Quyền được an toàn của trẻ

Đừng để mọi bài học, thay vì trả bằng học phí, thì lại trả bằng mạng sống. Và những sợi dây kinh nghiệm, thay vì càng rút càng gọn, thì lại dài ra như thòng lọng.

 Trường tiểu học Gateway.

Trường tiểu học Gateway.

Tôi không dám đọc những dòng chữ viết quá cụ thể về cháu bé tử vong trên xe bus đưa đón học sinh của Trường tiểu học Gateway, sự kiện đang tràn ngập trên các báo, mạng xã hội ngày hôm qua, đơn giản vì nó quá đau lòng. Một người dưng, như tôi, mà còn thấy nhói lòng mỗi khi nhắc đến, nữa là bố mẹ, ông bà hay những người thân của cháu.

Trách nhiệm của ai? Đương nhiên, của trường, của giáo viên, của lái xe… Tựu chung lại, đó là trách nhiệm của người lớn.

Vụ việc kinh hoàng và hoang mang đến độ ông bạn tôi, vốn là một thần dân của “Lưu Linh chúa tể”, đã đạp đổ hết mọi lọ chai, chạy vội về nhà khi hóng được tin qua Facebook. Và gã đã bưng mặt khóc tu tu khi trông thấy hai đứa con mình đang ngon lành cơm tối.

Sự việc ngoài mong muốn của tất cả chúng ta. Mọi biện minh, trình bày bây giờ, có lẽ là thừa thãi. Mong rằng cơ quan điều tra nhanh chóng có kết luận về nguyên nhân cái chết và khẩn trương tiến hành các bước tố tụng cần thiết theo luật định.

Phóng viên báo Nông nghiệp, trong khi sự việc trường Gateway còn đang nóng hổi, lại chuyển về từ Quảng Bình thông tin, 4 cháu nhỏ bị đuối nước trong 2 ngày liên tiếp. Thật là đau lòng quá!

Việc đuối nước, hay tai nạn của trẻ, đã được báo chí phản ánh quá nhiều. Nhiều đến độ, có thể nó gây cho người đọc sự nhàm chán, hay chai lỳ cảm xúc. Nhưng, có lẽ, nó sẽ còn tiếp nối, chừng nào người lớn chưa chú trọng đến sự an toàn của trẻ.

Đúng, được an toàn là quyền của trẻ!

Tôi đã từng chứng kiến một bé trai tử vong do TNGT. Cậu bé bụ bẫm, ngoan hiền, sống với mẹ trong một tiệm tạp hóa nhỏ. Khi hay tin con gặp nạn, người mẹ phải vào bệnh viện cấp cứu vì quá sốc. Tiệm tạp hóa sau nhiều tháng đóng im ỉm rồi cũng mở cửa vì sinh kế, nhưng trên khuôn mặt người mẹ vẫn còn nét u buồn. Sự việc qua đi đã 10 năm - thời gian khá dài trong cuộc đời hữu hạn của con người nhưng không cách nào xóa đi nỗi xót xa mà TNGT đã in hằn trong tim người mẹ mất con do TNGT.

Hay như mới đây, một cặp vợ chồng đang công tác tại một bệnh viện lớn của Hà Nội cũng rơi vào thảm kịch “người tóc bạc khóc kẻ đầu xanh”. Hai đứa con trai ngoan hiền, học giỏi là niềm hạnh phúc lớn nhất. Một hôm, do bận việc, gia đình để cháu lớn chở cháu bé đến trường, cả hai cháu gặp tai nạn khi đi từ ngõ ra quốc lộ tông trúng xe tải. Nỗi đau mất con, cú sốc tinh thần, cộng với nỗi ân hận chắc chắn sẽ đeo đẳng họ đến suốt cuộc đời.

Qua những sự việc này, hệ thống giáo dục, người lớn, và toàn xã hội nữa, cần phải xem xét lại quy trình quản lý trẻ em. Hãy cho các con những kỹ năng cần thiết, cộng với nâng cao hơn trách nhiệm về sự chăm lo, dạy dỗ và bảo ban con cái của mình. Đừng để mọi bài học, thay vì trả bằng học phí, thì lại trả bằng mạng sống. Và những sợi dây kinh nghiệm, thay vì càng rút càng gọn, thì lại dài ra như thòng lọng.

Dạy trẻ thoát hiểm khi ở trong ô tô đang khóa cửa. Video: Minh Phúc - Nguyễn Thành

VĂN NGUYỄN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/quyen-duoc-an-toan-cua-tre-post246977.html