Quyền con người luôn được đảm bảo ở Việt Nam

Bao giờ cũng thế, cứ vào dịp chuẩn bị những ngày lễ lớn, trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông quốc tế lại được dịp đồng thanh lên tiếng, bày tỏ nghi hoặc về các thành tựu kinh tế- xã hội của Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung (người đứng giữa) và một số đại biểu quốc tế tại phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung (người đứng giữa) và một số đại biểu quốc tế tại phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III.

Thậm chí, lên tiếng đả kích với những lời lẽ cay độc, nói lấy được không dựa vào thực tiễn phát triển của Việt Nam (hoặc cố tình tảng lờ) cũng như, chỉ dựa vào các ý kiến một chiều của một số quốc gia để lên tiếng chỉ trích với mục tiêu: Cố tình làm nhiễu loạn thông tin hòng khoét sâu thêm vào hố sâu ngăn cách giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân và một số đối tượng vốn sẵn có một hay một số sự bất đồng nào đó với chính sách của Đảng, Nhà nước.

Một trong những chuyện mà họ- những người luôn tự cho mình là cấp tiến, đổi mới luôn tìm cách khoét vào để lên tiếng chỉ trích Đảng, Nhà nước Việt Nam chính là vấn đề nhân quyền. Họ luôn cho rằng, ở Việt Nam có cái gọi là tù nhân lương tâm; thậm chí họ còn bám vào các bản phúc trình của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) hay phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ để lu loa rằng, Việt Nam “xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo” và rằng, ở Việt Nam, tình hình vi phạm nhân quyền là rất nghiêm trọng; hay như việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng là vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân. Đó là cách nói của họ- những người luôn tự cho mình cái quyền được can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; những người tự cho mình cái quyền đứng ở trên để phán xét tất cả những gì mà họ cho là không vừa ý mình.

Thực tế thì sao?

Việt Nam là quốc gia luôn nỗ lực trong bảo vệ quyền, lợi ích cơ bản của con người. Việt Nam cũng là quốc gia thường xuyên tham gia vào Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ủng hộ Cơ chế UPR và luôn nghiêm túc trong triển khai rà soát theo Cơ chế UPR qua ba chu kỳ với tỉ lệ chấp thuận và thực hiện các khuyến nghị luôn ở mức trên 70%, gần đây nhất, tại chu kỳ rà soát lần thứ III (2019), Việt Nam đã chấp thuận 241/291 khuyến nghị (gần 83%). Trong số những khuyến nghị được Việt Nam chấp nhận và thực hiện theo Cơ chế UPR qua cả 3 chu kỳ, có không ít nội dung liên quan đến hoàn thiện pháp luật về quyền con người trên nhiều lĩnh vực cụ thể. Đây cũng là mảng ưu tiên của Việt Nam trong triển khai các khuyến nghị của UPR mà Việt Nam chấp nhận tại chu kỳ III. Cũng cần nói thêm rằng, tham gia Cơ chế UPR cũng có nghĩa, Việt Nam luôn muốn công khai, minh bạch và luôn thực tâm muốn lắng nghe các chia sẻ, khuyến nghị của thế giới với mong ước cải thiện tối đa điều kiện thực tiễn và pháp lý, giúp người dân Việt Nam có được cuộc sống thật sự tốt đẹp hơn.

“Về phía mình, Việt Nam đã luôn nghiêm túc trong xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như trong triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp nhận ở cả chu kỳ I và chu kỳ II.Từ chu kỳ II, Việt Nam cũng chủ động rà soát giữa kỳ, xây dựng Kế hoạch Tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong số 182 khuyến nghị được chấp thuận ở chu kỳ II, có 61 khuyến nghị về công tác pháp luật về quyền con người”- TS. Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) cho biết.

Tỉ lệ thực hiện các khuyến nghị chu kỳ II của Việt Nam, trong đó có các khuyến nghị liên quan đến pháp luật về quyền con người đạt mức cao. Tính đến tháng 10/2018, Việt Nam đã thực hiện được 175 khuyến nghị chu kỳ II (chiếm 96,2%), trong đó có 159 khuyến nghị đã được thực hiện hoàn toàn,16 khuyến nghị được thực hiện một phần, 7 khuyến nghị đang được thực hiện hoặc xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp. 43/61 khuyến nghị liên quan đến pháp luật về quyền con người đã được thực hiện đầy đủ. Chỉ có 13 khuyến nghị được thực hiện một phần và 5 khuyến nghị đang được thực hiện, chủ yếu liên quan đến việc xem xét gia nhập 2 công ước cơ bản còn lại về quyền con người, nghiên cứu tham gia Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế, xem xét thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia.

Động lực từ việc thực hiện các khuyến nghị của UPR đã góp phần bổ sung cho quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Công tác pháp luật về quyền con người ở Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực trong những năm qua về cả lượng và chất. Nổi bật nhất là việc Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, trong đó riêng một chương với 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Để phù hợp với Hiến pháp 2013, trong giai đoạn từ năm 2014-2018, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới trên dưới 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong thời gian này gồm có: Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Luật Trẻ em 2016, Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016…Đối với những người dân bình thường, thực hiện các khuyến nghị của UPR chu kỳ I và II, Việt Nam đã phê chuẩn thêm 2 Công ước về quyền con người, bao gồm Công ước về quyền của Người khuyết tật và Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (tháng 2/2015).

Ở khía cạnh khác, giống như các quốc gia trên thế giới, bảo đảm quyền con người không thể là phó mặc để những người không có ý muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn muốn hành động, muốn phát ngôn thế nào tùy thích; nhất là phát ngôn chống lại chính quyền, đi ngược lại Hiến pháp, pháp luật của quốc gia đó. Tại Việt Nam cũng vậy; chỉ những người vi phạm Hiến pháp, pháp luật mới phải chịu sự quản lý, xét xử của các cơ quan tư pháp và ngay đến các tổ chức quốc tế cũng không có căn cứ để cho rằng, việc xét xử ấy là vi phạm quyền con người.

Tất cả những nỗ lực ấy là gì, nếu không phải là sự hướng đến con người và quyền con người và nhằm đảm bảo cho người dân có cuộc sống thật sự tốt đẹp hơn. Và cũng chính nhờ những nỗ lực ấy mà Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong các kỳ rà soát UPR.

Minh Nga

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/quyen-con-nguoi-luon-duoc-dam-bao-o-viet-nam-tintuc447000