Quy trình quản lý không chồng chéo sẽ triệt tiêu được mũ bảo hiểm giả

Trong hơn 10 năm thực hiện luật, Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) ước tính cả nước đã tiết kiệm được 3.506 tỷ đô la chi phí về y tế, tổn thất, thương tật. Một con số ước tính đáng kể khác là 502.774 chấn thương đầu và 15.302 trường hợp tử vong đã được phòng tránh do việc tăng cường đội mũ bảo hiểm.

“Sau khi Nghị quyết số 32 về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở người lớn được ban hành tháng 12 năm 2007, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm tăng mạnh từ 30% lên đến 99%. Hiện nay tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở người lớn tại hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn giữ trên mức 90%.

Trong hơn 10 năm thực hiện luật, Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) ước tính cả nước đã tiết kiệm được 3.506 tỷ đô la chi phí về y tế, tổn thất, thương tật. Một con số ước tính đáng kể khác là 502.774 chấn thương đầu và 15.302 trường hợp tử vong đã được phòng tránh do việc tăng cường đội mũ bảo hiểm”. Đó là đánh giá của ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á sau 10 năm thực hiện đội mũ bảo hiểm toàn dân.

Sự khác biệt trong việc bảo vệ người đội của mũ bảo hiểm đạt chuẩn so với mũ bảo hiểm rởm như thế nào, thưa ông?

- Mặc dù tỉ lệ đội mũ bảo hiểm ở người lớn là 90%, rất nhiều người đang đội mũ kém chất lượng, thậm chí là mũ giả. Theo một nghiên cứu của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% số lượng mũ bảo hiểm ở Việt Nam không đạt chuẩn. Điển hình là những chiếc mũ “thời trang” hoặc mũ đục lỗ cho tóc buộc, chúng hoàn toàn không có khả năng bảo vệ an toàn cho bạn.

Thật đáng tiếc khi hầu hết các bậc phụ huynh không hiểu rằng để bảo vệ đầu của bạn thì 99% là do phần xốp cứng ở phía trong mũ bảo hiểm chứ không phải lớp vỏ nhựa bên ngoài. Tổn thương não sẽ không thể phục hồi hay chữa trị được. Đó là tổn thương vĩnh viễn và hầu hết người bệnh sẽ sống đời sống thực vật và không thể hoạt động trở lại.

Mũ bảo hiểm đạt chuẩn được chứng minh làm giảm 42% nguy cơ tử vong và 69% chấn thương nghiêm trọng xảy ra do tai nạn. Mũ bảo hiểm đạt chuẩn bao gồm lớp EPS được ép từ các hạt nhựa có tỷ trọng cao. Lớp EPS hấp thụ xung động này chính là phần quan trọng nhất của chiếc mũ và chính là phần bảo vệ não và giúp giảm chấn động khi xảy ra va đập. Nếu một chiếc mũ không có phần lớp EPS hấp thụ xung động thì hoàn toàn không có tác dụng gì trong việc bảo vệ an toàn cho bạn.

Tôi muốn nhấn mạnh: “Mũ bảo hiểm là liều vắc xin tốt nhất để phòng ngừa chấn thương sọ não”.

Theo ông, làm thế nào để loại bỏ hoàn toàn vấn đề mũ bảo hiểm rởm đang bày bán tràn lan trên thị trường?

- Giải pháp thì rất đơn giản, tuy nhiên việc thực hiện lại khá phức tạp. Việc đầu tiên là nạn mũ bảo hiểm giả rất nghiêm trọng tương tự như thuốc giả và thực phẩm giả. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta cần thu hồi tất cả mũ bảo hiểm giả trên thị trường, từ những điểm bán hàng trên phố, đến các cửa hàng và cần phạt nặng những người bán mặt hàng giả này.

Việc thứ hai là thanh tra nhà nước cần đến kiểm tra đột xuất thường xuyên tại các nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm để kiểm tra chất lượng mũ thay vì các nhà máy tự gửi mẫu sản phẩm đến phòng thí nghiệm. Việc rà soát định kỳ như vậy sẽ buộc các nhà máy phải đảm bảo việc tiếp tục sản xuất mũ đạt chuẩn.

