Quyền lực báo chí chính là sự thật

Ở nước ngoài, không nhiều người tường tận về báo chí Việt Nam. Kể cả những người nghiên cứu về báo chí - truyền thông. Ở nước ngoài, không phải những gì trao đổi liên quan đến truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội cũng đạt được mong muốn như kỳ vọng.

Ðó là những sự hụt hẫng thoảng qua, nhưng cũng là cơ hội, là dịp tốt để rút ra những điểm chung, để thấy rằng với báo chí, nội dung thông tin, trách nhiệm và sự nhân văn của nhà báo, nền báo chí là luôn phải coi trọng, nâng niu…

Nhà báo, Tiến sĩ báo chí Nguyễn Tri Thức trong một chuyến tác nghiệp

Nhà báo, Tiến sĩ báo chí Nguyễn Tri Thức trong một chuyến tác nghiệp

KIỂM DUYỆT

Tôi có may mắn được tham gia một số buổi học, trao đổi, tìm hiểu ở nước ngoài về báo chí - truyền thông tại Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ðức... Những kiến thức tiếp thu đều khá tương đồng giữa các nền báo chí, từ lịch sử phát triển, các loại hình báo chí, chuyện chuyên môn nghiệp vụ đến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thói quen đọc báo, lướt mạng của công chúng hiện nay, cũng như các xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, vai trò và trách nhiệm của nhà báo, của báo chí trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông mới nhiều cung bậc xáo trộn…

Tôi vẫn nhớ trong buổi làm việc ngày 26-6-2017, bà Darya V. Ivanova - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Prosveshcheniye (Nga) - có nói nhiều về lịch sử phát triển thăng trầm của báo chí Nga (Liên Xô trước đây), về báo chí tư nhân, về sự phát triển, biến đổi của báo chí hiện đại. Một thoáng về truyền thông xã hội, bà Ivanova cho biết, Quốc hội Liên bang Nga ban hành đạo luật kiểm soát việc phát thông tin của các blogger, theo đó nếu trang blog (trang nhật ký trực tuyến, gọi tắt của weblog, phát triển bùng nổ từ cuối thập niên 1990) của cá nhân nào có trên 300.000 lượt người truy cập/ngày, vượt quá 15 giây mỗi người, phải chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước, phải đóng thuế.

Những người viết nhật ký trực tuyến (blogger) phải chịu trách nhiệm về những gì viết ra, cả những lời bình luận trong các bài viết, cứ 6 tháng/lần phải báo cáo các cơ quan quản lý và chịu sự kiểm tra định kỳ. Ðến tháng 6-2017, có khoảng 2.000 blogger đã được đăng ký…

QUYỀN LỰC CỦA SỰ THẬT

Cuối năm 2018, ngày 27-11, chúng tôi có buổi học với TS. Leslie Lenkowsky về vấn đề “truyền thông có phải là kẻ thù của bạn?” tại Trường Ðại học Indiana (Mỹ). Ông khẳng định “báo chí là quyền lực thứ tư”, và nhắc lại lời của nhà báo nổi tiếng trong thế kỷ XIX của Mỹ là Walter Lippmann rằng, tin tức đúng sẽ có tầm quan trọng đặc biệt, và sẽ thắng, trong vô vàn tin tức thật, giả, tốt, xấu… TS. Lenkowsky nhắc lại rằng, nhờ có truyền hình đưa những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam mà người dân Mỹ thấy thấy sự mất mát, đau khổ và họ thay đổi quay sang phản đối chiến tranh.

Rõ ràng, hình ảnh chân thực đã thay đổi ý kiến công chúng, thay đổi cả chính sách của nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam... Ông Lenkowsky còn nói về mạng xã hội, về an ninh mạng và những tác động hai chiều tốt - xấu của nó, về chính sách, chiến lược phát triển báo chí - truyền thông. Và ông khẳng định, phải luôn nói thật, vì cuối cùng sự thật sẽ được sáng tỏ và nên chấp nhận không biết, không nói còn hơn là nói sai. Ông cũng cho rằng, internet là “ngôi làng toàn cầu”, nhưng đôi khi cũng là “làng điên loạn” bởi nhiều thông tin bị bóp méo, thất thiệt, tin giả…

Nguyễn Tri Thức (Trưởng ban Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/quyen-luc-bao-chi-chinh-la-su-that-80533.html