'Quyền năng' đáng sợ của phong trào 'tẩy chay'

Nhiều nhận định cho rằng, nghệ sĩ hiện nay không thể xem thường quyền lực của khán giả. Một khi nghệ sĩ mất khán giả, thì coi như mất tất cả.

Việc một bộ phim bị ảnh hưởng bởi đời tư bê bối của diễn viên là thực tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia khác ở châu Á. Ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhiều bộ phim như Vu quy đại náo, Chú ơi, đừng lấy mẹ con, phim truyền hình Chạy trốn thanh xuân, hay gần đây nhất là dự án Hạnh phúc máu đã bị khán giả quay lưng, đòi tẩy chay vì scandal của diễn viên và cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của nhà sản xuất.

Tại thị trường giải trí ở nhiều nước, sức mạnh của cái gọi là “quyền tẩy chay” vô cùng lớn. Không ít nghệ sĩ vì dính bê bối dùng chất cấm, ngoại tình, nói dối, hành xử thiếu văn hóa... đã bị khán giả tẩy chay đến mức không thể quay trở lại. Ở Việt Nam, làn sóng này bắt đầu “nở rộ” khoảng vài năm trở lại đây và bước đầu đã tạo được hiệu ứng. Từ những sự việc điển hình trên, có thể thấy, khán giả Việt ngày nay đang tận dụng triệt để “quyền năng” của mình trong việc “tẩy chay” một nghệ sĩ, hay sản phẩm nghệ thuật vì vướng những lùm xùm không thể chấp nhận.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.

Theo nhìn nhận của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: “Tình thế hiện nay đã xoay chuyển, quyền lực của khán giả là có thật. Bây giờ, khán giả và nghệ sĩ bắt đầu có mối quan hệ công bằng và bình đẳng.

Đã đến lúc, nghệ sĩ không được xem thường khán giả, mà phải tôn trọng họ. Nghệ sĩ hãy nhìn vào sự khắt khe của khán giả để sửa mình. Càng là người của công chúng, nghệ sĩ càng phải cẩn trọng trong lối sống, đạo đức, lời ăn tiếng nói để số đông noi theo, nhất là giới trẻ. Nhưng, ngược lại, khán giả cũng phải có sự đánh giá khách quan, xét ở từng trường hợp và từng thời điểm, chứ không phải hùa theo tẩy chay một cách vô lý. Người làm nghề cũng phải có chính kiến và lập trường vững vàng để bảo vệ “đứa con” tinh thần của mình”.

Bản thân từng phải nhận trái đắng do sai lầm từ khâu chọn diễn viên, đạo diễn phim Phượng khấu cho hay: “Đó là bài học xương máu với tôi trong chặng đường làm nghề sau này. Bây giờ, một diễn viên lọt vào “mắt xanh” của tôi phải hợp vai và quan trọng là “nói không” với scandal về đạo đức, lối sống. Bởi, ngoài tài năng, thì đạo đức, ý thức vô cùng quan trọng. Nếu chọn một nghệ sĩ có quá nhiều bê bối về đời tư vào một tác phẩm đại chúng, có thể tạo nên gương xấu cho số đông”.

Danh hài Chiến Thắng cho rằng, nghệ sĩ bây giờ không thể "đùa với quyền lực của khán giả".

Bản thân đã "chinh chiến" nhiều năm trong nghề, danh hài Chiến Thắng bày tỏ: "Thật sự, không thể đùa với quyền lực của khán giả. Lâu nay, khán giả coi nghệ sĩ là thần tượng, thì bây giờ, nghệ sĩ cũng phải coi khán giả là thần tượng. Nhất là trong thời đại 4.0, làm nghề ngày càng khó, nghệ sĩ càng phải chắt chiu, chắt lọc mới có thể giữ được khán giả. Một khi nghệ sĩ mất khán giả, thì coi như mất tất cả. Tôn trọng khán giả, nghệ sĩ mới tồn tại được với nghề”.

Ở một diễn biến khác, qua rất nhiều dự án nghệ thuật và nghệ sĩ bị quay lưng, người ta cũng có cái nhìn nghi ngại về cái gọi là tẩy chay. Tất nhiên, với những hành vi quá trớn, cố tình tạo scandal để hút khách… là đáng bị phê phán. Nhưng, công cụ này đôi khi cũng bị lạm dụng, bị làm lố, khiến cho nhiều sản phẩm nghệ thuật bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người làm nghệ thuật lao đao. Thế nên, khán giả và cả các nghệ sĩ cũng nên có sự tỉnh táo, phân định rõ ràng trường hợp nào cần quay lưng, bởi “vũ khí” tẩy chay một khi tung ra không đúng lúc, đúng nơi, tác hại sẽ khó lường.

Bàn về điều này, nhà thơ – nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng: “Cuộc sống luôn có mặt tối và showbiz luôn đầy rẫy thị phi. Là người trong showbiz, chắc chắn ai cũng sẽ ít nhất vài lần đối diện với những scandal mà hoàn toàn không do mình gây ra. Nhưng, nếu bản chất bộ phim hay, người nghệ sĩ không làm ra bất cứ điều gì xấu, nhưng bị tẩy chay, vu khống… đó là một dạng thử thách trong cuộc sống. Vì tất cả những điều đó hoàn toàn không thể che mờ được chất lượng của bộ phim hoặc tư cách tốt đẹp của người nghệ sĩ. Vậy nên, đừng vì thế mà người nghệ sĩ mất niềm tin vào cuộc sống hoặc showbiz”.

Nhà thơ- nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt.

Thực chất, tẩy chay được xem là “vũ khí” lợi hại của công chúng trong việc chọn lựa nghệ sĩ để yêu thương và sản phẩm văn hóa để nghe-nhìn. Chỉ cần không bị biến tướng thành tấn công trên mạng, “tẩy chay” vẫn là hoạt động cần thiết cho một nền văn hóa để “gạn đục khơi trong”.

Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quyen-nang-dang-so-cua-phong-trao-tay-chay-a492512.html