Quyền lực ghê gớm

Phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc ở Phú Thọ chuẩn bị đi đến hồi kết. Dư luận đặc biệt quan tâm đến diễn biến phiên tòa vì muốn biết sự hoạt động của 'tội phạm trong cơ quan chống tội phạm' ra sao và thái độ của những con người từng làm trong các cơ quan này khi đối diện với pháp luật ở vị trí bị cáo.

Hình minh họa

Người ta có thể cảm nhận rất rõ “quyền lực ghê gớm” đến mức dường như “không ai có thể kiểm soát” của cơ quan chống tội phạm khi tạo điều kiện cho một đường dây đánh bạc công nghệ cao, quy mô vươn tới tầm quốc tế, một khối lượng tiền khổng lồ lưu thông, thu về, cất giữ... mà không thể phát hiện trong một thời gian dài. Bởi qua những diễn biến của phiên tòa công khai này cho thấy, cán bộ trong cơ quan công an đã phát hiện ra sự vi phạm pháp luật nhưng bị thủ trưởng gạt đi khi họ báo cáo, thậm chí còn bị sỉ nhục nữa.

Rõ ràng, dùng quyền lực của Nhà nước giao để bao che, “chống lưng” cho tội phạm không phải cái gì mới, nhưng hành vi này được thể hiện một cách khá rõ ràng qua phiên tòa này. Cá nhân, đơn vị thực hiện hành vi phạm tội còn được đề nghị khen thưởng hoặc tuyển dụng, cất nhắc vào ngành chống tội phạm. Tội phạm có chức quyền nguy hiểm gấp ngàn lần tội phạm thông thường và đó mới là điều cần phải diệt trừ từ mầm mống, chứ không thể chỉ yêu cầu đạo đức, phẩm chất chung chung.

Thái độ và cách hành xử của các bị cáo tại phiên tòa cũng phần nào phản ảnh tư cách con người họ. Chối tội, đổ lỗi là chuyện không hiếm trong các vụ án mà bị cáo là những người từng có chức vụ, song ra tòa mà còn tỏ thái độ xem thường, thậm chí xúc phạm đồng phạm thì là chuyện hy hữu. Trong 24 giờ phản cung rồi nhận tội, đổ lỗi rồi hối hận, xúc phạm rồi xin lỗi, âu cũng là chuyện hiếm. “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết” quả là rất xác đáng cho những trường hợp này.

Cũng thật đáng tiếc cho một đời công tác, vào sinh ra tử, truyền thống đáng vì nể của gia đình cách mạng, cả nhà đổ máu, hy sinh cho sự nghiệp chung và mình được thừa hưởng sự hy sinh đó mà bản thân lại phá hỏng.”Tôi mất tất cả” - lời nói đó do một bị cáo - cựu tướng công an thốt lên là cả một sự ân hận muộn màng, một nuối tiếc vô vọng.

Sự trừng phạt của pháp luật mang ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh không chỉ đối với những người trực tiếp chịu hình phạt mà với mọi người khác xung quanh và cả xã hội. Hãy nhìn vào đó mà răn mình, hướng thiện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, không mù quáng để lòng tham dẫn dắt, đặc biệt là khi đang có quyền lực được giao phó. Nhầm tưởng quyền lực thuộc về mình và tùy tiện sử dụng nó sẽ phải trả một giá rất đắt!.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ca-phe-luat/quyen-luc-ghe-gom-425432.html