Quyến rũ thổ cẩm Mỹ Nghiệp

Làng Chăm Mỹ Nghiệp (hay làng Chăm Irahani) thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, được xem là làng nghề thổ cẩm truyền thống cổ nhất Đông Nam Á, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Ninh Thuận. Không những lưu giữ dấu ấn văn hóa Chăm còn mãi với thời gian, Mỹ Nghiệp còn quyến rũ du khách bởi nét duyên hồn hậu của làng xóm xưa cũ.

Khoảng 50 hoa văn các loại được in dấu trên thổ cẩm Chăm làng Mỹ Nghiệp. Ảnh: Thu Hòa

Khoảng 50 hoa văn các loại được in dấu trên thổ cẩm Chăm làng Mỹ Nghiệp. Ảnh: Thu Hòa

Nét độc đáo của làng nghề cổ

Theo các nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm xuất hiện ở làng Mỹ Nghiệp có từ rất lâu, vào khoảng thế kỷ XVII. Thấy vùng đất này thích hợp với nghề dệt, bà tổ Pơnaga đã truyền lại nghề cho ông Xa và bà Chaleng là hai vợ chồng đang sinh sống ở làng Chaleng (tức làng Mỹ Nghiệp ngày nay), và từ đó, nghề dệt thổ cẩm được tạo nên rồi truyền cho con cháu từ đời này qua đời khác.

Trước đây, quy trình dệt thổ cẩm của người Chăm hoàn toàn thủ công, với nhiều công đoạn khác nhau như tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống... Hiện nay, từ sợi chỉ đến phẩm nhuộm sử dụng làm nguyên liệu đều có trên thị trường, đã giúp người thợ dệt Mỹ Nghiệp bớt phần vất vả. Những chiếc máy dệt cho năng suất cao hơn cũng dần thay thế công cụ dệt tay. Cũng nhờ một số công đoạn đã được chạy máy, vừa giải phóng sức người, vừa giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trong làng. Tuy nhiên, các công đoạn chọn màu, phối màu để có chất liệu, hoa văn độc đáo, tinh xảo, vẫn cần hoa tay cùng sự am tường về thẩm mỹ của người thợ lành nghề. Nghệ nhân Thuận Thị Trào, một trong những người đầu tiên khôi phục nghề dệt ở Mỹ Nghiệp cho biết: Muốn có màu đen làm nền, phải nhuộm tấm thổ cẩm bằng lá chum bầu, sau đó đem ngâm trong bùn non 7 ngày đêm liên tục. Muốn có màu đỏ phải có mủ cây cánh kiến ở trên rừng cao. Còn màu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm… Ngoài ra, dập vải cũng là khâu quan trọng do yêu cầu phải làm đều tay, nếu không vải sẽ không căng mịn và khó nổi bật hoa văn.

Từ bàn tay khéo léo của người thợ dệt, những sợi chỉ nhỏ li ti dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo. Trên nền màu đen - đỏ, màu đặc trưng của thổ cẩm Chăm, các kiểu hoa văn hiện lên hết sức đa dạng. Từ những hình cơ bản như chim thú, hoa lá cách điệu, mỏ neo, mây, kỳ nhông, rồng, phượng, đến các biểu tượng của dân tộc Chăm như hoa văn quả trám (bingu tamun), hoa văn cách điệu hình rồng (bingu hăng), hoa văn chân chim (takay wa), hoa văn hột lúa nổ, hoa văn lá bồ đề...

Mỗi ngày, một người thợ thủ công chỉ dệt được khoảng 3-4m, nên để làm ra một tấm thổ cẩm 100m, người thợ phải làm việc hàng tháng trời. Bà Lộ Thị Chung, năm nay 65 tuổi, đã có 30 năm dệt vải, giờ vẫn ngồi miệt mài bên khung cửi, cho biết: "Để dệt được 100m hoa văn thì phải mất 1 tháng, vì mỗi ngày với khung này mình chỉ dệt được 4m thôi. Loại hoa văn này tiếng Chăm gọi là Meta menuk (mắt gà) có thể may thành nhiều sản phẩm khác nhau như túi xách, ví, cà vạt, áo...".

