Quyến rũ chiêng Mường

Mùa Xuân đã về trên khắp các nẻo đường hướng Tây Bắc của Thủ đô báo hiệu mùa sinh sôi nảy nở bắt đầu. Dải đất bán sơn địa này thu hút mọi người không chỉ bởi sự thay da đổi thịt nhanh chóng mà còn bởi sự mê hoặc khó cưỡng của những vũ điệu cồng chiêng.

Tinh hoa cồng chiêng xứ núi

Hà Nội là Thủ đô vốn sở hữu nhiều giá trị văn hóa, và ở vùng núi Ba Vì có một di sản độc đáo, đó là văn hóa cồng chiêng của người Mường. Giáp tết, ai có dịp ghé xã Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại… ngoài cảnh sắc nên thơ dưới chân núi hùng vĩ, hẳn còn có thể chứng kiến những đội văn nghệ đang từng ngày gìn giữ những điệu múa hát, cồng chiêng đậm đà bản sắc dân tộc.

Đường vào xã Vân Hòa uốn lượn như nốt nhạc. Điểm xuyết cho sự lãng mạn ấy là phong cảnh hữu tình của những quả đồi xanh ngút ngàn, những khu du lịch sinh thái. Dọc đường đi chúng tôi bắt gặp những bà, những mẹ xúng xính trong bộ quần áo dân tộc tới chung vui tại một đám cưới. Theo chỉ dẫn, tôi được gặp nghệ nhân cồng chiêng Đinh Hữu Tiến - nguyên Chủ tịch xã và Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa, ở thôn Đồng Chay.

Bà Lợi và bà Thi đã nhiều lần mang cồng chiêng đi giao lưu ở các tỉnh thành trên cả nước, tham dự nhiều liên hoan văn hóa âm nhạc cồng chiêng và đạt giải cao. (Ảnh: P.T)

Bà Lợi và bà Thi đã nhiều lần mang cồng chiêng đi giao lưu ở các tỉnh thành trên cả nước, tham dự nhiều liên hoan văn hóa âm nhạc cồng chiêng và đạt giải cao. (Ảnh: P.T)

Lần hồi lại kí ức, ông Tiến bảo rằng, văn hóa vùng Ba Vì có sự hòa quyện của người Dao và Mường. Người Mường ở Ba Vì có sự gắn kết mật thiết với người Mường ở Hòa Bình, sở hữu kho tàng cồng chiêng đặc sắc. Tuy nhiên, do thời gian, chiến tranh, có thời điểm những kết tinh văn hóa bị quên lãng, chỉ một số ít người còn gìn giữ được.

Xưa trên đất Mường nổi tiếng bậc nhất là những quan lang. Họ là những vương tướng chiếm cứ lãnh địa to lớn nên mỗi khi nhà quan hay làng bản có công việc lớn là lúc ấy tiếng cồng, tiếng chiêng mới có dịp ngân nga. Có người mê thứ âm thanh ấy như mê thuốc phiện nên hễ chỗ nào có đội cồng là phải tìm đến nghe bằng được.

Đó là chuyện xưa, còn nay, những chiếc chiêng cổ, đội cồng đều trong tình trạng vất vả lắm mới phục dựng và duy trì được. Đội cồng chiêng do ông Tiến gây dựng trước kia cũng vậy, phải tự trang bị cho mình những bộ cồng chiêng mới. Bình thường có thể đặt mua tại đất Sơn Tây, còn sang hơn thì tìm về Hòa Bình - vốn là cái nôi gốc của người Mường, để đặt những thợ giỏi làm.

Do muốn chuyên tâm nghiên cứu văn hóa vùng miền nên hiện ông Đinh Hữu Tiến không còn đảm nhiệm công việc đứng đầu đội chiêng. Ông bảo, đội chiêng giờ được chuyển giao lại cho bà Nguyễn Thị Lợi (sinh năm 1946) - Chi hội phó Hội người cao tuổi thôn Đồng Chay.

Chúng tôi gặp bà Lợi khi bà vừa ngơi tay lo cho đàn bò no cỏ phía sau nhà. Bận rộn, song khi nhắc đến cồng chiêng, ánh mắt bà lại ánh lên niềm vui. Để chúng tôi được mục sở thị đủ bộ cồng chiêng, bà Lợi dẫn tôi ghé nhà bà Đào Thị Thi, gia đình còn giữ gần như nguyên vẹn bộ cồng chiêng của đất Mường. Bà Lợi và bà Thi bảo, bản thân luôn thấy tự hào bởi đã mang cồng chiêng đi giao lưu ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tham dự nhiều liên hoan văn hóa âm nhạc cồng chiêng và đạt những giải cao.

Nhắc đến nét đặc sắc của cồng chiêng bản địa, những nghệ nhân thôn Đồng Chay chia sẻ, người Mường đã di cư từ Hòa Bình về chân núi Ba Vì từ hàng trăm năm trước. Do vậy cồng chiêng ít nhiều vẫn mang âm hưởng của đất Hòa Bình. Điều trân trọng hơn cả là cồng chiêng không chỉ được sử dụng trong những dịp lễ hội, sự kiện mà còn là phương tiện truyền đạt thông tin.

