Quyền, nghĩa vụ của NLĐ, người sử dụng LĐ khi thực hiện chính sách tiền lương và BHXH

Sáng nay (28/5), tại Hội trường UBND huyện Đan Phượng, báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Đan Phượng tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: 'Quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động khi thực hiện chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội'.

Buổi Giao lưu nhằm giải đáp những vướng mắc liên quan đến chính sách tiền lương (TL) và bảo hiểm xã hội (BHXH), đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về TL và các chế độ BHXH.

Đại biểu tham dự buổi giao lưu.

Đại biểu tham dự buổi giao lưu.

Tới dự buổi giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Đoàn Thị Tú Anh - Phó ban Văn hóa xã hội HĐND Thành phố; Nguyễn Chính Hữu – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội; Nguyễn Bá Châu - Ủy viên Thường vụ, Chánh Văn phòng LĐLĐ TP Hà Nội; Nguyễn Thị Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tài chính LĐLĐ TP; Ngô Ngọc Thủy - Phó Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP Hà Nội; Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ TP Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Tất Thắng – Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng; Lê Văn Thìn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng; Nguyễn Thạc Hùng - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng; Nguyễn Thị Thủy – Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng.

Tham gia giao lưu, trả lời những thắc mắc trực tiếp của công nhân lao động (CNLĐ), giáo viên các trường học trên địa bàn huyện cũng như bạn đọc trực tuyến qua internet có các chuyên gia: Nguyễn Bá Lực – Trưởng phòng Lao động, Tiền lương và BHXH, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Ngô Trung Tứ - Phó phòng Quản lý thu BHXH TP Hà Nội; Tạ Văn Dưỡng – Trưởng ban Chính sách và Pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Chính Hữu – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội phát biểu tại buổi Giao lưu.

Đặc biệt, tới tham gia buổi giao lưu còn có gần 300 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) khối trường học, doanh nghiệp trực thuộc LĐLĐ huyện.

Hiểu để thực hiện đúng về TL và BHXH

Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Hiện nay, mặc dù việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến TL và BHXH tới CNVCLĐ đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, song việc hiểu hết và hiểu đúng các quy định pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện chính sách TL và BHXH để áp dụng cho đúng, vẫn còn nhiều hạn chế, lúng túng.

Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi Giao lưu.

Năm 2019 có 4 thay đổi về TL và BHXH mà NLĐ nên quan tâm. Đó là từ ngày 1/1/2019, mức lương tối thiểu vùng mới chính thức có hiệu lực. Cũng thời điểm này, doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức tăng và cũng tăng cả mức lương tính đóng BHXH bắt buộc.

Nhiều NLĐ, thậm chí là chủ sử dụng lao động khi áp dụng các chính sách mới về TL và BHXH, nếu không nghiên cứu, không hiểu thì sẽ không biết cách tính, tính sai dẫn đến thiệt thòi cho NLĐ, gây ra những mâu thuẫn không đáng có giữa NSDLĐ và NLĐ.

Hiểu các chế độ BHXH, chính sách TL để làm đúng, vừa là nghĩa vụ thực hiện đúng luật, vừa là quyền tự bảo vệ mình. Chính vì những lẽ đó mà việc tuyên truyền nâng cao kiến thức, hiểu biết cho NLĐ, NSDLĐ về chính sách TL và BHXH là điều rất cần thiết.

Với mục đích và ý nghĩa đó, báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Đan Phượng tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động khi thực hiện chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội”. Với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu rộng của mình, các chuyên gia sẽ truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các vấn đề về chính sách TL và các chế độ BHXH mà NLĐ quan tâm.

TL và BHXH là hai chính sách trụ cột

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy – Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng phát biểu tại buổi Giao lưu.

Cùng phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Thị Thủy – Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng cho hay: Chính sách TL và BHXH là hai chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; là bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến cán cân cân đối của nền kinh tế; thị trường LĐ và đời sống người hưởng lương; nó có tác động rất lớn trong chủ trương thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực hiệu quả, phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Lãnh đạo LĐLĐ thành phố, Huyện và báo Lao động Thủ đô tặng hoa các chuyên gia tham gia giải đáp tại buổi Giao lưu.

Trong quan hệ LĐ, vấn đề TL và BHXH là hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất, quan trọng nhất mà NSDLĐ và NLĐ quan tâm đầu tiên; nó có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến cả NLĐ và NSDLĐ; liên quan đến đời sống, việc làm, tinh thần của cán bộ công chức, viên chức, NLĐ và sự phát triển của cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng:

“Thời gian vừa qua LĐLĐ huyện Đan Phượng đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ động viên cán bộ công chức, viên chức, NLĐ đặc biệt buổi giao lưu trực tuyến “Quyền, nghĩa vụ của NLĐ, NSDLĐ khi thực hiện chính sách tiền lương và BHXH” được tổ chức rất ý nghĩa để cán bộ công nhân, viên chức, NLĐ trên địa bàn huyện hiểu thêm, hiểu rõ, hiểu sâu sắc hơn về chính sách tiền lương và BHXH. Đó là những chính sách mà chúng ta đang trăn trở thực hiện tốt nhất thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với NLĐ, cũng là động lực cho NLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Qua buổi giao lưu cán bộ công chức, viên chức, NLĐ được giải đáp những thắc mắc qua đó giúp họ thấy rõ sự quan tâm của tổ chức công đoàn, của Báo Lao động Thủ đô luôn quan tâm, theo dõi động viên NLĐ thực hiện tốt các chính sách đó để họ yên tâm thực hiện tốt công việc”.

Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, trong thời gian qua, các cấp công đoàn huyện Đan Phượng đã luôn chú trọng công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người LĐ về chính sách TL và BHXH nên việc hiểu về quyền, nghĩa vụ khi thực hiện chính sách TL, BHXH của NLĐ, chủ sử dụng LĐ trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo; cán bộ, CNVCLĐ, NLĐ trên địa bàn hiện nay đều yên tâm công tác, LĐ sản xuất; nên chưa có đơn thư khiếu kiện hay tranh chấp LĐ; chưa xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, bãi công, đình công trên địa bàn huyện.

Nhưng, việc hiểu đúng và thực hiện đúng các quy định về chính sách TL và BHXH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối với CNVCLĐ vẫn còn hạn chế. Nhất là việc thực hiện chính sách TL và BHXH trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Từ những việc chưa hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong quan hệ LĐ sẽ dễ dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ giữa NLĐ với chủ sử dụng LĐ. Để thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, việc tuyên truyền các chính sách pháp luật lao động về tiền lương và BHXH là vô cùng cần thiết.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ là một nhiệm vụ cấp bách

Đến dự và phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Chính Hữu cho biết đây thật sự là một hoạt động có ý nghĩa của Báo Lao động Thủ đô, LĐLĐ huyện Đan Phượng trong bối cảnh công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ đang là một nhiệm vụ cấp bách. Đặc biệt, hoạt động này càng thiết thực hơn khi diễn ra ngay trong Tháng Công nhân năm 2019.

Lâu nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ luôn là một nhiệm vụ được tổ chức công đoàn và các cấp ngành quan tâm thực hiện, thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho NLĐ. Đây cũng là cách tốt nhất để NLĐ có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Chính Hữu, tiền lương và BHXH là những chế độ chính sách liên quan thiết thân nhất đến NLĐ, là mối quan tâm hàng đầu của mọi NLĐ. Mặc dù Chính phủ, các cấp ngành, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp quan tâm cải thiện, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với NLĐ trong đó có chính sách TL, BHXH nhưng cũng phải nhìn nhận, trên thực tế, việc thực hiện những chính sách này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Vẫn còn không ít doanh nghiệp vi phạm pháp luật về chính sách TL, BHXH như: nợ đọng, trốn đóng BHXH, xây dựng thang bảng lương, áp dụng định mức TL chưa đúng quy định của pháp luật;

Hơn 300 CNVCLĐ đã có mặt tham dự buổi giao lưu.

Trong khi đó, đa số NLĐ do không nắm rõ kiến thức pháp luật về lĩnh vực này nên không tự bảo vệ được quyền lợi của mình và phải chấp nhận thiệt thòi. Trong bối cảnh như vậy, buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động khi thực hiện chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội” là diễn đàn quan trọng giúp đoàn viên công đoàn và NLĐ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn quy định của pháp luật về chính sách TL và BHXH, từ đó có thể bảo vệ mình khi cần thiết.

“Qua theo dõi tôi thấy, tất cả các buổi giao lưu trực tuyến mà báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp công đoàn Thủ đô tổ chức đều có những chủ đề thiết thực, tập trung vào những vấn đề liên quan thiết thân tới NLĐ, qua đó thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và CNLĐ. Thay mặt lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô và các cấp CĐ đã tích cực phối hợp với báo trong thời gian vừa qua”, Phó Chủ tịch Nguyễn Chính Hữu nhận xét.

Các chuyên gia tham gia giải đáp tại buổi Giao lưu.

Chuyên gia trả lời về chính sách TL và BHXH

Chị Nguyễn Thị Bích Hòa (Công ty Hữu hạn kỹ thuật Chin Lansing Rubber Hà Tây): Công ty tôi khi ký hợp đồng lao động với NLĐ, trên hợp đồng lao động có ghi mức lương chính và các khoản phụ cấp lương. Vậy khi tính tiền làm thêm giờ cho NLĐ thì tính theo mức lương chính hay tính theo tổng thu nhập (lương chính + các khoản phụ cấp lương)?

Chuyên gia Nguyễn Bá Lực: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 và Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH thì TL để tính tiền làm thêm giờ cho NLĐ là TL giờ thực trả của ngày làm việc bình thường được xác định trên cơ sở TL thực trả theo công việc đang làm của tháng mà NLĐ làm thêm giờ, mà theo Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 4 Thông tư này thì TL tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở HĐLĐ, bao gồm mức lương theo công việc hoặc theo chức danh trong thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng cộng với phụ cấp lương (nếu có).

