'Quý tử' nhập ngũ

Cuối tuần trước, có việc về quê, tôi tình cờ gặp cậu em họ vừa tốt nghiệp đại học, đang làm cho một tập đoàn lớn của nước ngoài. Sau vài câu hỏi thăm, cậu em 'khoe': 'Em vừa xin nghỉ việc để tình nguyện lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự'.

Nghe em nói với vẻ hào hứng, tự tin, tôi không khỏi ngạc nhiên vì lâu nay, bà con ở quê vẫn xếp cậu em tôi vào diện “công tử bột”, có bố mẹ làm cán bộ nhà nước, là con trai duy nhất trong nhà và đang có công việc ổn định, thu nhập khá cao.

Tôi hỏi: “Bố mẹ em có ý kiến gì không?”. “Bố mẹ em cũng ủng hộ anh ạ! Em cũng phải trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình! Qua đợt dịch vừa rồi, chứng kiến biết bao tấm gương y, bác sĩ, lực lượng quân đội sẵn sàng xa gia đình và người thân, xung phong vào vùng tâm dịch, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, thậm chí hy sinh cả tính mạng, em hiểu thêm về tinh thần trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Em nghĩ, đối với mỗi thanh niên, cách đầu tiên, thiết thực nhất để thể hiện trách nhiệm công dân là tình nguyện lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Qua tìm hiểu em thấy, quân đội chính là môi trường tốt giúp những chàng “công tử bột” như chúng em được rèn giũa, trải nghiệm, phấn đấu, học tập để trưởng thành hơn, có thêm bản lĩnh, sự tự tin để vững vàng lập thân, lập nghiệp”.

 Quang cảnh Lễ giao, nhận quân năm 2020 tại quận Hải Châu (TP Đà Nẵng). Ảnh: Văn Chung.

Quang cảnh Lễ giao, nhận quân năm 2020 tại quận Hải Châu (TP Đà Nẵng). Ảnh: Văn Chung.

Mới khoảng nửa năm không gặp mà tôi thấy cậu em “quý tử” trong mắt tôi trước đây giờ đã hoàn toàn khác. Nghe những lời chia sẻ ấy, tôi biết, đó là suy nghĩ chín chắn của một người trưởng thành.

Thực ra, ở nhiều nước, việc các “quý tử” lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự là điều bình thường. Đó là quy định bắt buộc đối với mỗi nam công dân, dù người đó có xuất thân danh giá hoặc là “ngôi sao” nổi tiếng cỡ nào. Ở nước ta, cũng có nhiều trường hợp con của cán bộ, đảng viên, hoặc các thanh niên xuất thân từ gia đình giàu có tình nguyện nhập ngũ. Song, so với tỷ lệ thanh niên nhập ngũ nói chung, con số này vẫn còn khiêm tốn. Và trong thực tế, vẫn còn nhiều "quý tử" ngại nhập ngũ.

Qua khảo sát ở một số đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới cho thấy, những “quý tử” khi về đơn vị đều nhanh chóng hòa đồng, thích nghi tốt với môi trường quân đội, chấp hành nghiêm kỷ luật. Chỉ sau thời gian ngắn rèn luyện, học tập, các "công tử" vốn quen được gia đình chăm sóc, chiều chuộng đều trưởng thành, rắn rỏi hơn.

Điều đặc biệt là, chính sự hòa nhập tốt, nhanh chóng trưởng thành của các chiến sĩ vốn là “công tử” đã trở thành nhân tố có sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến các đồng đội khác. Như vậy, chứng tỏ môi trường quân ngũ không “khắc nghiệt”, “đáng sợ” như một số bậc phụ huynh và “quý tử” lo ngại.

"Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong" và "gian nan rèn luyện mới thành công". Vì vậy, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên có con em trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự phải có nhận thức đúng đắn, suy nghĩ tích cực, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.

Bố mẹ có nhận thức đúng mới động viên, giáo dục, thuyết phục để “quý tử” của mình tự nguyện, vui vẻ thực hiện nghĩa vụ của công dân, làm tròn trách nhiệm đối với Tổ quốc. Hơn nữa, thực tế đã cho thấy, Quân đội nhân dân Việt Nam chính là trường học lớn để mọi thanh niên-quân nhân phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, có đủ phẩm chất, năng lực, sức khỏe gánh vác việc gia đình, xã hội.

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/quy-tu-nhap-ngu-680194