Quy trình, thủ tục rườm rà là lực cản trong thực hiện dự án đầu tư công

Sáng 12-11, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể (đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải về hai dự án lớn "có tiền vẫn chưa được triển khai"

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu trong thảo luận tại tổ

Theo Bộ trưởng, đầu tiên đó là mâu thuẫn giữa yêu cầu phải làm nhanh, bảo đảm tiến độ và chất lượng nhưng phải tuân thủ đúng thủ tục, đúng quy định. "Chúng ta cũng đã có những bài học xương máu, rất nhiều dự án, nhiều công trình làm nhanh, bỏ qua một số giai đoạn do nghĩ rằng chỉ mang tính thủ tục, không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình, nhưng khi thanh tra, kiểm toán thì chỉ cần làm sai ngày tháng cũng bị nêu trong báo cáo là làm không đúng quy định” - Bộ trưởng nêu thực tế.

So sánh với việc triển khai các dự án của tư nhân, Bộ trưởng cho rằng, dự án đầu tư công của Nhà nước chậm hơn, gây lãng phí. Nêu ví dụ với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng cho biết, năm 2015 Quốc hội thống nhất chủ trương xây dựng sau đó quay lại giao Bộ GTVT lập hồ sơ dự án xin chủ trương đầu tư, Bộ thẩm định, thống nhất rồi mới trình các bộ, ngành, sau đó trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, cuối cùng, Quốc hội mới phê duyệt dự án.

“Một vòng đi lên để duyệt danh mục mất từ 6 tháng đến một năm, rồi một vòng ngược lại phê duyệt dự án mất cả năm nữa mới bắt đầu đấu thầu, thiết kế dự án, chọn thầu, phê duyệt… Quy trình hiện nay quá nhiều giai đoạn và cuối cùng là dự án triển khai rất chậm” - Bộ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm.

Với những dự án nhỏ, Bộ trưởng GTVT cũng chia sẻ đều phải trải qua một quy trình “rườm rà” tương tự. Ví dụ, dự án nhỏ ở một tỉnh cũng phải chuẩn bị chủ trương đầu tư để thông qua ở tỉnh, xong xuôi mới trình lên để các bộ, ngành tập hợp báo cáo Quốc hội; sau khi Quốc hội quyết cho ghi danh mục thì mới về tỉnh lập lại hồ sơ, rồi trình ra Bộ Kế hoạch Đầu tư để xem xét, thẩm định nguồn vốn.

Theo Bộ trưởng GTVT, tất cả những thực tế vừa nêu là câu trả lời cho câu hỏi “vì sao có tiền mà không tiêu được”.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho rằng nếu điều chỉnh Luật Đầu tư công mà không cải thiện được quy trình này thì việc triển khai các dự án vẫn sẽ chậm, có chăng chỉ làm rõ thêm được trách nhiệm của một số bộ, ngành, cơ quan. Và việc triển khai các dự án chậm do quy trình quá dài, "lòng vòng" sẽ dẫn đến hệ quả là mất tiền do trượt giá, đội giá.

Người đứng đầu Bộ GTVT kiến nghị xem xét rút gọn các thủ tục trong Luật Đầu tư công theo hướng với những dự án lớn thì thống nhất trình lên Quốc hội và có quy định rõ về mức độ quy mô. Với những dự án nhỏ, Quốc hội nên quản lý theo mục tiêu, giao trách nhiệm cho Chính phủ quyết, rồi báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mỗi một kỳ họp Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo tổng hợp lên để Quốc hội nắm được "miếng bánh" ngân sách đã được bố trí cho từng lĩnh và có thể dành một ngày để thảo luận cho ý kiến về các con số Chính phủ báo cáo. Dự án khi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội thông qua thì phần thẩm định giao trách nhiệm cho cơ quan trực tiếp triển khai. Cơ quan nào làm sai xử lý ngay tức khắc.

Ngoài ra, phải nghiên cứu lại trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, chủ đầu tư và địa phương theo hướng tăng cường trách nhiệm, hậu kiểm xử lý nghiêm, quy trình thật ngắn gọn vì nếu càng ngắn gọn thì công trình sẽ càng nhanh, đáp ứng yêu cầu.

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng một trong những điểm “vướng” của Luật Đầu tư công hiện hành là một số quy định chưa hợp lý. Quy định về trình tự thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dài dòng, phức tạp, cần có sự tham gia của nhiều cơ quan ban, ngành.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Do đó, theo đại biểu, trong sửa Luật Đầu tư công, nội dung quan trọng nhất là phải giảm bớt các quy trình quá phức tạp; đặc biệt là khi cần thì phải làm thế nào phân cấp cho các cấp quyết định, cấp nào chịu trách nhiệm kế hoạch đầu tư thì phải chịu trách nhiệm về kết quả, chịu trách nhiệm về thẩm định, tránh tình trạng nói rằng đã lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành rồi nên sau này gần như không phải chịu hậu quả.

Quy trình, thủ tục rườm rà là lực cản trong thực hiện dự án đầu tư công

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/918328/quy-trinh-thu-tuc-ruom-ra-la-luc-can-trong-thuc-hien-du-an-dau-tu-cong