Quý vật tìm quý nhân?

Rời Triển lãm Sinh Vật Cảnh Sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi về ghé thăm cây Bồ đề của Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên ở Bình Định mới nhượng lại cho Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ tại 189 Nghi Tàm, Hà Nội!

Tác giả bài viết bên Cây Bồ Đề cổ thụ hoành tráng tại nhà ông Nguyễn Gia Thọ, 189 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội

Tác giả bài viết bên Cây Bồ Đề cổ thụ hoành tráng tại nhà ông Nguyễn Gia Thọ, 189 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội

Vừa nhìn thầy cây Đề nghệ thuật cổ thụ ngự sau am thờ Phật của gia đình ông Thọ, tôi thấy giật mình về sự hợp lý của tác phẩm tuyệt mỹ này khi được đặt ở một vị trí đắc địa. Có khi chính vị trí đó đã tôn thêm vẻ đẹp của cây. Từ mặt đất những mạch rễ ôn những phiến đá tròn như những mạch máu trên bề mặt trái tim cứ lớn dần lên thành những đường cong của rễ to nổi cuồn cuộn tạo thành bộ bệ bề thế quanh gốc cây, khiến người xem liên tưởng thành muôn vàn hình thù kì quái như "thiên la địa võng" bao vây bảo vệ thân chính. Thân vè bẹt thành ba mảng chính kết tụ lại ở trung tâm thành một điểm trống tạo thành thế "bàn thạch" và chủ nhân đã đặt một pho tượng phật bằng đồ cổ vào chính giữa bàn thạch đó trông rất hợp lý.

Rất ấn tượng bởi đường thần tuy vè bẹt bệ vệ về các hướng như đã trình bày ở trên nhưng lại hội tụ ở đoạn trung tâm và từ đó tạo thành ba nhánh cây chính, tán là được tạo dạng lọng chân phương như bao cây cổ thụ ngoài tự nhiên! Da cây trắng mốc từ thân đến ngọn đối lấp với màu xanh mơn mởn của lá!

Cây Bồ Đề xuất hiện lần đầu vàng tháng 9/2016 qua bài viết "Người thợ kim hoàn với tác phẩm vàng xanh" của tác giả Quyết Tuấn đăng trên Tạp chí Việt Nam Hương Sắc tháng 9 năm 2016 và trang bìa của Tạp chí này vào tháng 6/2017.

Theo nhiều nghệ nhân đánh giá, đây là một cây Bồ đề rất hoàn thiện từ rễ, bệ, thân, cành, chi, dăm, lá. Tất cả các chi tiết đều "mịn tít". Đáng chú ý là "thân pháp" rất độc đáo, "thân thủ" thì phi phàm tức đường chạy của thân chính uyển chuyển, to mà không thô, nhỏ mà vẫn tạo ra yếu tố hùng vĩ! Mặt chính của cây được nhìn từ Đông sang Tây!

Như chúng ta đã biết, Cây bồ-đề (Bodhi tree) được gọi là "asvatthi," hoặc là cây Đa (Pipal, pippali). Theo định nghĩa thực vật học, cây bồ-đề là "ficus religiosa" nghĩa là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên gọi là "cây giác ngộ," hoặc thường được gọi là "cây bồ-đề."

Theo các nhà khảo cổ học, loại cây này được coi là thiêng liêng ngay từ buổi bình minh lịch sử của nền văn minh Indus. Trong bộ Rig Vê đa, bộ kinh tôn giáo cổ nhất của dân tộc Aryans ở Ấn Độ đã cho biết rằng cây bồ-đề này được kính trọng như vật thiêng liêng ngay từ thời đó.

Cây Bồ Đề phải dùng cầu hạng nặng mới đưa được lên Penthouse Tòa nhà 189 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội.

Thật ra, trước khi Phật giáo xuất hiện tại Ấn Độ thì loại cây này cũng đã được trồng rất nhiều tại đây. Con người ngày xưa rất kính trọng và kiêng sợ những vật to lớn như cây cổ thụ, những hang đá khổng lồ, các dãy núi đồ sộ…vì họ nghĩ rằng đó là nơi trú ngụ của các thần linh, các linh hồn và thậm chí của những ma quỷ xấu ác.

Trong thời gian Đạo Phật xuất hiện ở Ấn Độ, lòng tin về những loại cây này là nơi cư ngụ cho chư thiên và quỷ thần càng thấm sâu hơn nữa. Và trong kinh điển Phật giáo như: Vimanavatthu và Petavatthu cũng đã kể nhiều câu chuyện liên quan đến chổ cư ngụ của chư thần và quỷ thần trên cây.

