Quyền lực của váy áo xuyên thấu

'Naked dress' (váy khỏa thân) được nhắc đến lần đầu vào năm 1970. Kiểu trang phục này thống trị lĩnh vực thời trang qua nhiều thập kỷ.

 Kendall Jenner diện bodysuit trong suốt, gây chú ý tại tiệc hậu Met Gala 2023. Ảnh: Just Jared.

Kendall Jenner diện bodysuit trong suốt, gây chú ý tại tiệc hậu Met Gala 2023. Ảnh: Just Jared.

Diện hàng loạt trang phục gần như khỏa thân trên sân khấu trong chuyến lưu diễn Renaissance, Beyoncé thu hút sự chú ý của truyền thông, công chúng. Váy áo xuyên thấu luôn là chủ đề bàn luận của giới mộ điệu suốt nhiều thập kỷ qua.

Các nữ minh tinh như Marilyn Monroe, Cher hay Florence Pugh nhận về nhiều lời chỉ trích, bình luận khiếm nhã khi táo bạo để lộ phần lớn da thịt trước công chúng. Tuy nhiên, nhiều người nổi tiếng vẫn tiếp tục hưởng ứng, lăng xê trào lưu này.

Trang phục trong suốt không chỉ giúp các ngôi sao tạo ấn tượng với khán giả. Xu hướng kiệm vải còn thể hiện sự tự tin, thái độ trân trọng cơ thể, tình yêu bản thân và quyền tự do ăn mặc của nữ giới.

Beyoncé diện bodysuit ôm sát, gần như khỏa thân trên sân khấu. Ảnh: Kevin Mazur.

Trào lưu diện đồ khỏa thân của ngôi sao

Trong chuyến lưu diễn Renaissance, Beyoncé không chỉ mang đến âm nhạc sôi động, sân khấu hoành tráng mà còn gây chú ý với giới mộ điệu nhờ outfit biểu diễn ấn tượng. Bodysuit chính là trang phục yêu thích của nữ ca sĩ trên sân khấu.

Bên cạnh bộ catsuit bó sát của Alexander McQueen, Beyoncé khuấy động đêm nhạc với set bodysuit đính đá quý của thương hiệu Loewe. Điểm nhấn của trang phục là hình ảnh những bàn tay ôm ấp cơ thể gần như khỏa thân của nữ ca sĩ.

Đây không phải lần đầu tiên Beyoncé để lộ phần lớn da thịt trước công chúng. Trên bìa album Renaissance, cô ngồi trên một chú ngựa với những mảnh kim loại che thân.

Tại bữa tiệc hậu Oscar 2022, nữ minh tinh diện một thiết kế kiệm vải, phô diễn đường cong cơ thể bên cạnh ông xã Jay-Z. Vào năm 2015, Beyoncé xuất hiện tại Met Gala với chiếc váy trong suốt đính đá quý của nhãn hàng Givenchy.

Là một trong những ngôi sao dẫn đầu trào lưu mặc như không mặc, cô không ngừng khiến khán giả thích thú và tò mò về trang phục khi xuất hiện trên sân khấu ca nhạc, thảm đỏ sự kiện.

Janelle Monaé và Kendall Jenner diện trang phục xuyên thấu, khoe da thịt trong khuôn khổ Met Gala 2023. Ảnh: Just Jared, Wire Image.

Tại Met Gala 2023, Janelle Monaé cũng gây sốt khi khoe 90% da thịt trong bộ bikini sequin và chiếc tùng váy trong suốt. Trước đó, ca sĩ cũng để ngực trần trong sản phẩm âm nhạc Lipstick Lover.

Số lượng người nổi tiếng khoe da thịt tăng nhanh trong nửa đầu năm 2023. Tại Oscar 2023, các chất liệu trong suốt, xuyên thấu như vải tuyn, lưới và nhựa được các ngôi sao nhiệt tình hưởng ứng, lăng xê.

Trong bữa tiệc hậu Met Gala 2023, kiệm vải cũng là chủ đề chính. Kendall Jenner, Gigi Hadid, Olivia Wilde và Emily Ratajkowski diện những chiếc váy trong suốt, gần như khỏa thân trước ống kính nhiếp ảnh gia.

Tại Tuần lễ thời trang Paris 2023, Florence Pugh diện đầm maxi xuyên thấu để lộ quần lọt khe khi tham dự show thời trang của nhà mốt Valentino.

Cher diện váy xuyên thấu đính lông vũ khi tham dự sự kiện thời trang. Ảnh: Ron Galella.

Lịch sử của trang phục kiệm vải

Trong nhiều thập kỷ qua, việc mặc như không mặc luôn là chủ đề tạo ra nhiều cuộc tranh cãi, bàn luận. Nhà sử học thời trang Kimberly Chrisman-Campbell cho biết thuật ngữ “naked dress” (tạm dịch: “váy khỏa thân”) được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1930.

“Vào những năm 1930, cụm từ này được dùng để mô tả một chiếc váy quây. Ở thời điểm đó, kiểu trang phục này để lộ phần lớn da thịt của người mặc”, Kimberly chia sẻ với BBC.

Trong giai đoạn 1950, trào lưu diện váy “gần khỏa thân” được hưởng ứng bởi các ngôi sao, nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Marlene Dietrich tiên phong hưởng ứng khi mặc outfit táo bạo, khoe vẻ đẹp hình thể trước công chúng.

