Quyền hạn giáo viên có thể là điểm yếu của giáo dục

Sách 'T.E.T' chỉ ra rằng nhiều giáo viên có xu hướng dùng quyền lực của mình để kiểm soát học sinh. Trong khi đó, quyền lực này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến học sinh.

"Làm thế nào để xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, tin cậy, hiệu quả?" là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra với nền giáo dục Việt Nam. Câu trả lời nằm ở chính mong muốn thay đổi và hoàn thiện của nhân tố quyết định đối với giáo dục là đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, để có một môi trường giáo dục dân chủ, nhân văn là cả quá trình dài đòi hỏi được triển khai đồng bộ và nhất thiết phải tìm ra giải pháp, công cụ phù hợp.

Hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới hay còn gọi là Chương trình 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhằm bồi dưỡng kĩ năng, kiến thức cho đội ngũ giáo viên các khối lớp từ tiểu học đến phổ thông. Chương trình này được triển khai bắt đầu từ năm 2020 như bước tiền đề giúp thay đổi thực trạng giáo dục Việt Nam có nhiều bất cập hiện nay.

Theo đó, năm học 2020-2021 chương trình sẽ áp dụng đối với lớp 1, năm học 2021-2022 áp dụng cho lớp 2, lớp 6. Năm học 2022-2023, chương trình áp dụng cho lớp 3,7,10 và cuốn chiếu. Đến năm học 2024-2025, các lớp sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đào tạo giáo viên là công tác quan trọng chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đào tạo giáo viên là công tác quan trọng chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bước đầu của chương trình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ nguồn, giảng viên Sư phạm chủ chốt và sau đó những người này sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông.

Phát biểu tại hội nghị "Chuẩn bị triển khai tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán"vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng công việc tập huấn giáo viên sẽ do các đại học sư phạm và cơ quan quản lý giáo dục trọng điểm đảm nhận.

Nội dung tập huấn tập trung vào đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá đối với giáo viên. Với Hiệu trưởng sẽ tập trung vào quản trị nhà trường và cán bộ quản lý Sở, Phòng tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo, quản lý giáo dục.

Ngoài ra, tinh thần quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông mới được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh là sự tự chủ, tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên; tránh tình trạng giáo viên thụ động, không chịu tư duy, sáng tạo, đổi mới.

Cuốn sách T.E.T - Đào tạo giáo viên hiệu quả và chương trình đạo tạo cùng tên vừa được phát hành tiếng Việt đưa ra những giải pháp và công cụ thiết thực góp phần hiện thực một nền giáo dục với phương châm “Giảng dạy chính là thực hành yêu thương”. Đặc biệt, trong bối cảnh chương trình giáo giục phổ thông mới bắt đầu được triển khai, thì cuốn sách là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Chương trình đào tạo giáo viên hiệu quả trên khắp thế giới

Tác giả của cuốn sách là Tiến sĩ Thomas Gordon, người tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học và thiết kế nhiều chương trình giảng dạy kỹ năng giao tiếp và hóa giải văn hóa xung đột cho các cha mẹ, giáo viên, thanh thiếu niên, doanh nhân… Ông đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình.

Chương trình đào tạo “T.E.T - Đào tạo giáo viên hiệu quả” đi cùng cuốn sách này đã đồng hành với giáo viên trên khắp thế giới trong gần 50 năm qua. Cuốn sách đề cập đến các mâu thuẫn chính yếu thường xảy ra trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, chỉ ra một số sai lầm thường thấy của giáo viên.

Sách T.E.T - Đào tạo giáo viên hiệu quả.

Đồng thời, Tiến sĩ Thomas Gordon tập trung vào việc làm thế nào điều hòa và nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh - một yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả giáo dục.

Có chuyên môn về tâm lý học lâm sàng và nổi tiếng với vai trò tiên phong trong giảng dạy kỹ năng giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn, những thông tin lý luận tác giả Gordon đưa ra trong cuốn sách T.E.T - Đào tạo giáo viên hiệu quả là kết quả của các thành tựu nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học hiện đại. Vì vậy chúng được áp dụng hiệu quả trong thực tế.

Bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giáo viên -học sinh tốt đẹp, ông còn dẫn ra cụ thể, giải thích thuyết phục 12 rào cản trong giao tiếp trong mối quan hệ này. Các rào cản được TS Thomas Gordon minh họa bằng những cuộc giao tiếp trực quan giữa giáo viên và học sinh, từ đó đưa ra các biện pháp áp dụng, giúp người đọc dễ hình dung và thực hành.

Trong cuốn sách này ông cũng chỉ ra quyền hạn giáo viên là một trong những điểm yếu của giáo dục trường học đồng thời là nhân tố khiến mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên cũng như môi trường giáo dục ngày càng tệ hơn.

Theo ông, hầu hết giáo viên thường có xu hướng dùng quyền lực của mình để kiểm soát học sinh. Trong khi đó, thực tế quyền lực này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến học sinh. Bởi nếu những học sinh còn nhỏ, phần thưởng sẽ dễ dàng thỏa mãn nhu cầu của chúng, nhưng với những học sinh lớn hơn phần thưởng hay hình phạt không phải là biện pháp mang lại hiệu quả. Ngược lại chúng sẽ khiến học sinh ức chế và dễ dẫn “sự nổi loạn” ở học sinh.

Vì vậy, Tiến sĩ Gordon đưa ra kết luận: “Học sinh không tự nhiên nổi loạn với người lớn trong trường. Nhưng chúng sẽ chống trả việc người lớn sử dụng quyền lực giáo viên. Từ bỏ việc sử dụng quyền lực giáo viên sẽ khiến phần lớn sự nổi loạn của học sinh ở trường biến mất”.

Tác giả Thomas Gordon.

Đặc biệt, cuốn sách này cùng với chương trình đào tạo T.E.T còn hướng đến một khía cạnh nhân văn khác, đó là góc nhìn đồng cảm đối với giáo viên. Ông kêu gọi hãy nhìn nhận “giáo viên cũng là con người” thay vì áp đặt lên giáo viên những chuẩn mực nghiêm khắc như lâu nay.

Từ đó ông cũng đưa ra cho giáo viên những công cụ hữu ích tự giải phóng mình khỏi những vấn đề trong mối quan hệ với học sinh cũng như sự nghiệp giáo dục.

Với lý luận khoa học sát với thực tiễn, cuốn sách T.E.T - Đào tạo giáo viên hiệu quả có thể trở thành giáo trình giúp giáo viên tự cải thiện phương pháp giảng dạy đồng thời là công cụ đắc lực góp phần thúc đẩy Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phan Phan

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/quyen-han-giao-vien-co-the-la-diem-yeu-cua-giao-duc-post1002399.html