Quỹ VOF 'bay' 16 triệu USD giá trị tài sản ròng trong tháng 11

Nếu kỳ tháng 10 NAV của VOF tăng 2,2%, thì kỳ tháng 11 lại giảm 1,4%, còn 919,6 triệu USD. Quỹ cũng gia tăng nắm giữ tiền mặt lên 11%.

Ảnh minh họa.

“Giáng sinh” không đến sớm với chứng khoán

VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ thành viên của VinaCapital, vừa công bố báo cáo cập nhật tháng 11/2019.

Theo báo cáo, “Giáng sinh” đã không đến sớm với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi mà chỉ số VN-Index đã rơi khỏi ngưỡng 1.000 điểm trong tháng 11, còn tính theo giá trị đồng USD thị trường đã mất 2,8% so với tháng trước. Mức sụt giảm này có sự đóng góp chính của các yếu tố sau.

Thứ nhất, mã chứng khoán SAB của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – CTCP (Sabeco), một cổ phiếu đầu ngành bia Việt Nam, đã giảm tới 13% trong tháng 11 khi cổ đông chiến lược là Heineken bán ra gần 5,2 triệu cổ phiếu SAB với giá thấp hơn giá thị trường, để giảm tỷ lệ sở hữu về dưới 5%.

Điều này cũng cho thấy Thai Beverage là cổ đông chính và lớn nhất còn lại tại Sabeco.

“Chúng tôi hoài nghi về ý định của Heineken trong việc tham gia vào công việc kinh doanh của Sabeco, và như vậy khả năng Heineken tăng cổ phần nắm giữ tại SAB khó xảy ra”, VOF nhận định.

Sự giảm giá của cổ phiếu SAB cũng đóng góp khoảng 1/4 vào sự giảm điểm của chỉ số VN-Index trong tháng 11.

Thứ hai, tuần thứ 3 của tháng 11 đã chứng kiến một đợt giảm giá mạnh của nhiều mã cổ phiếu lớn khi các giao dịch của tự doanh (công ty chứng khoán) cố lái chỉ số hợp đồng tương lai VN30 khác đi và sự giảm giá của các cổ phiếu cơ sở đã đẩy chỉ số hợp đồng tương lai giảm mạnh trước khi đáo hạn vài ngày để xác định giá đóng cửa.

Các giao dịch này đã mua hoặc bán ròng chứng khoán cơ sở, cùng lúc đó cũng bán hợp đồng tương lai trước vài ngày đáo hạn. Khi hợp đồng tương lai đáo hạn, họ bán chứng khoán cơ sở để chốt lợi nhuận. Điều này làm mất hơn 1% vào ngày đáo hạn.

Báo cáo trên cũng cho biết, quan điểm đầu tư của quỹ VOF thường không quá phụ thuộc vào chỉ số thị trường, mà luôn tập trung vào tầm nhìn trung, dài hạn. Vì thế, quỹ không nắm quá nhiều trong Top VN30 và vì vậy cũng bị tác động ít hơn tới danh mục đầu tư. Do đó, giá trị tài sản ròng của VOF chỉ giảm 1,4% trong tháng 11.

Trong những tháng gần đây, quỹ tập trung vào việc chốt những giao dịch chủ yếu về vốn cổ phần tư nhân và mong rằng sẽ hoàn tất trong thời gian tới.

“Thành quả của sự cần cù luôn mất nhiều thời gian hơn chúng ta tưởng, nhưng chúng tôi cam kết chắc chắn rằng chúng tôi đang tiến hành một quá trình toàn diện nhất có thể. Như đã chia sẻ trong những tháng gần đây, chúng tôi muốn chi khoảng 60 triệu USD vào những thương vụ đầu tư cổ phần tư nhân, những thương vụ này sẽ làm gia tăng đáng kể quy mô danh mục đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân lên hơn 20%”, báo cáo cho biết.