Vào năm 1962, trang phục kiệm vải trở thành mốt khi Marilyn Monroe diện váy màu nude, nạm kim cương, ôm sát cơ thể. Mẫu váy này sau đó được Kim Kardashian mặc lại tại Met Gala.

“Ở thời điểm đó, váy khỏa thân được gọi là ‘trang phục ảo giác’. Thiết kế này tạo ra ảo ảnh, khiến người đối diện tưởng bạn không mặc đồ”, Chrisman-Campbell cho biết.

“Các ngôi sao như Dietrich và Marilyn Monroe nỗ lực thu hút sự chú ý với thiết kế này. Dưới ánh đèn sân khấu, lớp vải màu nude hoàn toàn biến mất, để lại chi tiết đá quý, họa tiết thêu tay. Nếu không nhìn kỹ, khán giả dễ dàng tưởng họ khỏa thân”, cô nói thêm.

Là người đầu tiên phác thảo ý tưởng về chiếc váy xuyên thấu của Marilyn Monroe, Bob Mackie tiếp tục hợp tác với Cher. Năm 1974, nữ minh tinh diện mẫu đầm trong suốt đính lông của của Mackie khi tham dự Met Gala.

Dù nhận về nhiều ý kiến trái chiều, Cher tiếp tục lăng xê kiểu trang phục này với những outfit gần như khỏa thân khi tham dự các sự kiện danh giá, bao gồm lễ trao giải Oscar, trong suốt thập niên 80.

Hiện nay, theo Chrisman-Campbell, thuật ngữ “váy khỏa thân” dùng để chỉ trang phục được làm bằng vải mỏng, màu nude, đòi hỏi người đối diện phải nhìn lại nhiều lần để tránh nhầm lẫn, cho rằng các tín đồ thời trang không diện đồ.

Kim Kardashian mặc lại chiếc váy nude bó sát gần như khỏa thân huyền thoại của Marilyn Monroe. Ảnh: Pinterest, Greg Swales.

Florence Pugh nhận nhiều ý kiến trái chiều khi diện váy xuyên thấu, thả rông vòng một. Ảnh: @florencepugh.

Quyền lực của váy khỏa thân

Theo nhà sử học thời trang Kimberly Chrisman-Campbell, trang phục kiệm vải là một trong những công cụ góp phần phá bỏ nhiều định kiến trong lĩnh vực thời trang. Khi diện váy áo khỏa thân, các ngôi sao thể hiện sự tự hào về làn da và đặc điểm hình thể.

Ví dụ, Lizzo thường xuyên diện đồ xuyên thấu dù sở hữu cơ thể ngoại cỡ. Tại Oscar 2002, Halle Berry cũng mặc chiếc váy trong suốt được làm bằng chất liệu lưới để khoe làn da màu.

Là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại lễ trao giải điện ảnh danh giá, Halle Berry cho thấy niềm tự hào về màu da và sắc tộc qua mẫu đầm đặc biệt. Chiếc váy sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Điện ảnh để lưu lại khoảnh khắc lịch sử này.

Tương tự, người mẫu bạch tạng Winnie Harlow cũng thường xuyên diện váy khỏa thân để phô diễn làn da hiếm. Sự tự tin của Winnie góp phần truyền cảm hứng đến nhiều tín đồ thời trang sở hữu khiếm khuyết hình thể.

Tuy nhiên, Caroline Stevenson, Giám đốc chương trình nghiên cứu thời trang và văn hóa tại Đại học Thời trang London (Anh), cho rằng những thiết kế kiệm vải vẫn được sử dụng để tôn vinh tỷ lệ cơ thể lý tưởng.

Để bảo vệ quan điểm này, Caroline lấy ví dụ về chiếc váy xuyên thấu màu hồng của Florence Pugh. Năm 2022, tại show thời trang của Valentino, nữ diễn viên thả rông vòng một trong mẫu đầm trong suốt.

Không sở hữu đường cong cơ thể hoàn hảo, kích cỡ vòng một lớn, Florence nhận về nhiều ý kiến chỉ trích từ nam giới. “Họ thoải mái bình phẩm và chê bai hình thể của một người phụ nữ khi cô ấy hưởng ứng trào lưu thả rông”, Caroline cho biết.

Florence Pugh liên tục mặc trang phục xuyên thấu bất chấp những lời chỉ trích. Ảnh: @florencepugh.

Ngược lại, việc các ngôi sao nam như Iggy Pop bán khỏa thân ở nơi công cộng lại được xem là hành động thể hiện sự quyến rũ.

Theo Caroline Stevenson, khi cuộc tranh luận bùng nổ, các nhà thiết kế và người nổi tiếng nhanh chóng nắm bắt cơ hội để thể hiện ý kiến, quan điểm cá nhân, tôn vinh cơ thể nữ giới. Váy áo khỏa thân trở thành công cụ khẳng định nữ quyền.

Chrisman-Campbell cho rằng trang phục kiệm vải đang được biến tấu theo nhiều phong cách khác nhau. Không chỉ được sử dụng để thu hút sự chú ý, các thiết kế này còn thể hiện sự sáng tạo của nhà thiết kế, đồng thời tôn nổi phong cách cá nhân của người mặc.

“Bộ đồ liền thân màu nude với những bàn tay ôm quanh cơ thể của Beyoncé đại diện cho sự trân trọng và tình yêu bản thân. Không chỉ khoe da thịt, cô ấy còn thúc đẩy sự tự tin ở nữ giới”, Stevenson nói.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quyen-luc-cua-vay-ao-xuyen-thau-post1431123.html