Quyền lực Israel trên đất Mỹ

Có một sự thật mà từ rất lâu nay ít người nhắc đến nó, ấy là: Israel biết cảnh nắm giữ quyền lực rất lớn ở Mỹ! Nhờ vào thứ quyền lực đó mà từ hơn nửa thế kỷ nay, Israel luôn luôn là đồng minh thân cận tại Trung Đông của Mỹ, được đặt dưới sự bảo hộ trực tiếp của Nhà Trắng.

Từ thế hệ trước sang thế hệ sau, các chính trị gia của nước Mỹ liên tục lên tiếng ủng hộ Israel và đưa ra các chính sách có lợi cho Israel.

Người Mỹ làm thế một phần vì tính toán chiến lược của quốc gia, nhưng cũng một phần vì họ đã cam kết với các tổ chức như AIPAC - Hội đồng Quan hệ Mỹ - Israel. Trong một số trường hợp, các tổ chức vận động hành lang vì quyền lợi của Israel này trực tiếp nắm giữ sinh mạng chính trị của nhiều chính trị gia, trong khi đồng minh của họ có mặt tại các tòa soạn, đài truyền hình,… tiếp tục nhiệm vụ tuyên truyền thông điệp ủng hộ Israel đến với công chúng Mỹ.

Vậy làm cách nào mà một mạng lưới vận động hành lang cho Israel được sinh ra và lớn mạnh ở Mỹ?! Điều này có lịch sử từ rất lâu đời và thậm chí nó được bắt đầu từ trước cả khi quốc gia Israel tuyên bố độc lập. Lịch sử của Israel gắn liền với việc vận động hành lang ở Mỹ.

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Liên hiệp quốc khi đó mới được thành lập đã họp lại và đồng ý cho phép người Do Thái cùng nhau lập một nhà nước của riêng họ tại Palestine.

Thế rồi, nhờ vào các cá nhân, tổ chức vận động hành lang mà người Do Thái tại Mỹ mới thuyết phục được chính phủ của họ đồng ý với quyết định trên tại Liên hiệp quốc. Tiền thân của AIPAC cũng được thành lập trong khoảng thời gian này và dần dần trở nên lớn mạnh.

Ban đầu thì Israel đứng về phía Liên Xô (cũ) trong thời Chiến tranh lạnh. Mặc dù vậy, kể từ năm 1967 thuộc thế kỷ trước trở đi, Israel dần dần trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Họ rất cần sự bảo hộ của Mỹ để có thể tồn tại được trước không những các phong trào giải phóng đòi lại độc lập cho Palestine, mà còn đối với các quốc gia vùng Vịnh và Bắc Phi như Ai Cập, Yemen, Quatar, Ả-rập Xê-út, v.v… vốn theo đạo Hồi và tin rằng: Jerusalem phải thuộc về người Hồi giáo.

Hầu hết các quốc gia này đều ít nhiều có sự phụ thuộc vào Nhà Trắng, vậy nên khi Israel trở thành đồng minh của Mỹ, họ muốn cũng khó mà làm gì được Israel.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu trước các quan khách đến tham dự cuộc họp hằng năm của AIPAC.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu trước các quan khách đến tham dự cuộc họp hằng năm của AIPAC.

Trong hàng chục năm vừa qua, Israel đã phải tốn nhiều công sức để tạo dựng được một mạng lưới vận động hành lang cho mình tại Mỹ. Quyền lực thật sự của mạng lưới này lớn đến đâu ít người biết rõ, nhưng có một điều hiển nhiên rằng họ rất có sức ảnh hưởng lên chính quyền Mỹ. Mô hình hoạt động chung của họ là tìm những cá nhân giàu có và ủng hộ nhà nước Israel.