Khái niệm thờ cây đạt đến đỉnh cao trong việc thờ cây bồ-đề. Sự quan trọng của nó không chỉ nằm ở bản chất hùng vĩ của cây mà còn là sự kết hợp của sự chứng đạt vĩ đại nhất của Đức Phật, đó là giác ngộ.

Vì vậy, cây bồ-đề từ một cây thông thường đã được coi như biểu tượng của chính sự hiện diện của Đức Phật và sự chứng ngộ Phật quả. Có một sự kiện về cây bồ-đề đã xảy ra ngay khi Đức Phật đạt giác ngộ. Đức Phật đã trải qua trọn một tuần lễ bảy ngày nhìn vào cây bồ-đề với ánh mắt biết ơn cây đã che chở cho Ngài những đêm mưa gió bão bùng, những ngày nắng đốt như lửa trong suốt thời gian qua cho đến khi Ngài đạt đến giác ngộ.

Càng ngắm kỹ cây Bồ đề của ông Thọ càng thấy và ngẫm về câu “danh bất hư truyền”, có tiền thiếu duyên chưa chắc mua được tác phẩm này!

Tiếng lành đồn xa, chẳng hiểu tâm linh kiểu gì thì chưa biết! Nhưng từ hôm cây Đề về ngự tại đây rất đông khách trong và ngoài nước đến viếng thăm Khách sạn Song Long 189 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội.

Nhiều người phải lấy cớ đến uống Cafe tại đây để được đến mục sở thị cây Đề của vị chủ khách sạn này mới dinh từ Bình Định ra đúng vào tháng bảy, tháng "cô hồn" theo quan niệm của dân gian đã gây ra không ít tò mò cho nhiều người dân Hà Thành!

Đáng lưu ý có cả ngài Pháp chủ đến từ Hội phật giáo Ấn Độ, quê hương của "Tây Trúc" cũng đến đúng ngày cây Bồ đề an vị vào ngày 10/7 Âm lịch vừa qua.

Linh thiêng đâu chưa rõ! Nhưng xin được chúc mừng người mua và người bán cả hai đều vui và rất thanh thản trong lòng vì đã trân trọng đưa cụ đến chỗ cần đưa, đặt cụ vào chỗ cần đặt. Cây Bồ Đề được tỏa bóng vươn mình bên am thờ Phật thanh tịnh trên tầng 11 của Khách sạn Song Long 189 Nghi Tàm nằm giữa một bên là Hồ Tây gắn với tích Trâu vàng huyền thoại, một bên là Sông Hồng thơ mộng! Ngày thì lộng gió trong nắng vàng, đêm thì trăng thanh gió mát giữa bốn bề ánh điện lung linh khi thành phố lên đèn!

Nhiều người thấy tác phẩm tuyệt đẹp đã hỏi tôi giá của nó là bao nhiêu? Quả thực tôi không biết rõ! Vì cả hai người mua và người bán đều là bạn chơi cây, là nghệ nhân gần gũi thân mật với nhau nhiều năm trong giới chơi nên nhiều khi giá cả với họ chỉ là tượng trưng cho mối quan hệ giữa họ thôi.

Giá của cây cao có thể là cơ hội họ giúp nhau, giá cây thấp cũng là việc họ san sẻ và tìm một cơ hội làm ăn khác để bù đắp cho nhau sau cũng chẳng sao!

Tôi không rõ lắm về giá cây Đề này, có người đoán phải vài trăm triệu, cũng có người so sánh với những tác phẩm khác và khi thấy chủ nhân mới chi phí cho khâu vận chuyển, thuê cẩu hạng nặng để đưa vật quý quá khổ này lên tầng 11 của mặt phố tốn kém tiền trăm chẳng ít nên đã đoán cây Bồ đề này phải trị giá tiền tỷ. Chí ít với chủ nhân mới họ trân trọng giá trị của cây Đề này phải cao lắm thì họ mới làm vậy (Có thể là giá trị tâm linh tinh thần nữa). Dân chơi cây cứ thế là đua nhau đồn thổi về giá trị thật của tác phẩm độc đáo này!

Rất đông khách từ các nơi về Penthouse Tòa nhà 189 Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội để xem cây Bồ Đề độc đáo này.