Từ đó, có thể hiểu rằng, TL để tính tiền làm thêm giờ cho NLĐ là TL giờ thực trả của ngày làm việc bình thường được xác định trên cơ sở TL thực trả theo công việc đang làm của tháng mà NLĐ làm thêm giờ, bao gồm cả mức lương theo công việc hoặc theo chức danh (lương chính) cộng với phụ cấp có tính chất lương (nếu có) đã ghi trong HĐLĐ.

Chị Vũ Thủy Nguyệt, công nhân công ty TNHH APS: Khi con bị ốm NLĐ có được nghỉ làm chăm sóc con hay không, thời gian nghỉ mỗi lần con ốm là bao lâu?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Luật BHXH quy định con ốm, bố mẹ được nghỉ chăm sóc con ốm, căn cứ theo độ tuổi của con để xác định tối đa thời gian nghỉ. Nếu con dưới 3 tuổi được nghỉ 20 ngày/năm, từ 3 – 7 tuổi được nghỉ15 ngày/ năm. Trong trường hợp cả bố và mẹ đều tham gia BHXH, đều ở nhà chăm con ốm, cả bố và mẹ đều được thanh toán nghỉ làm chăm con theo quy định như nhau.

Chị Lê Thị Nga – Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH T&J hỏi: Khấu trừ tiền lương của NLĐ được áp dụng khi nào?

Chuyên gia Nguyễn Bá Lực: Theo Điều 101 Bộ luật Lao động 2012, quy định cụ thể về việc khấu trừ tiền lương như sau: NSDLĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này. NLĐ có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của NLĐ sau khi trích nộp các khoản BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, thuế thu nhập.

Như vậy, chỉ trong trường hợp NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, việc khấu trừ TL hàng tháng không được vượt quá 30% mức lương tháng của NLĐ sau khi trích nộp các khoản BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, thuế thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Bích Hòa (Công ty Hữu hạn kỹ thuật Chin Kinshing Rubber Hà Tây) đặt câu hỏi về việc tính tiền làm thêm giờ cho người lao động.

Ông Nguyễn Tiến Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Công ty Bảo Minh Châu: Trước đây tôi đã tham gia đóng BHXH tại một công ty sau đó nghỉ việc nhưng NSDLĐ không yêu cầu cơ quan BHXH chốt sổ cho tôi và cũng không trả lại sổ BHXH cho tôi. Đến nay, tôi đã nghỉ việc hơn 3 năm và bâ giờ tôi muốn tham gia BHXH hội thì có được tiếp tục ở sổ BHXH cũ được không?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Cơ quan BHXH đang điều chỉnh việc cấp mã số cho người tham gia và chỉ cấp một mã số BHXH duy nhất. Đây cũng là mã số định danh duy nhất ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng BHXH, BHYT. Đối với trường hợp của ông, trước đây ông đã tham gia BHXH và có sổ BHXH rồi, đồng nghĩa là ông đã có mã số BHXH, vì vậy, sau này dù thời gian có gián đoạn bao lâu thì khi ông tiếp tục tham gia BHXH, ông vẫn tiếp tục dùng sổ đó và tiếp tục với mã số đó. Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông nên yêu cầu công ty cũ đề nghị cơ quan BHXH chốt sổ và trả sổ BHXH cho ông, trong trường hợp Công ty nợ đọng BHXH thì phải đóng BHXH cho ông để có thể chốt sổ, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Chị Bùi Thị Tình (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Song Phượng) đặt câu hỏi về các chính sách khi về hưu.

Đặng Thị Ngọc, công nhân công ty TNHH APS: Chế độ thai sản áp dụng đối với NLĐ tham gia BHXH ?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Điều kiện được hưởng chế độ thai sản người đó trước khi sinh 12 tháng có tham gia BHXH 6 tháng trở lên đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Đối với trường hợp thai có bệnh lý, có bác sĩ yêu cầu nghỉ ở nhà dưỡng thai thì ít nhất phải tham gia BHXH 3 tháng thì được hưởng chế độ.

Chị Bùi Thị Tình – Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Song Phương: Tôi xin hỏi chuyên gia 3 vấn đề: Các đồng chí tham gia BHXH chưa đủ theo các mức quy định có được đóng 1 lần để được hưởng chính sách khi về hưu không? Mức bình quân TL tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định như thế nào? Xem xét cách tính TL khi nghỉ hưu?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Về đóng BHXH 1 lần, quy định hiện nay khá rõ. Với tất cả các trường hợp phải tham gia BHXH ít nhất hơn 20 năm. Nếu bạn có tham gia BHXH dưới 20 năm thì bạn hoàn toàn có thể đóng 1 lần để hưởng các chính sách khi về hưu. Ví dụ, theo quy định tham gia BHXH là 20 năm, bạn đã tham gia 15 năm, bạn hoàn toàn có thể đóng 1 lần trong 5 năm để hưởng chế độ.