Sau khi kết nạp hội viên những cá nhân này, các tổ chức vận động hành lang sẽ lấy quyền lực của họ để đem ra thương lượng với giới chính trị Mỹ. Ở Mỹ ngoài lá phiếu cử tri ra, người ứng cử viên phải sở hữu một số vốn không nhỏ thì mới tranh cử thành công được. Bởi thế cho nên họ sẵn sàng đưa ra các cam kết ủng hộ Israel để nhận được lá phiếu bầu và tiền ủng hộ tranh cử từ hội viên các tổ chức vận động hành lang.

Các tổ chức như AIPAC có quan hệ rất chặt chẽ với chính phủ Israel, đặc biệt là với Bộ Ngoại giao nước này. Không năm nào mà AIPAC lại không mời một vị Bộ trưởng Ngoại giao hay thậm chí là Tổng thống Israel bay sang Mỹ để phát biểu. Khán giả chính của các buổi phát biểu này không chỉ gồm thành viên trong hội, mà còn cả những chính trị gia Mỹ nữa.

Người ta đến dự thính như một cách để khẳng định lại sự ủng hộ của mình đối với Israel, một chính quyền ngoại quốc. Ở những quốc gia khác thì những hành vi có màu sắc "mua bán phiếu bầu" như thế này sẽ cấu thành tội phạm, nhưng ở Mỹ thì họ hoàn toàn có quyền làm vậy do bản thân đất nước này có nhiều quy định rất lỏng lẻo trong việc kiểm soát hoạt động của chính trị gia trước, trong và sau bầu cử.

Một nhóm các cá nhân, tổ chức không thể không nhắc đến khi bàn về mối quan hệ giữa Mỹ và Israel là những người theo đạo Phúc Âm, một nhánh của Thiên Chúa giáo. Có một số lượng nhỏ những tín đồ Phúc Âm tin vào một lời sấm truyền như sau: Người Do Thái sẽ trở lại Đất Thánh (tức Jerusalem) và thành lập một đất nước của riêng người Do Thái (tức Israel).

Sau khi người Do Thái xây dựng xong Ngôi Đền Thứ Ba, ngày Khải Huyền sẽ tới. Chúa sẽ hạ thế và bắt đầu phán xét loài người. Những người Thiên Chúa giáo sẽ được lên thiên đường, còn những kẻ ngoại đạo sẽ phải xuống địa ngục.

Ngay cả nhiều người theo đạo Phúc Âm cũng không tin vào lời sấm truyền này, và nó bị các lãnh đạo của nhà thờ cực lực phản đối. Tuy vậy, những người đặt niềm tin vào "kịch bản" này sẵn sàng dùng hết những thứ gì mình có để đảm bảo rằng Nhà nước Israel sẽ tồn tại cho đến khi lời sấm truyền trở thành sự thật.

Ngay từ thế kỷ thứ 19 đã có những cá nhân ở Mỹ tuyên truyền cho việc giúp đỡ người Do Thái thành lập đất nước riêng của mình tại Jerusalem, trong đó có cả một vị tổ tiên của cha con cựu Tổng thống George Bush. Đến nay thì họ đã hợp thành một phong trào có đầy đủ các tổ chức, quỹ ủng hộ, tòa soạn, v.v… Quyền lực đối với các cử chi, chính trị gia và báo giới của họ cũng lớn không thua kém gì với những nhóm nhận trợ giúp trực tiếp từ Israel, và hai bên thường xuyên cộng tác với nhau để làm "chao đảo" chính trường Mỹ.

Như một phần trong "tầm nhìn chiến lược" của mình, các cá nhân, tổ chức vận động hành lang cho Israel rất quan tâm tới những trường đại học tại Mỹ. Họ muốn giới trẻ Mỹ khi lớn lên cũng sẽ ủng hộ Israel như ông cha họ vậy. Xuất phát từ tư tưởng đó, người ta sử dụng tiềm lực tài chính để tài trợ cho các cá nhân sinh viên, hội nhóm, dự án nghiên cứu, v.v… trong trường đại học, đồng thời cho xuất bản các ấn phẩm truyền thông dành riêng cho sinh viên.

