Quyền hội họp hòa bình được công nhận tại Việt Nam

Hiến pháp khẳng định 'Công dân có quyền tự do hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định' (Điều 25). Thể chế có quy định này của Hiến pháp, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để thúc đẩy, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do hội họp, biểu tình.

Những người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp thì có thể bị xử lý hình sự về tội xâm phạm quyền hội họp của công dân theo quy định tại Điều 163 BLHS. Ngoài ra, BLHS năm 2015 đã bổ sung 01 tội danh mới là tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167) để xử lý người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền biểu tình.

Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng đã có quy định về việc tập trung đông người ở nơi công cộng, các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, thẩm quyền áp dụng các biện pháp này. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 8, 13). Nhằm cụ thể hóa quy định của khoản 2 Điều 14 và Điều 25 Hiến pháp, dự án Luật Biểu tình cũng đang trong quá trình xây dựng để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm tốt hơn quyền tự do của người dân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng quy định “Công dân có quyền lập hội. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Nguyên tắc hiến định này đã được cụ thể hóa và đảm bảo thực hiện bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Bộ luật lao động, Luật Công đoàn, BLDS, Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20-5-1957 quy định quyền lập hội, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13-4-2012 của Chính phủ)...

Dự án Luật về Hội hiện đang được xây dựng nhằm bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bộ luật dân sự quy định mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được quy định tại Luật Công đoàn (Điều 5) và Bộ luật lao động (Điều 189).

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định của BLHS (Điều 163).

Pháp luật Việt Nam đã cụ thể hóa các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Điều 190 Bộ luật lao động); chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đảm bảo thực hiện quyền công đoàn (Điều 24 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 của Chính phủ).

Các hội ở Việt Nam phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau. Về số lượng, ở Việt Nam hiện có khoảng 67.627 hội, trong đó có 506 hội hoạt động trong phạm vi cả nước (tính đến tháng 7-2016). Nhìn chung, các hội đã có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước; thể hiện vai trò là cầu nối giữa các hội viên với cơ quan chính quyền, qua đó phản ánh nguyện vọng của hội viên, hỗ trợ hội viên trong hoạt động sản xuất kin doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại, cung cấp thông tin tư vấn về sản xuất và thị trường… Hoạt động của các hội cơ bản tập trung vào các lĩnh vực xã hội, nhân đạo, từ thiện, đặc biệt là cung ứng dịch vụ trong một số lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường… Các hội cũng có vai trò ngày càng tích cực trong việc tư vấn, phản biện đối với các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chương trình và dự án phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ và của địa phương.

Tính đến tháng 12-2016, Việt Nam có 710 Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 48 Công đoàn khu công nghiệp; 361 Công đoàn ngành địa phương; 125.560 Công đoàn cơ sở với 9.636.417 đoàn viên công đoàn. So với năm 1990 số lượng tăng hơn 5 triệu đoàn viên.

Điều 21 và Điều 22 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: Quyền hội họp hòa bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác.

Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.

Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác. Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.

Không một quy định nào của điều này cho phép các quốc gia thành viên đã tham gia Công ước về tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội năm 1948 của Tổ chức Lao động quốc tế được tiến hành những biện pháp lập pháp hoặc hành pháp làm phương hại đến những bảo đảm nêu trong Công ước đó.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quyen-hoi-hop-hoa-binh-duoc-cong-nhan-tai-viet-nam-167726.html