Về mức bình quân TL tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định theo quy định tại Điều 62 Luật BHXH 2014 thì mức bình quân TL tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần được quy định cụ thể như sau:

Một là, NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ TL do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ TL này thì tính bình quân TL tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau: Tham gia BHXH trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của TL tháng đóng BHXH của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của TL tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của TL tháng đóng BHXH của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của TL tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của TL tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của TL tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Tham gia BHXH từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của TL tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Hai là, NLĐ có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ TL do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân TL tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Anh Nguyễn Tiến Nguyên (Chủ tịch Công đoàn Công ty Bảo Minh Châu) đặt câu hỏi về việc tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội.

Ba là, NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ TL do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ TL do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân TL tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ TL do Nhà nước quy định được tính bình quân TL tháng đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Bốn là, Chính phủ quy định chi tiết mức bình quân TL tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần tại Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

Xem xét cách tính TL khi nghỉ hưu có thể hiểu như sau, mức lương hưu hàng tháng của NLĐ đủ điều kiện hưởng theo Điều 54 của Luật trước năm 2018 được tính tương ứng với 15 năm đóng BHXH là 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ cho đến mức tối đa bằng 75%.

Chị Trần Thu Hiếu (Trường Mầm non Thọ Xuân): Hiện đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng của chúng tôi nếu chẳng may xảy ra tai nạn lao động thì ngoài các quan tâm bình thường thì chúng tôi được hưởng những chế độ gì thêm không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trường hợp này trách nghiệm trước tiên thuộc về hiệu trưởng là toàn bộ chi phí y tế, lương và sau khi điều trị sẽ đưa đi khám sức khỏe. Nếu sức khỏe lao động bị ảnh hưởng trên 5% thì cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả.

Chị Nguyễn Thị Bằng (Công nhân môi trường Tân Hội): Trước đây tôi là nông dân, thực hiện việc thu hồi đất dể phát triển công nghiệp, tôi trở thành công nhân. Tuy nhiên do tuổi đã cao, có tham gia đóng bảo hiểm thì cũng không đủ thời gian theo quy định để hưởng chế độ hưu trí. Tôi xin hỏi tôi có thể làm đơn thỏa thuận với chủ doanh nghiệp không đóng BHXH mà số tiền đó tôi lĩnh luôn thì có được không?.

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Điều quan trọng là bà phải xác định bà có thuộc đối tượng kỳ hợp đồng lao động hay không và thời hạn ký hợp đồng là bao lâu? Pháp luật không giới hạn về độ tuổi tham gia BHXH, chỉ giới hạn tuổi nghỉ hưu. Nếu bà có ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên thì bà thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có nghĩa là doanh nghiệp phải chủ động đóng BHXH cho bà, chứ không thể thỏa thuận với giữa bà với chủ doanh nghiệp để không đóng BHXH. Làm như vậy là sai, khi thanh tra BHXH phát hiện ra thì sẽ phải truy thu tiền BHXH bắt buộc của doanh nghiệp và NLĐ.

Chị Nguyễn Thị Tám (Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Đan Phượng): Tôi được biết, theo quy định mới, từ 1/12/2018, quyền lợi của bệnh nhân BHYT khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, hoặc khám chữa bệnh không đúng tuyến có sự thay đổi. Vậy, xin chuyên gia cho biết quyền lợi và mức hưởng cụ thể ra sao?”.

Chị Lê Thị Nga (Chủ tịch Công đoàn Công ty T&T) đặt câu hỏi: Khấu trừ tiền lương của người lao động được phép áp dựng khi nào?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám chữa bệnh khác thì quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh như đi khám chữa bệnh trái tuyến, trừ các trường hợp: cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh.

Như vậy, để được hưởng đúng, đủ quyền lợi BHYT, người tham gia BHYT nên đi khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Đối với các trường hợp đi khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT hoặc khám chữa bệnh không đủ thủ tục thì được thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện nơi người bệnh đến khám chữa bệnh, thay vì quy định số tiền cụ thể như hiện nay. Cụ thể như sau:

Một là, đối với cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng, mức thanh toán như sau: Ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở; Nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở; Nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh: tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở; Nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở.

Chị Vũ Thủy Nguyệt (Công ty TNHH APS) đặt câu hỏi: Khi con bị ốm, ngươi lao động có được nghỉ làm để chăm con không và thời gian được nghỉ là bao lâu?

Hai là, đối với cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT: Chỉ thanh toán đối với trường hợp khám chữa bệnh không đủ thủ tục tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu: Ngoại trú tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở; nội trú tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở.

Một bạn đọc hỏi: Anh tôi trên đường đi làm về bị tai nạn lao động, theo quy định thì được xem là tai nạn lao động vậy công ty có phải chi trả tiền viện phí cho các trường hợp này hay không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo Khoản 3 Điều 19 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, theo Khoản 1 Điều 39 và điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo khoản 1 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau: “Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại”.

Như vậy, những trường hợp nếu bị tai nạn trên tuyến đường thường xuyên từ công ty về nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú thì được coi là tai nạn lao động. Khi đó, theo BLLĐ trách nhiệm của công ty bạn như sau:

Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia BHYT và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ không tham gia BHYT; Trả đủ TL theo hợp đồng lao động cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; bồi thường cho NLĐ bị tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Dung (Công ty TNHH hóa Dệt Hà Tây) đặt câu hỏi về việc tính đóng bảo hiểm xã hội.

