Quyền lực Thái tử Ả Rập Saudi: Tham vọng khó cưỡng

Dư luận Ả Rập Saudi đang nóng lên xung quanh chuyện chuyển giao quyền lực đã được dự đoán trước từ Quốc vương Salman cho con trai

Nhân vật đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhiều nhất hiện nay ở Ả Rập Saudi chắc chắn là Thái tử Mohammed bin Salman (MBS).

Dọn đường đến ngai vàng

Các thông tin quanh chuyện Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz có kế hoạch rời bỏ ngai vàng sớm và nhường ngôi cho con trai MBS đã khiến nhiều người tự hỏi: Làm thế nào vị thái tử trẻ tuổi này có thể thâu tóm quyền lực nhanh đến vậy? Chân dung người thừa kế vương quyền Ả Rập Saudi ra sao?

Ở độ tuổi 32, Thái tử MBS - biệt danh "Ông Tất cả" - được biết đến là một nhà cải cách và nắm giữ hàng loạt chức vụ như: phó thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, chủ tịch hội đồng chính trị - an ninh, chủ tịch hội đồng kinh tế - phát triển, chủ tịch hội đồng giám sát doanh nghiệp dầu mỏ nhà nước khổng lồ Saudi Aramco, đứng đầu quỹ đầu tư công... Ông MBS đã nắm quyền lãnh đạo Tòa án Hoàng gia trước khi trở thành nhân vật số 2 ở Ả Rập Saudi. Ông được chỉ định làm bộ trưởng quốc phòng lúc mới 29 tuổi.

Năm 2008, MBS cưới Công chúa Sarah bint Mashhoor bin Abdulaziz Al Saud và họ có với nhau 3 người con. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật Trường ĐH Quốc vương Saud, ông đã dành mấy năm làm việc riêng trước khi trở thành trợ lý cho cha vào năm 2009.

Thái tử Mohammed bin Salman (giữa) cùng tư lệnh quân đội và bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc liên minh chống khủng bố do Ả Rập Saudi đứng đầu tại cuộc họp ở Riyadh ngày 26-11 Ảnh: REUTERS

Gần đây, Thái tử MBS mới được bổ nhiệm đứng đầu ủy ban chống tham nhũng, cơ quan giám sát việc bắt giữ hàng trăm người hồi đầu tháng 11-2017, trong chiến dịch được nhiều người cảm nhận là động thái củng cố quyền lực trước khi nắm quyền cai trị - theo báo Jerusalem Post. Ông MBS đã lặng lẽ sắp đặt các cuộc bổ nhiệm một loạt hoàng tử trẻ vào những vị trí quyền lực.

Cách đây 2 tuần, Thái tử MBS đã ra lệnh bắt giam hơn 200 người, gồm nhiều nhân vật trong hoàng tộc, bộ trưởng và doanh nhân. Các lệnh này đều được thực hiện nhân danh Quốc vương Salman và được tung hô là chiến dịch chống tham nhũng. Tuy nhiên, giới phê bình xem đây là "cuộc thanh trừng", trấn áp những người có tiềm năng thách thức về chính trị trước khi thái tử lên ngôi. Theo kênh ABC News, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra ủng hộ đồng minh trẻ tuổi của ông.

Thái tử MBS được dư luận rộng rãi xem là miễn nhiễm với tham nhũng, không giống những người cùng thời với ông. Thế nhưng, Hoàng tộc Ả Rập Saudi và những người được bảo trợ vẫn hành động đứng trên luật pháp.

Ông Faisal Abbas, tổng biên tập người Ả Rập Saudi của nhật báo Arab News, viết: "Không thể tin được rằng rất ít người nhận ra tất cả những người bị bắt giữ đều giàu có đến mức không ngờ". Theo hãng tin AP, các nhà điều tra Ả Rập Saudi cho biết đã phát hiện ít nhất 100 tỉ USD trong các quỹ dính líu đến tham nhũng và con số này có thể còn tăng lên nữa.

Giới phân tích cho rằng một thử thách thực sự sẽ diễn ra nếu như cuộc càn quét tham nhũng gần đây làm thay đổi được các nguyên tắc hoặc ít ra là phát đi một tín hiệu trong lúc vị thái tử đầy tham vọng dọn đường đến ngai vàng.

Hiện nay, dư luận Ả Rập Saudi đang nóng lên xung quanh chuyện chuyển giao quyền lực đã được dự đoán trước từ Quốc vương Salman cho con trai MBS. Hãng phân tích Eurasia Group hôm 23-11 cho rằng sự chuyển giao có thể diễn ra trong vòng mấy tuần nữa để ngăn ngừa khả năng chống đối từ các thành viên khác trong hoàng tộc.

"Chúng tôi nghĩ rằng Quốc vương Salman sẽ đưa con trai lên vị trí của ông trong vài tuần tới để ngăn chặn các đối thủ của Thái tử MBS tổ chức hành động không thừa nhận kế hoạch chuyển giao này" - chuyên gia Ayham Kamel nhận định.

Cải tổ mạnh mẽ

Thái tử BMS còn tỏ rõ quyết tâm tái tạo hình ảnh Ả Rập Saudi qua việc cam đoan giới thiệu một hình thức đạo Hồi "ôn hòa" hơn. Ông hứa hẹn sẽ đưa vương quốc này thành một xã hội cởi mở với nhiều sự tự do hơn cho công dân, đồng thời thu hút nhiều đầu tư hơn.

Tháng 4-2016, ông MBS đã đưa ra kế hoạch "Tầm nhìn 2030" - một sáng kiến nhằm cải tổ Ả Rập Saudi, tư nhân hóa tài sản nhà nước và làm cho nền kinh tế ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn. Ả Rập Saudi là quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Dầu mỏ và khí đốt chiếm 85% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 50% tổng sản phẩm nội địa (GDP) nước này - theo dữ liệu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

"Tầm nhìn 2030" nhắm mục đích tạo ra 1,2 triệu công ăn việc làm trong khu vực tư nhân và giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp từ 11,6% xuống còn 9%. Chính quyền Riyadh cũng đang vận hành kế hoạch trị giá 500 tỉ USD để thành lập một khu công nghiệp và kinh doanh lớn, mở rộng sang Jordan và Ai Cập.

"Một số ý kiến cho rằng có nhiều mục tiêu quá quyết đoán và có lẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đất nước" - một cố vấn chính phủ Ả Rập Saudi nhận xét với báo Financial Times.

Trong số những đổi thay chính mà Thái tử MBS đang đem lại cho Ả Rập Saudi, đáng chú ý là chính sách đối ngoại quyết đoán hơn với Iran. Ông đang chỉ huy chiến dịch "Trận bão quyết định" chống lại phiến quân Houthi theo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn ở Yemen - lực lượng đã lật đổ chính phủ Yemen được quốc tế công nhận năm 2015. Chỉ 2 tháng sau khi được phong làm bộ trưởng quốc phòng, Thái tử MBS đã đưa quân vào cuộc chiến ở Yemen, nhằm đương đầu ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Tiếp xúc tờ The Economist hồi năm ngoái, Thái tử Ả Rập Saudi tuyên bố: "Thời điểm chiến tranh không liên quan gì đến sự kiện tôi trở thành bộ trưởng quốc phòng. Ả Rập Saudi phải làm mọi sự để chống lại những gì phiến quân Houthi đã làm".

Kỳ tới: Thế giới hoài nghi

NGÔ SINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tham-vong-kho-cuong-20171127212720651.htm