Quỹ vắc xin: Hơn 3.000 tỷ đã hứa nhưng chưa chuyển tiền

Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 đạt con số 4.215 tỷ đồng, tăng 39 tỷ đồng so với ngày hôm qua.

Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ Vắc xin phòng Covid-19, số dư Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 tính đến 17h00 ngày 9/6/2021 là 4.215 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).

Tổng số tổ chức, cá nhân đã đóng góp cho Quỹ là 253.721.

Ngoài ra, vẫn còn hơn 3.000 tỷ nhiều doanh nghiệp đã cam kết tài trợ Quỹ nhưng chưa chuyển tiền vào tài khoản.

Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: kinh phí mua vắc xin khoảng 21 nghìn tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ngân sách Trung ương, thì ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng.

Việt Nam đang có những bước tiến triển quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid – 19

Việt Nam đang có những bước tiến triển quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid – 19

Sáng 9/6, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) 42 Abdul Rahman Taib.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Brunei trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2021, Chủ tịch AIPA 42 sẽ đặt trọng tâm thúc đẩy việc hợp tác giữa các nước trong khu vực ASEAN, phát huy vai trò của Nghị viện các nước trong khuôn khổ AIPA để thực hiện được chiến lược vắc xin ở mỗi nước, tiếp cận nguồn cung hiện đang rất khan hiếm và hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin…

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề vào năm 2020 nhưng nhờ sở hữu công nghệ sản xuất vắc xin mà nhiều quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ đang tiến dần tới miễn dịch cộng đồng và tiến tới mở cửa nền kinh tế. Nhiều nước châu Á đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung vắc xin và không có công nghệ sản xuất vắc xin.

Do đó, việc chia sẻ và tiếp cận công bằng nguồn vắc xin trên phạm vi toàn cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hành pháp và sự hỗ trợ của các cơ quan lập pháp trong bố trí nguồn lực, tạo điều kiện về khuôn khổ pháp lý để thực hiện được chiến lược vắc xin cho từng nước cũng như thúc đẩy quan hệ nội khối ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với khu vực và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ hiện nay Việt Nam đang có những bước tiến triển quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid – 19 NanoCovax nhưng để đạt được miễn dịch cộng đồng cho 100 triệu người dân cũng hết sức khó khăn.

H.Duy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/quy-vac-xin-co-hon-4-200-ty-dong-744381.html