Một công nhân lao động hỏi: Bố mẹ tôi có hộ khẩu tại huyện Đan Phượng, nhận lương hưu qua thẻ ATM. Xin hỏi, bố mẹ tôi chuyển hộ khẩu đi nơi khác có phải thay đổi nơi nhận lương hưu và thực hiện tại BHXH không?

Chuyên gia Nguyễn Trung Tứ: Theo Điều 13 Quyết định số 828/QĐ-BHXH ngày 27/5/2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định quản lý chi trả các chế độ BHXH, BHTN có quy định về trách nhiệm người hưởng:

“… Khi người hưởng có thay đổi thông tin cá nhân gồm: Số điện thoại, số điện thoại người thân khi cần liên lạc, địa chỉ cư trú, hình thức nhận, địa chỉ nơi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, người hưởng lập mẫu số 18-CBH nộp đại diện chi trả hoặc BHXH tỉnh hoặc BHXH huyện.

Trường hợp người hưởng có thay đổi thông tin cá nhân mà không Thông báo cho cơ quan BHXH theo quy định thì cơ quan BHXH tạm thời chưa chi trả để người hưởng bổ sung đầy đủ thông tin thay đổi.

Đồng chí Nguyễn Tất Thắng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Đan Phượng tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Trường hợp thay đổi nơi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trong địa bàn tỉnh: Người hưởng lập 1 bản Thông báo (mẫu số 18-CBH) gửi đại diện chi trả hoặc BHXH huyện”.

Như vậy, trường hợp bố mẹ bạn chuyển hộ khẩu đi nơi khác, đề nghị làm đơn theo Mẫu số 18-CBH: Thông báo thay đổi thông tin người hưởng nộp cho đại diện chi trả hoặc BHXH quận, huyện để cơ quan chi trả kịp thời cập nhật dữ liệu quản lý người hưởng.

Chị Uông Thị Phấn (Chủ tịch CĐ trường mầm non Hạ Mỗ): Phụ nữ sau sinh con, ngoài việc nghỉ theo quy định là 06 tháng thì còn được hưởng thêm chế độ gì không?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Bạn được nghỉ trước và sau thời gian sinh con 6 tháng, trong đó thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng. Sau sinh con xong được hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương hàng tháng của 6 tháng liền kề trước khi sinh. Ngoài ra, còn có cả trợ cấp một lần khi sinh con và nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi tương đương là với 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi bé. Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày làm việc đầu tiên sau chế độ nghỉ thai sản, bạn có quyền xin nghỉ thêm để phục hồi sức khỏe, và được nhận 30% lương tối thiểu chung/ngày trong trường hợp nghỉ tại nhà, hoặc 40% lương tối thiểu chung/ngày nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Chủ tịch công đoàn Trường THCS Thượng Mỗ: Tôi có người thân, mới đây bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động, người thân của tôi đã đóng BHXH 16 năm và đóng BHTN hơn 10 năm. Vậy, người thân của tôi có được hưởng chế độ gì không?

Chuyên Nguyễn Bá Lực: Việc NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ được chủ sử dụng lao động xem xét năm công tác để chi trả chế độ. Sau khi mất việc, nếu NLĐ tiếp tục muốn đóng BHXH thì có hai trường hợp, một là nếu không đi làm ở đâu thì tham gia BHXH tự nguyện, còn nếu tiếp tục làm việc ở đâu nữa thì tiếp tục tham gia BHXH tại nơi làm việc mới.

Chị Nguyễn Thị Hằng (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH CODE): Đề nghị chuyên gia làm rõ hơn trách nhiệm của chủ sử dụng lao động như thế nào đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo Điều 38 Luật ATVSLĐ thì NSDLĐ có trách nhiệm đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho NLĐ bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho NLĐ bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; Trả đủ tiền lương cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

Chị Nguyễn Thị Bằng (Công ty Môi trường Tân Hội) đặt câu hỏi về chế độ hưu trí

Bồi thường cho NLĐ bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra; Trợ cấp cho NLĐ bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

Giới thiệu để NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật; Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc; Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Chị Đặng Thị Ngọc (Công ty TNHH APS) đặt câu hỏi: Cho tôi hỏi chế độ thai sản áp dụng đối với người lao động tham giai bảo hiểm xã hội?

Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho NLĐ nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Tôi cần nhấn mạnh trường hợp bị tai nạn lao động thì gia đình nạn nhân sẽ không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào.

Chuyên gia Ngô Trung Tứ bổ sung: Với trường hợp bị tau nạn lao động từ 31% trở lên, NLĐ còn được các cơ quan bảo hiểm triển khai chi trả hàng tháng.

Bạn đọc tại Cụm Công nghiệp Sài Đồng, Long Biên: Khi thay đổi lương tối thiểu vùng có phải đăng ký lại bảng lương không?

Chuyên gia Nguyễn Bá Lực: Theo quy định các doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng thang, bảng lương công bố công khai tại doanh nghiệp và gửi cho cơ quan quản lý nhà nước ở cấp huyện. Các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn gửi hệ thống thang, bảng lương.

