Quyền lực không được giám sát sẽ dẫn đến tha hóa

'Những cán bộ lãnh đạo, những vị tướng lĩnh ấy được giao quyền lớn, nhưng hệ thống giám sát quyền lực lại không tương xứng. Cấp trên giao quyền cho họ nhưng lại không thực hiện trách nhiệm quản lý, giám sát đối với cấp dưới', Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) chia sẻ với PV Tiền Phong trước tình trạng lạm quyền trong thời gian qua.

Nhiều vị tướng lĩnh cấp cao bị xử lý trong thời gian qua. Ảnh: LD.

Không chỉ tướng lạm quyền

Trước nhiều vụ án lớn cũng như một số tướng lĩnh trong lực lượng công an, quân đội bị xử lý kỷ luật vừa qua, ông đánh giá như thế nào về tình trạng lạm quyền?

Với hàng loạt tướng lĩnh trong lực lượng công an, quân đội vừa bị kỷ luật và còn bị xử lý hình sự, điều này khiến dư luận cho rằng, có sự lạm quyền của một số cán bộ cao cấp trong công an và quân đội. Điều đó cũng đúng thôi. Ông Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa lạm quyền, rồi ông Trần Việt Tân, ông Bùi Văn Thành cũng lạm quyền, nhiều trường hợp khác cũng đều lạm quyền tương tự. Có thể nói, đó là một hiện tượng khá nghiêm trọng trong các vụ việc vừa qua.

Thế nhưng đây cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong bộ máy nói chung của chúng ta. Trường hợp ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh có phải lạm quyền không? Rồi ngay cả ông Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn… có phải lạm quyền không? Cùng với đó, ở địa phương cũng có nhiều trường hợp lạm quyền như nguyên Bí thư Quảng Nam Lê Phước Thanh, hay ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Hậu Giang cũng lạm quyền trong việc bổ nhiệm cán bộ…

Như vậy có thể thấy tình trạng lạm quyền diễn ra ở cả trung ương và địa phương, trong đó có những vị tướng cao cấp trong lực lượng quân đội, công an. Có thể nói, tình trạng lạm quyền diễn ra khá phổ biến, nghiêm trọng.

Theo ông, tại sao tình trạng lạm quyền lại diễn ra nghiêm trọng như vậy, do khâu lựa chọn cán bộ hay thiếu kiểm tra giám sát?

Nguyên nhân chủ yếu là những cán bộ lãnh đạo, những tướng lĩnh ấy được giao quyền lớn, nhưng hệ thống giám sát quyền lực lại không tương xứng. Đúng hơn là cấp trên giao quyền cho họ nhưng lại không thực hiện trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động của họ.

Bố trí cán bộ là một chuyện, nhưng quan trọng nhất, khi bố trí xong rồi thì quản lý, giám sát như thế nào? Đã giao quyền lực cho cán bộ đến đâu thì phải giám sát quyền lực đến đó. Quyền lực không được giám sát sẽ dẫn đến tha hóa, đó là quy luật.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói rằng, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Như vậy, đã giao việc cho họ mà để họ tha hóa thì cấp trên phải chịu trách nhiệm. Ít ra là thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp dưới. Đó là không loại trừ có vấn đề về lợi ích nhóm.

Ông Phan Văn Vĩnh là cấp trên của ông Nguyễn Thanh Hóa, không phải ông ấy không giám sát quyền lực, giám sát hoạt động của ông Hóa. Ông Vĩnh có làm đấy, nhưng vì họ là một nhóm lợi ích nên mới dẫn đến kết cục như vậy. Từ vụ việc này nhìn sang các vụ việc khác, chúng ta có quyền nghi ngờ, ở đâu đấy vẫn còn hình thành những nhóm lợi ích giữa cấp trên và cấp dưới, chứ không chỉ đơn giản do thiếu trách nhiệm, không sâu sát, không kiểm tra, giám sát cấp dưới. Trong trường hợp của Vũ “nhôm”, tôi cho rằng có nhóm lợi ích chứ không phải thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát.

Lập ủy ban giám sát quyền lực quốc gia?

Vậy câu chuyện kiểm soát quyền lực cần phải được thực hiện ra sao mới thực sự hiệu quả, thưa ông?

Để phòng ngừa, khắc phục tình trạng này, trước tiên cần phải xem lại hệ thống văn bản luật pháp, điều chỉnh quy định, làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị. Chẳng hạn, tôi là giám đốc của một sở mà để một phòng trong sở tha hóa, cấu kết với tội phạm thì tôi phải chịu trách nhiệm người đứng đầu. Là người đứng đầu, ông Vũ Huy Hoàng phải chịu trách nhiệm về trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh chứ? Ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn phải chịu trách nhiệm về vụ Mobifone chứ?

Sau hàng loạt những vụ việc trong lực lượng công an, quân đội và các cơ quan công quyền nói chung vừa qua, nhà nước phải điều chỉnh, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và quy định trực tiếp vào văn bản. Trong một bộ, nếu diễn ra các vụ việc nghiêm trọng thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm với các hình thức cảnh cáo, khiển trách, cách chức thế nào. Trong một tỉnh cũng vậy, một sở để xảy ra sai phạm nghiêm trọng thì ông chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm. Cần quy định rõ như vậy. Còn lĩnh vực nào phân công cho cấp phó phụ trách thì cấp phó ấy phải chịu trách nhiệm, không thể quy trách nhiệm chung chung được.

Bên cạnh đó, các cơ quan tổ chức trong nhiệm vụ quyền hạn của mình cũng phải giám sát được quyền lực. Bài học nhãn tiền trước đây là cơ quan Kiểm toán Nhà nước thuộc Chính phủ thì không hoạt động hiệu quả. Nhưng sau khi trực thuộc Quốc hội lại hoạt động hiệu quả, lôi ra ánh sáng hàng nghìn vụ việc lớn. Cơ quan kiểm toán phải độc lập, cơ quan thanh tra cũng phải độc lập, không thể thuộc cơ quan hành pháp được. Chẳng hạn, tôi là chủ tịch tỉnh, cơ quan thanh tra thuộc tỉnh, muốn thanh tra chỗ nào thì tôi quyết, như vậy làm sao công tâm, khách quan được.

Chính vì vậy, phải tổ chức lại mô hình giám sát quyền lực. Tôi cho rằng, phải thành lập một Ủy ban giám sát quyền lực quốc gia, do một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội làm chủ nhiệm ủy ban. Bên cạnh đó, phải tăng quyền hạn cho cơ quan kiểm tra của Đảng, nâng vai trò của ủy ban kiểm tra lên. Và theo tôi, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra của Đảng phải do đại hội bầu ra chứ không phải ban chấp hành bầu như hiện nay.

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã mang lại hiệu quả, được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tuy nhiên người dân cũng mong muốn cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” này cần phải tiếp tục duy trì và làm mạnh mẽ hơn nữa. Cá nhân ông kỳ vọng như thế nào về cuộc đấu tranh này?

Tôi cho rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng giai đoạn này không còn chỗ lùi nữa. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư nói, ai không làm được thì đứng sang một bên. Bây giờ mà lùi là thất bại, là mất lòng tin trong nhân dân và mất toàn bộ những thành quả đã có được trong thời gian qua.

Tôi tin đồng chí Tổng Bí thư, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục chỉ đạo, phát triển mạnh hơn nữa. Tiến lên đó là con đường duy nhất và tôi tin rằng con đường đấu tranh ấy sẽ tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới.

Cảm ơn ông.

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quyen-luc-khong-duoc-giam-sat-se-dan-den-tha-hoa-1312278.tpo