Chỉ biết rằng, ngay sau khi chuyển nhượng tác phẩm này ở Bình Định khi còn chưa kịp đưa lên xe mang về Hà Nội đã có người muốn mua lại với giá gấp đôi để trồng vào khuôn viên từ đường ở tư gia nhưng ông Thọ đã từ chối bán lại cũng một phần vì do tâm linh. Còn người muốn mua lại thì tôi biết rất rõ là ai, cũng là một đại gia kín tiếng trong giới yêu cây cảnh nghệ thuật phía Bắc.

Có thể nói về lai lịch của tác phẩm này thì tôi là người gần như biết rõ đầu tiên. Tôi đã có bài viết "Người thợ kim hoàn với tác phẩm vàng xanh" trên Tạp chí Việt Nam Hương Sắc tháng 9 năm 2016 để giới thiệu tác phẩm độc đáo này và bàn tay tài hoa của nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên, một người làm nghề kim hoàn gia truyền có tiếng ở Thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định mà người dân quen gọi là Tuyên Vàng; Hình ảnh của tác phẩm sau đó được giới thiệu lại trang trọng trên trang bìa 4 số tháng 6 năm 2017. Tôi cũng giới thiệu trực tiếp cho rất nhiều người có điều kiện mà dân chơi cây quen gọi là "đại gia" nhưng tất cả họ đều từ chối. Có lẽ họ chưa đủ duyên nên chẳng ai mặn mòi gì với tác phẩm này!

Có người mới chỉ nghe tả cây cao tới 3,6 mét, đường kính thân vè gần và nổi rễ hơn 2 mét là "dị ứng" vì cho rằng đây là "Cẩu Bosai", tức Bonsai phải dùng đến cẩu thì chỉ có ở Việt Nam chứ thế giới người ta không chuộm.

Nhưng quả thực nếu không có người hoặc vật đứng bên cạnh làm đối chứng thì nhiều người còn nghĩ tác phẩm Đề này phải cao vài chục mét và phải vài trăm năm tuổi. Như vậy thì trong giới hạn của nó, nó đã được con người có ý thức thu nhỏ lại, đưa nó từ ngoài tự nhiên vào chậu với kích thước chỉ bằng một phần nhỏ so với tự nhiên.

Trong trường hợp này, có nghệ nhân nào lại đi phủ nhận đó không phải là cây cảnh nghệ thuật không?! Suy cho cùng, nhỏ hay to là do ta chọn cái để so sánh với nó mà thôi!

Chỉ đến khi, tại Lễ kết nghĩa giữa Hà Nội và Bình Định ngày 28/8/2017, ông Thọ bất ngờ đứng lên tuyên bố giữa bàn tiệc: "Để thể hiện sự chia lửa với những người Bình Định chơi cây anh em trong quá trình triển lãm, Hội Sinh vật cảnh Hà Nội xin ủng hộ 40 triệu đồng và cá nhân tôi xin mở màn giao lưu tác phẩm cây Đề của anh Tuyên Vàng" thì mọi người mới tá hỏa xem lại hóa ra đây là một tuyệt tác của tạo hóa, con người có tác động nhưng rất ít.

Thế là một lần nữa ông Thọ lại tìm đúng một tác phẩm thuộc trường phái CỔ TINH LINH QUÁI cho mình! Liệu quyết định "vội vàng" trên của ông Thọ là đúng hay sai thì mọi người nhìn tác phẩm trên đã có câu trả lời và những cảm nhận của riêng mình!

Chỉ biết vợ chồng ông Thọ và toàn thể gia đình rất vui vì đã tuyển được đúng đứa con tinh thần theo ý của mình!

Chia tay cây Bồ Đề cổ thụ hoành tráng ra về, vừa xuống tới cầu thang tầng 10, tôi đã nghe lỏm được từ những người vừa xem cây đang uống Cafe rì rầm bàn tán với nhau rằng: "Đúng là cụ Đề không phải ai chơi cũng được, có người dính vào là "ra đê", có người dính thì tiền vào như nước! Chỉ có "quý vật tìm quý nhân", có duyên mới tầm được vật quý "trời phật cho”. Họ còn làm cả thơ tặng ông Thọ và gia đình như thế này:

"Bồ đề đẹp quá bạn ơi

Đúng là vật báu của trời Phật cho

Cơ duyên anh Thọ rất to

Được người tâm phúc nhượng cho để đời"

Theo Văn Hiến

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/xa-hoi/quy-vat-tim-quy-nhan-a288131.html