Trong các quy tắc xây dựng thang, bảng lương có một quy tắc rất quan trọng: mức lương mà doanh nghiệp xây dựng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, vì vậy khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, đối với các doanh nghiệp có xây dựng hệ thống, thang bảng lương có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng bắt buộc phải xây dựng và gửi cho ban quản lý Nhà nước cấp huyện để sửa đổi, bổ sung thang, bảng lương đó.

Đồng chí Nguyễn Thạc Hùng - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Một bạn đọc gửi câu hỏi qua báo Lao động thủ đô điện tử: NLĐ nghỉ ốm vẫn được hưởng BHYT nhưng trong tháng đó doanh nghiệp không đóng BHXH cho NLĐ thì đúng hay sai?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Luật BHXH quy định, trong một tháng, nếu NLĐ nghỉ ốm từ 14 ngày trở lên thì không được đóng BHXH gọi là gián đoạn BHXH nhưng vẫn được hưởng các quyền lợi về BHYT. Tuy nhiên, nếu NLĐ nghỉ ốm 20 ngày nhưng xuyên trong 2 tháng, mỗi tháng 10 ngày thì hai tháng đấy vẫn đóng BHXH bình thường.

Chị Nguyễn Thị Bích Hòa (Công ty CLS Rubber HT): Theo quy định hiện hành thì sổ BHXH được trả cho NLĐ giữ và tại công ty tôi đã xảy ra trường hợp sau NLĐ nghỉ việc nhưng không đưa lại sổ BHXH để doanh nghiệp chốt sổ mà đến gần tháng cuối hết thời gian làm thủ tục hưởng BHTN thì mới mang sổ đến yêu cầu Công ty chốt gấp để họ hưởng BHTN, họ dọa nếu doanh nghiệp làm chậm gây ảnh hưởng đến quyền lợi thì họ sẽ kiện doanh nghiệp, tình trạng yêu cầu chốt sổ BHXH gấp gáp và lẻ tẻ khiến doanh nghiệp rất bị động, xin hỏi các chuyên gia có cách gì gỡ vướng mắc này cho doanh nghiệp không?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Pháp luật chưa quy định thời hạn bao lâu sau khi nghỉ việc thì NLĐ phải đưa lại sổ cho doanh nghiệp để thực hiện chốt sổ với cơ quan BHXH mà chỉ quy định thời gian hoàn thiện thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 3 tháng. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của NLĐ không bị quá hạn hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì theo tôi, ngay khi NLĐ có đơn xin nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng doanh nghiệp lập tức phải yêu cầu NLĐ đưa lại sổ BHXH để thực hiện việc chốt sổ, doanh nghiệp có thể quy định thời gian trong vòng 5 ngày hay 7 ngày làm việc, cái này là do thỏa thuận giữa doanh nghiệp với NLĐ.

Nếu NLĐ không hiểu thì doanh nghiệp cần tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu và thực hiện chứ hiện này cũng chưa có hướng dẫn nào gỡ vướng mắc trên. Trong tương lai, cơ quan BHXH sẽ thực hiện việc qiệc quản lý sổ BHXH điện tử thì vướng mắc này sẽ được tháo gỡ.

Giáo viên mầm non: Trường tôi có 2 giáo viên đã nghỉ làm hai năm nhưng vẫn tiếp tục đóng BHXH tự nguyện, vậy khi sinh con có được hưởng chế độ thai sản không?

Chuyên gia Nguyễn Bá Lực: Theo quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là: Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Vậy, trong trường hợp này hai giáo viên đó đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Chị Trần Thị Bích Hiếu (Hiệu trưởng Trường Mầm non Thọ Xuân) đặt câu hỏi về an toàn và chăm lo cho người lao động.

Chị Lê Thị Dịu (Chủ tịch CĐ Mầm Non Đồng Tháp): Tôi muốn hỏi về chế độ thai sản. Cụ thể, trường tôi có 1 giáo viên nghỉ chế độ thai sản trùng với 2 tháng hè thì quyền lợi tính như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Bá Lực: Về vấn đề này, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tại điều 35 Luật BHXH hội quy định, mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp của bạn sinh con là trong khoảng thời gian bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ hè và thời điểm tính 6 tháng được nghỉ hè là thời điểm bạn xin nghỉ sinh. Vấn đề phát sinh ngoài thời gian làm việc và sẽ không tính vào thời gian tính nghỉ sinh. Lúc này phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm sinh để xem xét thời điểm tính ra khoảng thời gian được phép nghỉ.

Như vậy, trường hợp của bạn trùng vào thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép đó thì bạn nghỉ sinh con và hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả. Pháp luật hiện hành cũng không quy định chi tiết về vấn đề trùng thời gian như tình huống của bạn, để giải quyết được quyền lợi này bạn có thể đề nghị hiệu trưởng nhà trường bố trí cho bạn nghỉ phép trước khi nghỉ thai sản hoặc lùi thời gian nghỉ phép sau khi nghỉ thai sản.

