Quyền của người thiểu số trong Công ước Quốc tế và pháp luật Việt Nam

Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình…

Quyền của người thiểu số theo Công ước

Điều 27 Công ước Quốc tế quy định về quyền của người thiểu số thuộc các nhóm thiểu số về sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo. Quy định nêu rõ: “Ở những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền có đời sống văn hóa riêng, hoặc quyền sử dụng tiếng nói riêng”.

Theo Bình luận chung số 23, Ủy ban Nhân quyền giải thích rằng Điều 27 công nhận quyền của các nhóm thiểu số mà đang “hiện diện” ở một quốc gia. Xét bản chất và phạm vi các quyền trong điều này thì thuật ngữ “hiện diện” là không phù hợp đối với các cá nhân thuộc các nhóm thiểu số.

Những quyền này hiểu một cách đơn giản là việc các cá nhân thuộc các nhóm thiểu số không bị loại trừ quyền hưởng thụ, một mình hoặc cùng với các thành viên khác của cộng đồng họ, nền văn hóa của riêng họ, thực hành tôn giáo và nói ngôn ngữ của cộng đồng họ.

Không thể phủ định quyền trong cộng đồng với các thành viên của nhóm, họ được hưởng nền văn hóa riêng, sinh hoạt tôn giáo và nói ngôn ngữ của mình. Không nhất thiết họ phải là công dân của quốc gia đó và họ cũng không cần phải đăng ký thường trú. Vì vậy, những người lao động nhập cư vào làm việc hay thậm chí những khách du lịch tạo nên nhóm người thiểu số trong một quốc gia cũng được hưởng các quyền theo Điều 27.

Ngoài ra, như bất cứ cá nhân nào khác trong lãnh thổ của một quốc gia, những thành viên của các nhóm thiểu số cũng được hưởng các quyền áp dụng chung cho mọi người, ví dụ như quyền tự do lập hội, tự do hội họp và tự do ngôn luận.

Sự tồn tại của một nhóm thiểu số về dân tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ trong một quốc gia thành viên nào đó không phụ thuộc vào một quyết định của quốc gia đó mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan

Quyền của dân tộc thiểu số trong pháp luật Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với dân số 12.250.436 người, chiếm 14,27% dân số cả nước.

Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Điều 5, Hiến pháp sửa đổi ghi rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Điều 16 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Điều này được hiểu là mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân như nhau. Điều 27 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Điều 58 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”; Điều 60 quy định: “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

Điều 61 quy định: “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...”. Luật Giáo dục năm 2005 (các Điều 61, 82) quy định về việc Nhà nước thành lập các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, dự bị đại học cho con em dân tộc thiểu số và chính sách luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các vùng dân tộc thiểu số được học tiếng dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng dạy và học; Luật Khám chữa bệnh năm 2009 (Điều 4) quy định về chính sách của Nhà nước về khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, được ưu tiên bố trí ngân sách đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân.

Việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã được thực hiện qua nhiều quan điểm, đường lối, chính sách kinh tế - xã hội quan trọng. Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người nói chung, quyền của người thiểu số là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội.

Quý Khánh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quyen-cua-nguoi-thieu-so-trong-cong-uoc-quoc-te-va-phap-luat-viet-nam-115044.html