổ chức/ cá nhân nào đó bảo vệ quyền tác giả sẽ được quyền xử lý vi phạm đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả nếu chưa xin phép, trả tiền tác quyền sử dụng tác phẩm.Hoặc cũng có những trường hợp vì một lý do nào đó vô tình đã có những Hợp đồng ủy quyền đáng ra không nên có làm ảnh hưởng tới chính tác giả - chủ sở hữu tác phẩm, đồng thời cũng gây khó khăn cho đơn vị đã được ủy quyền quản lý và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quannhư trong trường hợp của nhạc sĩ Bảo Chấn mới đây.

Theo thư xác nhận của nhạc sĩ Bảo Chấn gửi tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam vào ngày 11/5/2021. Trong thư nêu rõ: “Ngày 8/3/2021, tôi có ký một hợp đồng ủy quyền với một đơn vị khác là Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ truyền thông Bihaco (BH Media), tuy nhiên vì nhiều ý do, tôi đã quyết định hủy ủy quyền cho đơn vị này kể từ ngày 11/5/2021. Như vậy, tôi chính thức thông báo Họp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc số 08/03/2021 HĐUQ/BHMedia - NSBC ký ngày 08/3/2021 chấm dứt hiệu lực. Đồng thời, tôi xác nhận vẫn liên tục và tiếp tục ủy quyền quản lý quyền tác giả toàn bộ các tác phẩm của tôi cho VCPMC theo các Họp đồng đã ký với VCPMC trong suốt thời gian qua. Vì vậy, tôi xin thông tin nội dung như trên và đề nghị VCPMC tiếp tục đại diện cho tôi để quản lý, cấp phép thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi theo các điều khoản trong các Hợp đồng ủy quyền đã ký mà không có bất kỳ thời gian gián đoạn nào. Ngoài ra, tôi đề nghị và ủy quyền cho VCPMC thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tôi nếu có bất cứ tổ chức hay cá nhân nào cố ý mạo nhận là đơn vị được tôi ủy quyền hoặc chuyển giao”.

Trao đổi chúng tôi, bà Cao Hồng, Vợ nhạc sĩ Bảo Chấn cho biết thêm: “ Lúc BH Media mang hợp đồng tới ký, nhạc sĩ Bảo Chấn không đồng ý ký, vì nhạc sĩ đã ủy quyền cho VCPMC, hơn nữa trong hợp đồng có những điều khoản bất hợp lý. Tuy nhiên, bên BHMedia khẳng định những gì BH ký không ảnh hưởng đến hợp đồng của VCPMC, nhất là khai thác trên youtube, đồng thời BHMedia cũng hứa sửa hợp đồng theo thỏa thuận giữa nhạc sĩ Bảo Chấn với Bhmedia như nhạc sĩ Bảo Chấn mong muốn. Tuy nhiên, sau đó khi họ mang hợp đồng tới ký lại, do sơ xuất và quá tin tưởng vào một người bạn là chỗ quen biết với BHMedia nên nhạc sĩ Bảo Chấn đã ký mà không đọc lại bản hợp đồng được nói là đã sửa. Sau đó, gia đình phát hiện những điểm ghi trong hợp đồng không đúng với những gì đã thỏa thuận nên chúng tôi lập tức gọi điện sang BHMedia yêu cầu chấm dứt hợp đồng nhưng họ lờ đi. Vì vậy nhạc sĩ Bảo Chấn đã gửi thư xác nhận tới VCPMC đề nghị thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả- chủ sở hữu tác phẩm là nhạc sĩ Bảo Chấn - thành viên của VCPMC. Chúng tôi già rồi, tiền cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Chúng tôi cần sự bình yên mà chỉ VCPMC mới mang lại cho chúng tôi sự an tâm đó trong suốt nhiều năm”.

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Pháp luật về quyền tác giả đã trao cho tác giả quyền thực hiện độc quyền đối với các quyền này.

Ở Việt Nam quyền tác giả là một lĩnh vực phức tạp, còn mới mẻ nhưng các quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng. Ông Hoàng Tùng, con trai cố nhạc sĩ Hoàng Phương cho biết: “ Cha tôi có tới 4 người vợ, khi ông qua đời, việc hưởng thụ quyền tài sản thuộc về tất cả những người vợ và các con của ông. Tuy nhiên, một trong những người thân của ông đã đem bán một số tác phẩm của ông cho BHMedia và hưởng lợi một mình. Tôi nghĩ không phải BHMedia nhầm lẫn mà là do họ ham lời nên đã ký riêng với một người thân của ông, khiến cho việc phân chia tác quyền theo quyền thừa kế bị ảnh hưởng. Gia đình chúng tôi đã phải gửi đơn lên tòa án để xử lý vụ việc. Hiện gia đình chúng tôi đã yêu cầu bên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bảo hộ quyền tác giả và phân chia quyền tài sản theo tỷ lệ mà tòa án đã phán quyết”.

Lạm dụng những kẽ hở pháp lý, nhiều tổ chức, cá nhân đã biến mục đích phổ biến tác phẩm âm nhạc để phục vụ triệt để cho mục đích kinh doanh; khiến tác giả không chỉ thiệt thòi về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức sáng tạo. Thậm chí có tác giả, do sơ suất trong ký kết hợp đồng đã dẫn tới việc mất hẳn quyền sở hữu, quyền kiểm soát đối với chính tác phẩm của mình.

