Quyền, lợi ích của người lao động phải tốt hơn

Khi sửa đổi Bộ Luật Lao động (BLLĐ) không được làm suy giảm và mất đi các quyền lợi của người lao động đã được pháp luật khẳng định trong thực tiễn thi hành. Đây là một trong các quan điểm của LĐLĐ Thành phố được nêu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo BLLĐ 2012 (sửa đổi) do LĐLĐ Thành phố tổ chức ngày 21/3. Các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Thành phố đã tới dự hội nghị.

Sửa đổi BLLĐ phải đảm bảo quyền lợi của người lao động

Báo cáo đề dẫn hội nghị, đồng chí Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay, BLLĐ giữ một vị trí quan trọng, vì vậy điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn trong các mối quan hệ lao động và có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động đến tất cả các thành phần kinh tế và hàng chục triệu lao động trong cả nước.

Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị

Bộ luật Lao động lần đầu được ban hành ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ 01/01/1995, đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Trong đó lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi toàn diện. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng thực hiện trên thực tế, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi BLLĐ (năm 2012) cần được tiếp tục hoàn thiện.

Vì vậy Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 57/2018/QH14, ngày 08/6/2018 về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019, trong đó dự án BLLĐ (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến sửa đổi vào cuối năm 2019.

Đồng chí Tạ Văn Dưỡng cũng cho biết, ngay sau khi Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai Kế hoạch số 55/KH-TLĐ ngày 01/8/2018 về việc thực hiện các hoạt động tham gia xây dựng BLLĐ (sửa đổi), LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn Thành phố tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong CNVCLĐ và cán bộ công đoàn toàn Thành phố để tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo BLLĐ (sửa đổi).

“Quan điểm của LĐLĐ Thành phố khi tham gia sửa đổi BLLĐ (năm 2012) là phải kiên trì và quán triệt ba nguyên tắc: thứ nhất, khi sửa đổi BLLĐ không làm suy giảm và mất đi các quyền lợi của người lao động đã được pháp luật khẳng định trong thực tiễn thi hành; thứ hai, phải tạo khung pháp lý thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động; thứ ba, khi xây dựng Luật phải xác định người lao động là thế “yếu” để có những quy định cho phù hợp, thể hiện bản chất nhân văn tốt đẹp của chế độ XHCN ở nước ta”- Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ Thành phố Tạ Văn Dưỡng nói.

Ngoài ra, theo đồng chí Tạ Văn Dưỡng, LĐLĐ Thành phố cũng thống nhất các nguyên tắc sửa đổi do Ban soạn thảo đề ra trong dự thảo trong đó có nguyên tắc khi xây dựng BLLĐ phải đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn và phù hợp với hệ thống pháp luật chung của Việt Nam.

Góp ý nhiều vấn đề thiết thực

Từ định hướng của LĐLĐ Thành phố, với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, tại hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp ý kiến tập trung vào các vấn đề liên quan thiết thân tới người lao động và hoạt động của tổ chức công đoàn như tiền lương, tiền công; Mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm; Về thương lượng tập thể; vai trò của tổ chức CĐCS trong thương lượng tập thể; Quyền đơn đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của người lao động; Về giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Cùng đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về các điều kiện đảm bảo hoạt động của tổ chức Công đoàn, việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở theo cam kết CPTPP; Quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động và chính sách lao động nữ cùng nhiều nội dung liên quan khác...

Trong số các nội dung nêu trên, vấn đề mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm và quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn cả. Nếu như đa số ý kiến thống nhất với việc giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động như hiện nay, thì vấn đề thời giờ làm thêm lại có những ý kiến đề xuất khác nhau.

Ông Nguyễn Tràng Huy – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific bộc bạch: Đối với doanh nghiệp dệt may, tiến độ giao hàng vô cùng quan trọng, nếu không đáp ứng tiến độ giao hàng thì doanh nghiệp có thể bị cắt hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động.

Trên thực tế có những khi công nhân dệt may được chơi dài nhưng khi đơn hàng vào thời gian gấp gáp thì doanh nghiệp buộc phải huy động làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ giao hàng. Bên cạnh đó, bản thân không ít người lao động cũng có nhu cầu làm thêm để cải thiện thu nhập. Vì vậy, ông Nguyễn Tràng Huy đề xuất, ở góc độ cho phép nên nới rộng khung giờ làm thêm, vừa giúp doanh nghiệp đảm bảo được mục tiêu sản xuất kinh doanh, vừa giúp nâng thu nhập cho người lao động.

Trong khi đó, Bà Phạm Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Việt Nam lại cho rằng, dù bất cứ trong điều kiện nào, người lao động khi phải kéo dài thời gian làm việc (làm thêm) cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động, do vậy không nên nới rộng khung giờ làm thêm, mặc dù hiện nay, làm thêm để tăng thêm thu nhập là nhu cầu của không ít người lao động.

Theo bà Hải, thay vì kéo dài thời gian làm việc của người lao động, cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan đối với việc tăng thu nhập cho người lao động như: Nâng lương tối thiểu, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc để nâng cao năng suất lao động, tăng chế độ đãi ngộ...

Tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ cơ sở

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao việc LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực, trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ với Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng như đánh giá cao các ý kiến đóng góp sát thực, có tinh thần xây dựng của các đai biểu tại hội nghị.

Nhấn mạnh mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cũng như tính cần thiết của việc lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ đóng góp cho Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu đề nghị các cấp công đoàn thành phố Hà Nội tiếp tục lấy kiến của cán bộ CĐCS và người lao động trực tiếp tại cơ sở, tập trung vào những vấn đề thiết thân với người lao động.

Thay mặt lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cũng đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tại hội nghị đóng góp vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Tổ chức hội nghị giúp cho thường trực LĐLĐ Thành phố tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, chắt lọc những kiến nghị xác đáng nhất, có tính đại diện và gần gũi nhất với quyền lợi của người lao động, hoạt động của tổ chức Công đoàn để LĐLĐ Thành phố gửi lên tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan Trung ương.

“Việc sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này là yêu cầu cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp tới quyền lợi của người lao động và hoạt động công đoàn chính. Sẽ không có ở đâu, không có ai phát hiện ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung một cách xác đáng và sát thực hơn chính cán bộ CĐCS và người lao động trực tiếp tại cơ sở.

Vì vậy, LĐLĐ Thành phố đề nghị các cấp công đoàn Thủ đô tiếp tục phát huy hết trách nhiệm của mình, lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa của cán bộ CĐCS, đoàn viên, người lao động trực tiếp tại cơ sở góp ý cho Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Chúng ta kỳ vọng, cơ quan soạn thảo Dự thảo Bộ Luật Lao động ở Trung ương sẽ lắng nghe được những đóng góp sâu sắc nhất từ thành phố Hà Nội”- Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quyen-loi-ich-cua-nguoi-lao-dong-phai-tot-hon-88879.html