Một vấn đề nữa là có quá nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia việc kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm như: Bộ Khoa học và Công nghệ, cảnh sát giao thông (Bộ Công an), quản lý thị trường (Bộ Công Thương).... Bởi vậy việc hợp tác hành động rất phức tạp. Chúng ta nên có một quy trình xử lý rõ ràng và tập trung, khi đó vấn nạn mũ bảo hiểm giả sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Điều thứ ba là người dân mua mũ bảo hiểm giả do giá thành rẻ. Do đó, mức xử lý phạt phải cao mới có thể khiến người điều khiển xe không muốn bị phạt tiền do đội mũ bảo hiểm giả.

Mũ bảo hiểm giả là một hành vi vi phạm pháp luật và vô đạo đức. Trong hầu hết mọi trường hợp, đội mũ giả hoặc kém chất lượng cũng giống với việc bạn không đội gì để bảo vệ phần đầu của mình.

Chính phủ cần xử lý không khoan nhượng đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng mũ bảo hiểm cũng như giáo dục kiến thức cho người dân.

Ông Greig Craft và các học sinh Việt Nam

Ông Greig Craft và các học sinh Việt Nam

Hiện tại, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm được đại đa số người dân chấp hành, tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm dành cho trẻ em còn rất thấp. Vậy, ông có ý kiến gì về vai trò của phụ huynh và việc giám sát các quy định của nhà trường cũng như mức xử phạt của lực lượng chức năng về việc này?

- Vâng, ý thức trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường cũng như mức xử phạt của lực lượng chức năng là chưa cao. Các chiến dịch truyền thông và chương trình quảng cáo trên ti vi về vấn đề này cũng chưa được chú trọng đầy đủ. Những chiến dịch này cần hướng tới các bậc phụ huynh, giáo viên, cơ quan chức năng – đặc biệt là cảnh sát giao thông. Những người cảnh sát giao thông cần hiểu rằng với mỗi một vé phạt họ đưa ra rất có thể sẽ cứu mạng sống của một cháu nhỏ. Trẻ em là tài sản quý giá nhất. Chúng ta cần làm tất cả mọi thứ để bảo vệ con em mình.

Hệ thống luật và xử phạt là rất cần thiết, đồng thời việc nâng cao nhận thức về những lợi ích tích cực trong việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em cũng cần được chú trọng. Nhà nước đã triển khai kế hoạch tăng cường thực hiện quy định của pháp luật đối với việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em nhằm tập trung vào việc nâng cao tỉ lệ sử dụng mũ bảo hiểm của trẻ em. Mục tiêu chính của chương trình này là việc tính toán số liệu bao gồm các số liệu tại các trường học và các chiến dịch truyền thông.

Cưỡng chế thi hành chỉ là một yếu tố cuối cùng trong việc thay đổi hành vi của người dân, và sẽ không có kết quả lâu dài nếu không đi kèm với giáo dục nâng cao nhận thức. Ngoài các biện pháp cưỡng chế thi hành, việc nhận thức và giáo dục kiến thức là rất quan trọng trong việc đảm bảo cho trẻ em và các bậc phụ huynh nắm được tầm quan trọng của việc đội mũ trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các chấn thương ở đầu.

Quỹ AIP có những giải pháp gì cho Việt Nam để nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn ở cả người lớn và trẻ em?

- Đó là, sự tham gia của nhiều bộ phận xã hội là điều cần thiết, việc đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật rất quan trọng để nâng cao tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm ở trẻ em, đi đôi với đó là giáo dục và các chiến dịch truyền thông để có kết quả ổn định và lâu dài; các phương tiện truyền thông nắm vai trò quan trọng. Các trường học có thể có lực lượng chức năng riêng để đảm bảo việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.

Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước cho những đóng góp quan trọng của ông về việc hiện thức hóa luật đội mũ bảo hiểm năm 2007 và các hoạt động an toàn giao thông đường bộ – đây là danh hiệu cao nhất dành cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Nhài Thùy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/quy-trinh-quan-ly-khong-chong-cheo-se-triet-tieu-duoc-mu-bao-hiem-gia-371500.html