Quyền Bộ trưởng Y tế: Cần thúc đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19

Theo quyền Bộ trưởng Y tế, cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vaccine cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới.

Sáng 22/7, tại hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine COVID-19 tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long – quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, đại dịch COVID-19 trên thế giới lan rộng ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 15 triệu người mắc và 600.000 người chết. Dịch vẫn đang diễn biến khó lường, chưa biết bao giờ dừng.

Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, nhiều quốc gia đang chạy đua để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, tiến tới sản xuất và đưa vào sử dụng vaccine. Việt Nam cũng không nằm ngoài chiến dịch này.

Theo ông Long, nước ta có đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với vaccine COVID-19, cả nước có 4 đơn vị đang nghiên cứu, phát triển theo các hướng khác nhau, một số loại đã thử nghiệm tiền lâm sàng. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu cũng cho thấy kết quả khả quan.

Các nhà khoa học của Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên chuột.

Các nhà khoa học của Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên chuột.

Việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vaccine phòng COVID-19 trong nước rất quan trọng. Nếu thành công chúng ta không những chủ động nguồn cung trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu.

“Nếu không có vaccine, cuộc sống không thể trở lại bình thường như mong muốn. Vì vậy, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất vaccine, các nhà nghiên cứu, hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ cần sớm thảo luận các biện pháp thử nghiệm, cấp phép đăng ký sử dụng để tiến tới sản xuất, đưa vào sử dụng nhằm phòng ngừa dịch bệnh COVID-19”, ông Long nói.

Với tiến độ nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay, Việt Nam kỳ vọng sẽ có thể tự chủ được vaccine. “Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vaccine cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới nhanh nhất”, ông Long nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, theo bà Nguyễn Tuyết Nga, Trưởng đại diện Văn phòng PATH tại Việt Nam, tính đến 21/7 trên toàn cầu có 166 ứng viên vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển. Trong đó 24 vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, còn lại 142 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng.

Về công nghệ vaccine COVID-19 đến nay có 14 ứng viên phát triển về vaccine bất hoạt; 3 ứng viên phát triển về vaccine sống giảm độc lực; 42 ứng viên sử dụng vector virus; 56 ứng viên phát triển vaccine dựa trên protein tái tổ hợp (protein S); 13 ứng viên nghiên cứu VLP; 15 ứng viên nghiên cứu DNA và 22 ứng viên phát triển RNA.

Trong các loại trên có ba loại vaccine cho kết quả thử nghiệm đầy khả quan, đáp ứng miễn dịch tốt với chủng coronavirus mới, đó là loại CanSino Biologics của Trung Quốc; vaccine được hợp tác giữa Đại học Oxford và Công ty Dược Astrazeneca và vaccine của Pfizer với German binotech BioNTech.

Tại Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19, gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.

Thông tin về tiến độ phát triển vaccine, đại diện 4 đơn vị cho biết, các thử nghiệm ban đầu đều rất khả quan. Hy vọng, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine COVID-19 hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất.

Video: Việt Nam thử nghiệm thành công vaccine COVID-19 trên chuột

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/quyen-bo-truong-y-te-can-thuc-day-nhanh-nghien-cuu-san-xuat-vaccine-covid-19-ar559067.html