Quyền lợi của người lao động về bảo hiểm xã hội

Tháng 10/2018, một loạt các câu hỏi và tình huống pháp luật được gửi đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn Dầu khí Việt Nam (TVPL CĐ DKVN) có chung một chủ đề: Quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Các câu hỏi xoay quanh chủ đề xác định mức tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH); khi chuyển công tác thì người lao động có quyền lợi gì; cách làm bộ hồ sơ để người lao động được hưởng hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp...

Trong đó, vấn đề xác định tiền lương để đóng BHXH được nhiều công đoàn viên quan tâm nhất. Bởi mỗi người lao động khi được tuyển dụng, công tác tại doanh nghiệp ít khi để ý đến mức lương mà mình được đóng BHXH là căn cứ vào đâu. Hầu hết người lao động đều hiểu một cách chung chung là theo quy định của doanh nghiệp. Bởi vậy, một vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản như xác định mức tiền lương thực hưởng của người lao động để làm căn cứ đóng BHXH không phải bất cứ một cán bộ làm công tác tổ chức tại doanh nghiệp hay cán bộ công đoàn nào cũng nắm được một cách cụ thể.

Người lao động dầu khí vào ca trên công trường NMNĐ Thái Bình 2

Làm rõ về vấn đề này, đại diện Văn phòng TVPL CĐ DKVN cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật BHXH, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Khoản 2 và khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc: Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Người lao động PVTEX đang nỗ lực vận hành trở lại NMXS Đình Vũ

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động; trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Như vậy, những loại thu nhập thuộc dạng “đột xuất” như thưởng sáng kiến, sáng chế làm lợi cho sản xuất kinh doanh, tiết kiệm vật tư, tiết kiệm thời gian, tiền thưởng hằng quý, hằng năm không phải là căn cứ để tính đóng BHXH bắt buộc.

Khi người lao động thuyên chuyển công tác, quyền lợi BHXH của người lao động được quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật BHXH thì người lao động tham gia BHXH được cấp và quản lý sổ BHXH.

Căn cứ những quy định nêu trên, người lao động nếu chưa chốt được sổ BHXH và chưa được trả sổ do công ty trước đó còn nợ tiền BHXH thì người lao động liên hệ với công ty cũ để yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, không ít người lao động không may gặp tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp mà không được hưởng chế độ về bảo hiểm. Lý do rất đơn giản là người lao động không biết cách, không được hướng dẫn lập một bộ hồ sơ đầy đủ nộp cho cơ quan BHXH để hưởng chế độ đúng với quyền lợi chính đáng của mình.

Phúc đáp về vấn đề này, đại diện Văn phòng TVPL CĐDK VN đã chỉ rõ: Căn cứ Điều 57 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm 4 loại giấy tờ: Sổ BHXH; giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ LĐ-TB&XH.

Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 58 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 như sau: Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cũng gồm 4 loại giấy tờ bắt buộc: Sổ BHXH; giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp (trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp); biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa (trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp); văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ LĐ-TB&XH.

Như vậy, một bộ hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được giản lược rất nhiều. Người lao động chỉ cần điền 1 mẫu đơn duy nhất do BHXH Việt Nam ban hành, đính kèm các loại giấy tờ liên quan đến tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp là hoàn toàn có thể yên tâm được hưởng chế độ đúng với những đóng góp công sức lao động của mình cho xã hội trong nhiều năm lao động.

Những loại thu nhập thuộc dạng “đột xuất” như thưởng sáng kiến, sáng chế làm lợi cho sản xuất kinh doanh, tiết kiệm vật tư, tiết kiệm thời gian, tiền thưởng hằng quý, hằng năm không phải là căn cứ để tính đóng BHXH bắt buộc.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong-ve-bao-hiem-xa-hoi-521317.html