Quyền lợi người lao động khi chủ DN bỏ trốn: Nhìn từ vụ Cty KaiYang

Sau hơn 3 tháng lãnh đạo người Đài Loan của công ty TNHH KaiYang Việt Nam bỏ trốn, đến nay, gần 2500 công nhân công ty đã được chi trả chế độ lương,...

Cầm trên tay tiền lương tháng 8 cùng sổ bảo hiểm xã hội đã chốt đến những ngày làm việc cuối cùng tại Công ty TNHH KaiYang Việt Nam, nhiều công nhân thở phào nhẹ nhõm vì những quyền lợi của mình cuối cùng đã được đảm bảo, điều mà cách đây 3 tháng, họ còn nghi ngờ.

Hàng ngàn công nhân Công ty TNHH KaiYang Việt Nam có mặt tại trụ sở công ty khi lãnh đạo công ty (người Đài Loan, Trung Quốc)... biến mất.

Hàng ngàn công nhân Công ty TNHH KaiYang Việt Nam có mặt tại trụ sở công ty khi lãnh đạo công ty (người Đài Loan, Trung Quốc)... biến mất.

Đến bây giờ, nhiều người vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi nhớ lại buổi sáng 12/8, họ đến công ty và thấy toàn bộ văn phòng, nhà xưởng công ty bị đóng cửa, niêm phong và nhận tin ban lãnh đạo công ty (người Đài Loan, Trung Quốc) đã… “biến mất”. Thời điểm đó, công ty còn nợ gần 30 tỷ đồng lương tháng 7 và hơn 10 ngày làm việc tháng 8 của công nhân; nợ ngân hàng trên 149 tỉ đồng; nợ tiền bảo hiểm xã hội của công nhân các tháng 5, 6, 7/2019 với số tiền hơn 9 tỉ đồng.

Chị Bùi Thị Sen, xã An Tiến, huyện An Lão và chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bày tỏ: "Đến thời điểm này chúng tôi đã nhận đủ lương. Bảo hiểm cũng chốt hết tháng 7; đi công ty mới, người thì được nối bảo hiểm, người được lấy bảo hiểm thất nghiệp. Nói chung, thành phố rất linh hoạt cho công nhân, để người lao động khỏi thiệt thòi. Lúc đầu tôi cũng lo lắng là không lấy được bảo hiểm, sang công ty khác không nối được, nhưng cũng may tôi chốt được bảo hiểm, sang công ty mới nối luôn. Tôi cũng cám ơn lãnh đạo thành phố đã tạo điều kiện, thu xếp được lương và chốt được bảo hiểm cho công nhân chúng tôi".

Để có được kết quả này phải kể đến vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành thành phố Hải Phòng trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Hải Phòng đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ Công ty TNHH KaiYang Việt Nam giải quyết các vướng mắc, khó khăn và đảm bảo an ninh trật tự. Thành phố đã chỉ đạo các ban ngành, tạo điều kiện để công ty xuất 2 lô hàng, chi trả tiền lương tháng 7 cho công nhân; sử dụng số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của công ty để thanh toán tiền bảo hiểm xã hội các tháng 5, 6, 7/2019 và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng thời, UBND thành phố Hải Phòng cũng giao Liên đoàn Lao động thành phố ứng tiền cho Công đoàn công ty vay để chi trả lương tháng 8, sau khi công ty thanh lý tài sản sẽ trả lại cho Liên đoàn lao động thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng làm việc với các ban ngành, đại diện công ty TNHH KaiYang Việt Nam tìm cách đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Bên cạnh sự chỉ đạo, vào cuộc kịp thời của lãnh đạo và các ban ngành thành phố Hải Phòng, theo bà Nguyễn Thị Lộc, Quyền Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hải Phòng, việc đảm bảo chế độ cho người lao động Công ty KaiYang Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn do thiếu các quy định pháp luật liên quan đến giải quyết các chế độ cho người lao động, các khoản nợ và quy trình tổ chức thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.

"Trong Luật cũng phải sửa đổi là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn thì phải làm như thế nào để giải quyết ngay quyền lợi cho người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội. Ví dụ, khi xảy ra các đơn vị có chủ bỏ trốn ảnh hưởng đến người lao động chưa nộp đủ tiền BHXH thì lấy nguồn từ đâu để nộp tiền BHXH đó, thực hiện quyền lợi cho người lao động", bà Lộc cho hay.

Thực tế, thời gian gần đây, việc chủ doanh nghiệp “bỏ trốn” không còn hi hữu. Trước sự việc xảy ra tại Công ty TNHH KaiYang Việt Nam, có thể kể đến một số vụ bỏ trốn của chủ công ty TNHH KL Texwell Vina (100% vốn Hàn Quốc, có trụ sở tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vào cuối năm 2018 với số tiền nợ lương và bảo hiểm xã hội của công nhân là hơn 30 tỷ đồng hay tại công ty Cổ phần TNHH một thành viên ChoWon (Khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), giám đốc và quản lý người Hàn Quốc đã rời khỏi Việt Nam, khi công ty còn nợ ngân hàng, nợ lương và bảo hiểm xã hội của công nhân lên đến hàng chục tỷ đồng.

Những vụ việc này không chỉ ảnh hưởng quyền lợi của người lao động và thất thu ngân sách mà còn để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

Theo ông Hoàng Đình Long, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam để hạn chế tình trạng bỏ trốn của các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nước ngoài cần phải có sự thay đổi, thêm những ràng buộc pháp lý trong quản lý doanh nghiệp.

"Chính phủ nên có quy định về tài sản thế chấp của chủ doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp quản lý người sử dụng lao động nước ngoài trong việc xuất cảnh; xử lý nghiêm các doanh nghiệp nợ đọng các khoản nghĩa vụ phải nộp; đặc biệt các ngân hàng chấp hành nghiêm tỉ lệ tài sản thế chấp khi cho các doanh nghiệp vay vốn", ông Long nhấn mạnh.

Chủ động ngăn chặn tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động mà còn là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và cả đất nước./.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/tin-24h/quyen-loi-nguoi-lao-dong-khi-chu-dn-bo-tron-nhin-tu-vu-cty-kaiyang-983393.vov