Chị Nguyễn Thị Hằng (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH CODE) đặt câu hỏi: Chủ sử dụng lao động có trách nhiệm gì khi người lao động bị tai nạn lao động?

Chị Trần Thị Mai Hương (Chủ tịch CĐ Trường Tiểu học Thọ Xuân): Một giáo viên ở trường tôi đang trong thời gian nghỉ thai sản 6 tháng nhưng do nhà trường không bố trí được giáo viên đúng chuyên môn thay thế, do vậy có đề nghị giáo viên này đi làm sớm hai tháng. Vậy, trường tôi nên chi trả chế độ cho giáo viên này như thế nào?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: NLĐ đi làm sớm trước 2 tháng so với thời gian nghỉ thì vẫn được hưởng chế độ thai sản, đồng thời vẫn được hưởng lương và vẫn phải đóng BHXH. Tức là giáo viên này sẽ được hưởng 2 lương.

Chị Châu Thị Phương (Trường Mầm non Hồng Hà): Trường tôi đến tháng 7 này có 1 đồng chí nghỉ hưu. Đồng chí này đóng bảo hiểm 24 năm 6 tháng, vậy khi nghỉ thì chế độ chi trả như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Thúy Nga (Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Liên Trung) đặt câu hỏi về việc khám chữa bệnh.

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội Hà Nội: Theo quy định của BHXH, từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75% mức đóng BHXH hàng tháng. Việc đáp ứng mức lương hưu 75% theo lộ trình tới năm 2022, như sau: Từ năm 2019, nam giới phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam giới phải có 35 năm đóng BHXH.

Với nữ giới, sau 1/1/2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75% khi đủ 30 năm tham gia BHXH, không cần lộ trình tăng dần như nam giới. Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật Lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.

Chị Đặng Thị Huệ (Chủ tịch Công đoàn Trường Mần non Thọ An) đặt câu hỏi: Những điểm quy định mới về Lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong năm 2019?

Ông Vũ Văn Bóc (Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội) xin các chuyên gia góp ý về mức lương tối thiếu vùng

Chuyên gia Nguyễn Bá Lực: Năm 2019, mức lương của NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động được điều chỉnh theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2019. cụ thể, đối với doanh nghiệp thuộc vùng 1 lương tối thiểu vùng là 4.180.000 đồng, doanh nghiệp đơn vị thuộc vùng 2 là 3.710.000 đồng, lương tối thiểu vùng tại các đơn vị, doanh nghiệp thuộc vùng 3 là 3.250.000 đồng và lương tại các đơn vị, doanh nghiệp vùng 4 là 2.920.000 đồng, tăng trung bình 5,3% so với năm 2018. Còn đối với cán bộ công chức, viên chức thì Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng thay cho mức lương cũ là 1.390.000 đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thảo (Chủ tịch Công đoàn cơ sở xã Liên Hà hỏi): Đối với cán bộ, CNVCLĐ, trước đây khi thực hiện BHXH thì theo số CMND, giờ đổi sang thẻ căn cước thì như thế nào? C

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Gần đây có 1 số chính sách thay đổi, trong đó có thay đổi từ cấp CMND sang Thẻ căn cước công dân. Vậy, theo quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định các trường hợp cấp lại sổ BHXH như sau: “Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: Mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BH thất nghiệp chưa hưởng. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: Sai giới tính, quốc tịch. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: Mất, hỏng”.

Chị Đặng Thị Huệ (Chủ tịch Công đoàn Trường Mần non Thọ An) đặt câu hỏi: Những điểm quy định mới về Lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong năm 2019?

Theo đó, thông tin số chứng minh thư nhân dân là một trong các tiêu thức quản lý đối tượng trong cơ sở dữ liệu. Vì vậy, trường hợp bạn hỏi, đề nghị bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) để cơ quan BHXH thực hiện điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng, không phải cấp lại bìa sổ BHXH.

Chị Doãn Thị Hương (Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây): Xin chuyên gia cho biết, cách tính trả lương ngày nghỉ hàng năm và tính phép năm trong thời gian thử việc?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Theo quy định tại Điểm c Điều 97 Bộ luật lao động và Điểm c Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì NLĐ làm thêm giờ vào ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc TL thực trả theo công việc đang làm ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương theo ngày.

Chị Doãn Thị Hương (Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây) đặt câu hỏi: Các tính trả lương ngày nghỉ Cách tính trả lương ngày nghỉ hàng năm và tính phép năm trong thời gian thử việc?

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên thì TL tính trả cho NLĐ trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là TL quy định tại Khoản 3 Điều này chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của NSDLĐ của tháng trước liền kề trước thời điểm NSDLĐ tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

Căn cứ vào quy định nêu trên, trường hợp NSDLĐ sử dụng NLĐ làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng năm đã được NSDLĐ quy định thì NLĐ được trả lương làm thêm theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP (ít nhất bằng 300% TL thực trả chưa kể TL ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương theo ngày); trường hợp NLĐ do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên.