Đáng chú ý, tháng 10 vừa qua, thông qua VOF, quỹ đầu tư VinaCapital đã “rót” 17 triệu USD vào CTCP Nhựa Ngọc Nghĩa - nhà sản xuất sản phẩm Bao bì PET (polyetylen terephthalate) có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Giá trị tài sản ròng giảm 16 triệu USD

Tính đến cuối tháng 11, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ VOF đạt 919,6 triệu USD, giảm 1,4% (16 triệu USD) so với tháng 10 và giảm 2,3% so với đầu năm; giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phần là 5,02 USD, giảm so với tháng 10 là 5,09 USD.

Trong tháng 11, quỹ đã gia tăng nắm giữ tiền mặt lên 11%, tương ứng gần 101,2 triệu USD, tăng so với kỳ tháng 10 chỉ 8,6%, tương ứng 80,5 triệu USD.

Tỷ trọng đầu tư của quỹ cũng có sự thay đổi khi tăng đầu tư vào công ty tư nhân lên 15,1% so với kỳ trước là 14,2%. Tỷ trọng đầu tư vẫn lớn nhất vào cổ phiếu niêm yết là 61,9%, chưa niêm yết là 17,9% , trái phiếu là 3,6%...

Danh mục đầu tư của VOF tháng 11/2019 - Nguồn: VinaCapital.

Danh mục đầu tư của VOF tháng 11/2019 - Nguồn: VinaCapital.

Top 10 cổ phiếu mà VOF nắm giữ chiếm 55,3%, tương ứng 508,5 triệu USD. Cổ phiếu gia tăng tỷ trọng nắm giữ so với tháng 10, gồm: HPG tăng từ 10,7% lên 11,5%; EIB từ 4,6% lên 4,9%; QNS từ 3,1% lên 3,3%. Giảm nắm giữ KDH từ 10% xuống 9%...

Về lĩnh vực đầu tư, dù có sự thay đổi về tỷ trọng nắm giữ so với kỳ tháng 10, nhưng về cơ bản thứ tự các lĩnh vực nắm giữ không thay đổi.

Đứng đầu là bất động sản và xây dựng đang chiếm cao nhất 18,6% (kỳ 10 là 19,2%); lĩnh vực ăn uống và nhà hàng chiếm 17,1% (kỳ 10 là 16,6%); vật liệu xây dựng chiếm 17% (kỳ 10 là 15,5%), tài chính chiếm 11% (không đổi); cơ sở hạ thầng chiếm 9,7% (kỳ 10 là 9,9%); tiêu dùng chiếm 9,5% (kỳ 10 là 9,7%); dược phẩm và y tế chiếm 5,4% (kỳ 10 chiếm 5%); năng lượng chiếm 2,1% (kỳ 10 là 3,3%)...

Theo VinaCapital, mục tiêu của quỹ là đầu tư dài hạn với thời gian 5 năm, và đặt mục tiêu tỷ suất sinh lời trên 15%. Một số khoản đầu tư quỹ đã thoái vốn có thể điểm tới như Vietjet, Novaland… VOF cũng đang nghiên cứu đầu tư 21 cơ hội tại các doanh nghiệp tư nhân với trọng tâm là ngành hàng tiêu dùng (chiếm 43% trong danh sách xem xét đầu tư), y tế, nguyên vật liệu…

Về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, VinaCapital vẫn nhấn mạnh vấn đề Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ đã tăng 60% trong 11 tháng đầu năm lên tới 43 tỷ USD khi xuất khẩu tăng 28% sang Mỹ. Đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên cũng dấy lên lo ngại rằng các sản phẩm Trung Quốc dán mác Việt Nam được tái xuất sang Mỹ, do Việt Nam đã thâm hụt thương mại 31 tỷ USD với Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2019.

LAN ANH - NGỌC DIỆP

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/quy-vof-bay-16-trieu-usd-gia-tri-tai-san-rong-trong-thang-11-3530345.html