Cho đến nay, những người dân trong vùng vẫn có thể dựa vào sắc thái, nhịp điệu của âm thanh mà biết được những công việc của làng, bản để tập trung lại. Tiếng cồng còn là lời gọi tỏ tình của các chàng trai, cô gái trong những đêm trăng sáng. Tiếng cồng trong ngày cưới theo nhịp ba náo nức, tươi vui gióng giả đối đáp nhau, mang ý nghĩa cầu mong hạnh phúc cho cặp vợ chồng trẻ.

Giữ lửa cồng chiêng

Theo tìm hiểu, cồng chiêng có lịch sử từ rất lâu đời, có tài liệu còn cho rằng có cách đây khoảng 3.000 năm, từ thời kì phát triển của đồng thau tại vùng các dân tộc. Sự khác biệt giữa cồng chiêng Tây Nguyên và cồng chiêng trên đất Mường cũng có lý giải tương đối đặc biệt.

Một phần bộ cồng chiêng xứ Mường được lưu giữ tại gia đình bà Đào Thị Thi. (Ảnh: P.T)

Nếu như ở Tây Nguyên, họ phân định tương đối rằng, những chiếc có núm là cồng, còn những chiếc mặt bằng gọi là chiêng, thì ở người Mường, cồng là từ dùng chỉ loại nhạc cụ không có núm, to chừng miệng thúng, còn gọi khác là “Lệnh”, chỉ dùng khi vua, quan truyền lệnh. Và chiêng là loại nhạc cụ có núm, dùng trong các lễ hội, Tết... Tuy nhiên, người dân vẫn gọi loại chiêng dùng trong lễ hội với tên chung là cồng chiêng.

Theo bà Nguyễn Thị Lợi, đạo cụ biểu diễn cồng chiêng cũng góp vai trò quan trọng để làm nên thành công buổi trình diễn. Người con gái Mường khi biểu diễn đều phải mặc trang phục chỉnh tề đúng quy cách với áo trắng, váy dài, vòng chạm, khăn tay, khăn đầu.

Mỗi dân tộc Việt Nam đều có những nét văn hóa riêng, đặc sắc. Nếu như với người Mông là tiếng khèn gọi bạn chơi xuân, với người Thái là những điệu xòe quyến rũ… thì với dân tộc Mường là tiếng cồng chiêng kỳ ảo trong các dịp lễ, Tết, hội hè.

Những âm hưởng từ cồng chiêng được đánh lên đã xóa đi những khoảng cách thế hệ, giữa người dạy và người chơi, chỉ còn lại một không gian nhuốm màu huyền thoại trong một sự ngưỡng vọng tuyệt đối thiêng liêng.

Những nghệ nhân dân gian lưu giữ cồng chiêng bảo, qua âm hưởng, tiếng vang vọng của dàn cồng chiêng cũng phần nào nghe và hiểu được tiếng nói tâm hồn con người trên vùng đất họ đang sinh sống - đầy trữ tình và khát khao niềm yêu thương cuộc sống. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và tiếng lòng người, sẽ sống mãi cùng đất trời và con người…

Nhịp đánh chiêng cũng như nhịp chân bước cũng tùy thuộc theo giai điệu để có những bước chậm rãi và thận trọng. Để thể hiện đúng không khí lễ hội. Ví dụ, với bài “Bông trắng bông vàng” có âm thanh mở đầu là âm cao với nhịp chậm - vừa ở quãng 8 theo nhạc lý cơ bản thì bài “Xắc bùa” lại phải thể hiện được nét rộn ràng, tươi vui với tiết tấu nhanh hơn.

Chính bởi sự đa sắc như vậy nên trong các lễ hội mùa xuân nơi đây, âm thanh cồng chiêng như mạch nước ngầm thấm đẫm vào cuộc sống của cộng đồng, lúc dữ dội, ào ào như thác đổ, khi lại hờn dỗi, sôi động, trẻ trung như tình yêu của cô sơn nữ...

Theo ghi nhận của người viết, ngoài ông Đinh Hữu Tiến, bà Nguyễn Thị Lợi, bà Đào Thị Thi… thì ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cũng có nghệ nhân Đinh Thị Lan, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) có bà Bùi Thị Bích Thìn… Tất cả họ đều đang âm thầm làm nên sức sống của cồng chiêng. Nhiều năm nay, họ đã miệt mài truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng, giúp nhiều người hiểu rõ về giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường.

Ngẩn ngơ trong âm hưởng trầm hùng của giàn cồng chiêng do bà Thi, bà Lợi thể hiện, tôi như thấy hình ảnh Vân Hòa nằm sát ngay chân núi Ba Vì. Từ đây có thể quan sát ở mọi góc độ của dãy núi với 3 đỉnh cao, đó là núi Vua, núi Tản, núi Ngọc Hoa quanh năm mây phủ, cùng với hàng chục đỉnh núi khác điệp trùng rừng xanh. Tại mảnh đất thiêng này, bao câu hát về Ba Vì đã được ngân xướng, vang vọng. Hôm nay, cồng chiêng đã giúp miền mây trắng trở thành vùng du lịch, vùng văn hóa và vẫn đang tiếp tục tỏa sáng.

Thảo Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quyen-ru-chieng-muong-101755.html