Căn cứ theo các quy định trên, thì thời gian thử việc sau đó ký HĐLĐ sẽ được tính là thời gian làm việc để tính hưởng phép năm. Trong trường hợp của chị thời gian làm việc để tính hưởng phép năm được tính từ khi chị bắt đầu thử việc.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng tặng quà cho CNLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Một NLĐ hỏi: Ở công ty tôi bị tai nạn khi ở nhà, trong thời gian nghỉ hàng tuần. khi vào viện hồ sơ ghi ốm đau. Khi chuyển viện về trung tâm y tế, cán bộ y tế ghi hồ sơ là tai nạn lao động. Gia đình đi lại nhiều lần mà bên trung tâm y tế không sửa hồ sơ với lý do giám đốc đã ký rồi, không xin lại được. Làm sao để NLĐ được thanh toán chế độ ốm đau với thời gian ở trung tâm y tế mà không ảnh hưởng đến công ty vì hồ sơ ghi tai nạn lao động?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Chỉ có đoàn điều tra tai nạn lao động thành phố và đoàn điều tra tai nạn lao động cơ sở do chủ sử dụng lao động thành lập mới có quyền kết luận là tai nạn lao động chứ trung tâm y tế không có quyền kết luận đó là tai nạn lao động. Vì vậy, hồ sơ mà trung tâm y tế ghi là tai nạn lao động không có giá trị. NLĐ vẫn được hưởng chế độ ốm đau mà không ảnh hưởng gì đến Công ty.

Chị Quách Thúy Vân (Công ty TNHH APS) đặt câu hỏi: Bạn tôi là nhân viên làm bán thời gian (4 tiếng/ngày). Trong trường hợp này, doanh nghiệp có phải đóng bảo hiểm xã hội cho bạn tôi không?

Chị Thúy Vân ( làm việc tại 1 DN trên địa bàn huyện Đan Phượng): Một NLĐ làm việc cho 1 doanh nghiệp theo hình thức bán thời gian (4h/ngày), thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Vậy, doanh nghiệp có phải đóng BHXH cho NLĐ này không?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Đối tượng tham gia BHXH sẽ phải căn cứ theo HĐLĐ. Mà theo Bộ luật Lao động thì NLĐ làm việc từ 3 tháng trở lên thì doanh nghiệp phải ký HĐLĐ. Thế nhưng, cũng theo Bộ luật Lao động thì căn cứ để đóng BHXH là NLĐ phải làm đủ thời gian trong ngày và đảm bảo mức lương tối thiểu. Trong trường hợp này, NLĐ chưa làm đủ giờ và chưa đạt mức lương theo quy định.

Chị Nguyễn Thị Đoan (Công ty Môi trường Tân Hội): Tôi hiện làm nghề vệ sinh môi trường. Tôi đóng bảo hiểm bao nhiêu năm thì hưởng chế độ hưu và công việc của tôi có phải là nghề độc hại không?

Chị Lê Thị Nga (Chủ tịch Công đoàn Công ty T&T): Khấu trừ tiền lương của người lao động được phép áp dựng khi nào?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ: Trên thực tế, quy định về đóng BHXH và nghề độc hại đã có quy định cụ thể. Tôi có thể khẳng định công việc của chị là nghề độc hại. Với trường hợp của chị, nếu tham gia BHXH 15 năm thì sẽ được xem xét hưởng lương hưu.

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Tôi cũng có thể khẳng định, công việc, nghề thu gom rác mà chị đang làm là nghề nặng nhọc độc hại, sẽ được xem xét nghỉ hưu sớm với các chế độ quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng: Một doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn bị phá sản thì ai là người giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ? Với doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp thường xuyên lạm dụng các hình phạt với người lao động thì việc xử phạt có đúng không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: việc quy định giải quyết chế độ cho lao động ở các DN bị phá sản đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Khi gặp vướng mắc bạn có thể nhờ tổ chức công đoàn can thiệp.

Khi NLĐ vi phạm các kỷ luật lao động doanh nghiệp xem xét xử lý NLĐ theo quy định của pháp luật, NLĐ có thể bị xử lý theo 3 hình thức: Khiển trách; kéo dài thời gian nâng lương nhưng không quá 3 tháng; sa thải.

Theo tôi, NSDLĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật Lao động. NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Bạn có thể tham khảo thêm Điều 128 Bộ luật LĐ, trong đó quy định cấm các DN dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay cho xử lý kỷ luật lao động.

Phát biểu bế mạc buổi Giao lưu trực tuyến, đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Sau hơn 3 giờ đồng hồ diễn ra giao lưu trực tuyến, đã hơn 30 câu hỏi trực tiếp được chuyên gia trả lời tại hội trường và trên 100 câu hỏi được gửi tới tòa soạn từ bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Rất nhiều câu hỏi đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Qua đó đã giải đáp những vướng mắc liên quan đến vấn đề chính sách TL và BHXH, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của NLĐ và NSDLĐ về chính sách TL và BHXH. Trong thời gian tới Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để trực tiếp lắng nghe và giải đáp những thắc mắc về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.

Xem hình ảnh tại đây

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quyen-nghia-vu-cua-nld-nguoi-su-dung-ld-khi-thuc-hien-chinh-sach-tien-luong-va-bhxh-91782.html