Giữ gìn, sáng tạo và không ngừng phát triển

Năm 1992 được xem là thời điểm hồi sinh của nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp khi cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani của bà Thuận Thị Trụ được thành lập. Cơ sở của bà Trụ hợp tác với các công ty may mặc ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm đạt doanh thu từ 2,5 đến 3 tỷ đồng. Sau đó là cơ sở của ông Lưu Quý Đôn, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm... Năm 2010, hợp tác xã thổ cẩm Mỹ Nghiệp được thành lập, thu hút 73 xã viên, với vốn đóng góp 360 triệu đồng. Mỗi năm, tổng doanh thu của hợp tác xã tăng hàng trăm triệu đồng, góp phần thay đổi đáng kể đời sống bà con. Mỗi dịp vào hè, Hợp tác xã thổ cẩm Mỹ Nghiệp lại mở lớp dạy khoảng 30 học viên đủ mọi lứa tuổi, chủ yếu là lớp trẻ. Các thợ giỏi kèm người học từ công đoạn dễ nhất đến khi học viên thành thạo cả dệt hoa văn cổ.

Hiện nay, làng Mỹ Nghiệp có hơn 500 thợ dệt lành nghề, trong đó có nhiều nghệ nhân cao tuổi hằng ngày vẫn gắn bó với khung cửi, sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo nổi tiếng gần xa, như nghệ nhân Bá Thị Chiên, 72 tuổi; nghệ nhân Hán Thị Chiền, 67 tuổi. Riêng cơ sở dệt của gia đình ông Lưu Quý Đôn thu hút gần 20 lao động. Mỗi tấm xà rông làm xong, ông trả cho người làm 180 nghìn đồng. Những ngày khách du lịch đông, ông bán được khoảng 10 tấm. Những chiếc khăn quàng khách mua với giá từ 100 - 150 nghìn đồng, ga trải giường từ 400 - 500 nghìn đồng. Những đồ nhỏ hơn như túi, ví, cà vạt... du khách có thể mua được với giá dưới 100 nghìn đồng mà vô cùng độc đáo. Ông Đôn cho biết: "Trước đây, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm được coi là nghề mẹ truyền con nối. Nhưng nay đến Mỹ Nghiệp, du khách có thể bắt gặp con gái ngồi khung kéo sợi, con trai cắt, may thành sản phẩm".

Hiện nay, ở làng Mỹ Nghiệp, hình ảnh nam giới cắt may bên khung cửi đã trở nên quá quen thuộc. Ảnh: Thu Hòa

Mới đây, làng nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp được công nhận nhãn hiệu tập thể, là cơ hội để người dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng giá trị kinh tế của sản phẩm. Nhiều sản phẩm của Mỹ Nghiệp từ cà vạt, túi xách, ví, áo ghi lê, ba lô đến váy, áo, xà rông, khăn bàn, khăn trải giường... được trưng bày ở các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế trong nước và xuất khẩu sang châu Âu, châu Á, châu Mỹ... Nhiều bạn trẻ ở Mỹ Nghiệp còn vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia các cơ sở dệt thổ cẩm tư nhân, để vừa giới thiệu vừa tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm của làng mình.

Sau nhiều giai đoạn hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu, từ khi cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani ra đời năm 1991, dệt thổ cẩm Chăm mới được phục hồi mạnh mẽ và được nhiều người biết đến. Đến nay, thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp đã có mặt khắp mọi miền đất nước và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh thổ cẩm Chăm với những tên hiệu quen thuộc như Inrahani hay Cô Bi ở thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Lưu Quý Đôn, Bá Thị Minh Khoa ở Ninh Thuận... ngày càng được mở rộng, có mạng lưới tiêu thụ khắp đất nước, thậm chí còn xuất sang nước ngoài. Tuy nhiên, để thâm nhập sâu rộng hơn nữa vào thị trường, thổ cẩm Chăm cần có những bước đột phá về mẫu mã, chủng loại; thay đổi chất liệu, nâng cao chất lượng dệt. Bên cạnh đó, phải xúc tiến quảng bá, tiếp thị và giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho thổ cẩm Chăm.

Thu Hòa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quyen-ru-tho-cam-my-nghiep/