Quyền hình ảnh cá nhân trên báo chí phải được tôn trọng

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn pháp luật cho người dân vấn đề quyền hình ảnh, nhân thân trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn pháp luật cho người dân vấn đề quyền hình ảnh, nhân thân trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Ảnh: Đ.Phú

Để bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân trong hoạt động báo chí, xuất bản, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (gọi tắt là Nghị định 119) có hiệu lực từ ngày 1-12-2020 nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan tới việc sử dụng hình ảnh cá nhân trái pháp luật nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Đăng, phát hình ảnh cá nhân phải được đồng ý

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, BLDS năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 và các luật có liên quan như: Luật Báo chí năm 2016, Luật Xuất bản năm 2012, Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2017… đã có quy định chế tài hành chính hoặc hình sự đối với việc sử dụng hình ảnh của cá nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân thân, danh dự, uy tín, tinh thần của người khác. Tuy nhiên, để cụ thể hơn các hành vi vi phạm về hình ảnh của cá nhân trong hoạt động báo chí, xuất bản và cho phù hợp với công tác quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí, xuất bản trong giai đoạn hiện nay, việc Chính phủ ban hành Nghị định 119 nhằm thay thế Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản là đáp ứng mong đợi của dư luận.

Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như; buộc cải chính, xin lỗi; gỡ bỏ tin, bài, ảnh sai phạm; đình chỉ hoạt động có thời hạn… Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản là 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

“Thời gian qua, một số cơ quan báo chí, trang mạng, ấn bản phẩm sử dụng hình ảnh của cá nhân, đặc biệt là hình ảnh trẻ em trong việc đăng, phát thông tin một cách cẩu thả, không xin phép, không được sự đồng ý của cá nhân, gây ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực, xâm phạm nhân phẩm, uy tín của cá nhân… nhưng rất ít bị cơ quan có thẩm quyền tuýt còi. Nguyên nhân một phần vì văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính chưa cụ thể, chi tiết hành vi vi phạm và một phần do người dân không hiểu pháp luật, thiếu cơ sở chứng cứ để tự bảo vệ, ngại đụng chạm” - luật sư Định phân tích.

Riêng vấn đề sử dụng hình ảnh của các bị cáo, bị can, người phạm tội, luật sư Ngô Văn Định cho biết, do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc có cần sự đồng ý, cho phép của người đó hay không nên dẫn đến 2 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, bị can, bị cáo, người phạm tội trong các vụ án hình sự chỉ bị chế tài bởi Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội danh mà họ phạm tội và tội danh đó phải được tuyên bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc này người phạm tội mới mất đi một số quyền nhất định như: bầu cử, ứng cử, tự do đi lại, xuất cảnh… Riêng quyền hình ảnh của họ vẫn không bị mất, được pháp luật bảo vệ nên khi sử dụng cần phải xin phép. Cụ thể, Khoản 1, Điều 27, Luật Thi hành án Hình sự 2019 quy định, phạm nhân có quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm. Do đó, có thể hiểu bị can, bị cáo, người phạm tội vẫn được pháp luật bảo hộ quyền hình ảnh.

“Quan điểm thứ hai căn cứ vào Khoản 2, Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì có thể hiểu việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp này vì mục đích công cộng, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thì không cần phải xin phép hay được sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh phải đảm bảo không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh” - luật sư Định nêu rõ.

* Coi chừng bị xử phạt

Điều 8 Nghị định 119 quy định, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát ảnh cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó trên báo chí, bản tin, đặc san, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.

Luật sư Định phân tích, “pháp luật quy định khác” được hiểu theo Điều 32 BLDS năm 2015 là hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Cũng tại Điều 8 Nghị định 119 quy định, phạt từ
10-30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm đăng phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; phạt từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh; phạt 70-100 triệu đồng đối với hành vi đăng phát tin, bài, ảnh kích động, bạo lực.

Đồng thời, Điều 25 Nghị định 119 cũng quy định, phạt từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hình ảnh trẻ em để minh họa trên xuất bản phẩm nhưng không có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành đối với trẻ em dưới 7 tuổi hoặc không có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên đối với từng tên xuất bản phẩm; phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi: sử dụng ảnh, hình vẽ, ký hiệu, ký tự để trình bày, minh họa xuất bản phẩm gây phản cảm hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đối với từng tên xuất bản phẩm; sử dụng hình ảnh bản đồ để trình bày, minh họa trên xuất bản phẩm nhưng thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia đối với từng tên xuất bản phẩm.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202012/quyen-hinh-anh-ca-nhan-tren-bao-chi-phai-duoc-ton-trong-3033867/