Liên quan đến những hợp đồng ủy quyền, chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, chúng tôi cũng được ông Trúc Lê, con trai nhạc sĩ Trúc Phương cho biết: “BHMedia đã nhiều lần ngỏ lời mời tôi ký hợp đồng ủy quyền nhưng tôi nhất quyết không đồng ý, mặc dù cách đây 3 năm tôi có ký cho phép BHMedia được sử dụng tác phẩm của cha tôi - nhạc sĩ Trúc Phương trong một chương trình tôn vinh tác giả tại Hà Nội. Tuy nhiên, qua cách làm việc của BHMedia tôi thấy không minh bạch, không đàng hoàng đối với tác giả - gia đình tác giả - chủ sở hữu quyền tài sản, quyền nhân thân. Tôi cũng đã khuyên nhiều nhạc sĩ về những điểm khuất tất trong các hợp đồng của BHMedia mà không phải nhạc sĩ nào cũng đọc hiểu về luật và cẩn trọng khi ký kết các hợp đồng để tránh gặp rủi ro. Với tôi, VCPMC là đơn vị được pháp luật bảo vệ là là đơn vị có uy tín trong nước và quốc tế đáng để các nhạc sĩ tin tưởng, ủy thác”.

Với trên 4600 chủ sở hữu tác phẩm trong nước và khoảng 3 triệu tác giả nước ngoài ủy quyền cho VCPMC, phần lớn họ ủy quyền toàn bộ; cũng có những tác giả đã bán độc quyền, trao tặng.v.v. Vấn đề bán độc quyền hoặc chuyển nhượng sẽ khó chấm dứt và sẽ xảy ra thường xuyên, đặc biệt là tình trạng bán độc quyền cho các nhà sản xuất, ca sĩ. Vì vậy, VCPMC đã và đang kiểm soát và tư vấn cho tác giả để tránh gặp rủi ro về mặt pháp lý.

VCPMC gặp mặt các tác giả âm nhạc

Đại diện bộ phận pháp chế của Trung tâm cho biết: "Từ những nội dung phản ánh và đề nghị tư vấn của nhiều nhạc sĩ gửi đến, mới thấy rằngthực tế đa phần các nhạc sĩ do chưa nắm rõ các điều khoản thỏa thuận và thuật ngữ pháp lý nên khi ký kết đã không lường trước được những tình huống đầy rủi ro. Để bảo vệ cho thành viên của mình, Trung tâm cũng đã có những hỗ trợ pháp lý, tránh hiện tượng nhầm lẫn, không trung thực "tình ngay lý gian" hoặc cố tình lừa dối, làm sai lệch trong giao dịch dân sự, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả - chủ sở hữu tác phẩm. Trong trường hợp tác giả muốn thực hiện các giao dịch để chuyển giao quyền thì VCPMC vẫn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, đàm phán, bảo đảm về phạm vi, thời hạn và các vấn đề bảo lưu quyền, cũng như đạt được giá trị, lợi ích kinh tế tốt nhất. Vì vậy, các nhạc sĩ khi có nhu cầu chuyển giao quyền, thì nên liên hệ với VCPMC để được các luật sư hỗ trợ và tư vấn, rà soát các bản hợp đồng thật cẩn thận trước khi ký nhằm giảm thiệt hại cho các tác giả mà không tốn bất kỳ chi phí nào, tránh được rủi ro xảy ra với những thiệt hại rất lớn có thể bao gồm cả việc vĩnh viễn mất đi quyền lợi mà đáng ra phải thuộc về tác giả không chỉ trong suốt cuộc đời tác giả mà còn để lại cho gia đình, con cháu được hưởng thừa kế suốt 50 năm nữa”.

Bảo vệ quyền tác giả là một lĩnh vực đặc thù, tạo môi trường tốt cho các nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng và giá trị nghệ thuật, là “chìa khóa” then chốt để Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa được thực hiện thành công.Qua thực tiễn, Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC một lần nữa đưa ra khuyến nghị: “Theo Luật Sở hữu trí tuệ, thời gian bảo hộ quyền tác giả được thực hiện từ khi tácphẩm ra đời. Đơn vị ủy thác sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả , chủ sở hữu tác phẩm từ khi ký ủy thác cho tới 50 năm sau khi tác giả qua đời. Vì vậy, đừng vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà các tác giả vội ký ủy thác cho một đơn vị khác khai thác, quản lý khi chưa nắm rõ về các thủ tục pháp lý cũng như những rủi ro gặp phải khi bán độc quyền hoặc chuyển nhượng tác phẩm.Bởi, hiện nay VCPMC đã và đang khai thác trên 30 lĩnh vực trong đó bao gồm các lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên các nền tảng trực tuyến như: Youtube, Facebook, các website nhạc, các ứng dụng nhạc trên nền tảng Sportify, Tiktolk…”

Bảo hộ quyền tác giả là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo vệ thành quả của các tổ chức, cá nhân đã lao động sáng tạo, cống hiến, đóng góp cho lợi ích công chúng và sự tiến bộ xã hội, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng. Bảo hộ quyền tác giả nhằm hướng tới một cộng đồng tôn trọng “tài sản trí tuệ” và chỉ có ý nghĩa nếu người sáng tạo thực sự được tôn trọng các quyền và được hưởng các lợi ích được khai thác từ tác phẩm của mình.

Minh Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/quyen-tac-gia-can-duoc-ton-trong-va-bao-ve-a3019.html