Ngược lại, nhiều người trẻ tại Mỹ lại rất mong muốn được làm việc cho các tổ chức vận động hành lang này. Có những người đã - đang thật sự ủng hộ Israel, nhưng số đông làm thế vì tham vọng của bản thân: họ muốn nhờ quan hệ của các tổ chức để tìm được một công việc danh giá tại công ty luật; công ty marketing; tòa soạn, đài truyền hình, v.v… hay thậm chí là trở thành một chính trị gia nữa.

Tuy vậy, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi tại Mỹ lại có thái độ chỉ trích Israel. Họ cảm thông trước cảnh sống khổ cực của người dân Palestine tại Dải Gaza dưới sự cai quản của Israel - người Palestine thiếu thực phẩm, thiếu nước sạch, không có việc làm, không được tự do đi lại, hội họp, v.v… Trong khi Mỹ, với vai trò của lãnh đạo thế giới của mình, lại làm ngơ trước sự bất công này.

Cách đây hơn một năm, Quốc hội Mỹ đã đưa ra bàn thảo một số biện pháp cấm vận Israel nhằm thúc giục chính quyền Tổng thống Benjamin Netanyahu nhanh chóng có biện pháp giải quyết khó khăn trong cuộc sống của người dân Palestine tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy những biện pháp này đã bị bác đi, nhưng chúng cũng để lại một chấn động lớn trong chính trường Mỹ. Đã từ lâu lắm rồi nước Mỹ mới nghiêm túc xem xét việc trừng phạt Israel. Động lực chính đằng sau những biện pháp nói trên là một nhóm các hạ nghị sỹ nữ trẻ tuổi vừa mới được bầu vào Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử 2018.

Cái cách mà mạng lưới vận động hành lang phản ứng với sự kiện nói trên đã thể hiện ra mặt tối của họ. Những nữ hạ nghị sỹ như Alexandria Ocasio-Cortez, Rashida Talib và Ilhan Omar trong nhóm ủng hộ việc cấm vận Israel đều xuất phát từ lòng thông cảm của họ đối với người dân Palestine tại Dải Gaza, đồng thời là sự giận dữ trước việc các chính trị gia Mỹ không giữ được thái độ độc lập của mình trước ảnh hưởng của Israel.

Đây đều là hai lý do chính đáng cho những hành động của họ. Tuy vậy, dưới sự chỉ đạo của các tổ chức vận động hành lang cho Israel, nhiều cơ quan truyền thông lại vu khống cho họ là có tư tưởng bài Do Thái, thậm chí là phát - xít nữa. Họ đặc biệt hướng sự tấn công của mình đối với hạ nghĩ sỹ Ilhan Omar vì cô vốn là một người Hồi giáo gốc Somali. Ngay cả các vị cử tri quốc hội Mỹ cũng bị vu cho những lời cáo buộc trắng trợn như thế, quả thật là một hành động khiến cho bất kỳ một người chân chính nào cũng phải tức giận.

Nhiệm vụ của chính phủ Israel là bảo vệ sự độc lập và quyền lợi của đất nước mình. Tuy vậy, dường như họ đang quên đi lằn ranh giới hạn. Israel đang gây ảnh hướng lớn lên việc chính phủ Mỹ điều hành chính sách đối ngoại, và để đạt được mục đích đó các cá nhân, tổ chức vận động hành lang sẵn sàng làm những việc không minh bạch, chân chính chút nào.

Trong tương lai gần thì hậu quả của những hành động này khó có thể diễn ra, và gần như chắc chắn rằng Mỹ sẽ còn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Israel trên trường quốc tế. Nhưng một mối quan hệ ngoại giao xây dựng trên nền tảng những lời nói dối và các quan hệ mờ ám khó có thể tồn tại bền vững trong dài lâu được.

Lê Hội Vũ (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/quyen-luc-israel-tren-dat-my-602632/