Quy trình một sản phẩm thực phẩm giảm cân đạt an toàn thực phẩm

Trước tiên thực phẩm bảo vệ sức khỏe đó phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Cục An toàn thực phẩm của Bộ y tế tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm.

Chia sẻ của bà Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về quy trình của một sản phẩm đạt an toàn thực phẩm tại buổi trao đổi với Phapluatplus.vn ngày 14/9.

Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng và thực phẩm nói chung, nếu sản phẩm mà đã tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thì phải công nhận là có an toàn và có những chức năng nhất định.

Chỉ có những thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, không được sản xuất trên một quy trình theo đúng quy định và tuân thủ các quy định pháp luật, thì cái đấy mới có tác hại mà như chúng ta vừa trao đổi.

Đối với việc một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà muốn được lưu thông trên thị trường, thì luật an toàn thực phẩm và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ, cũng như các văn bản của Bộ Y tế đã quy định rất rõ. Trước tiên thực phẩm bảo vệ sức khỏe đó phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Cục An toàn thực phẩm của Bộ y tế tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm.

Để tiếp nhận được bản đăng ký công bố sản phẩm của một sản phẩm thì kể cả cho dù là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu hay sản xuất trong nước, nhà sản xuất kinh doanh phải cung cấp cho nhà quản lý được đầy đủ các hồ sơ theo yêu cầu.

Thứ nhất là phải có phiếu kết quả kiểm nghiệm của sản phẩm đó, xem có phù hợp với các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm hay không. Bao gồm các chỉ tiêu đã được quy định ở trong văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ 2 là nhãn của sản phẩm phải thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc từ thành phần, công dụng, đối tượng, liều lượng và hướng dẫn sử dụng cho đến địa chỉ cơ sở sản xuất, thương nhân chịu trách nhiệm đối với sản phẩm đó. Nhãn đó phải thể hiện bằng tiếng Việt, còn nếu là sản phẩm nhập khẩu thì phải có nhãn phụ và thể hiện các nội dung bắt buộc đó, để công khai minh bạch cho người tiêu dùng.

Thứ 3 các sản phẩm đó phải có bằng chứng, chứng minh về công dụng, tác dụng của sản phẩm, phải cung cấp cho nhà quản lý và Cục An toàn thực phẩm.

Ngoài ra thì riêng đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà nhập khẩu từ nước ngoài thì phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do. Ví dụ nhập khẩu một sản phẩm từ Đức thì phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do của một cơ quan thẩm quyền quản lý thực phẩm ở Đức cấp, là sản phẩm đó đã được lưu hành tại Đức và dùng cho người Đức. Hoặc là các giấy chứng nhận tương đương ví dụ như là chứng nhận y tế hay các chứng nhận về xuất khẩu khác của cơ quan có thẩm quyền.

Có nghĩa rằng là một cơ sở sản xuất ở bên Đức không thể tự công bố cho sản phẩm của họ là được lưu thông, mà họ phải qua sự xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu đó. Đó là điểm chúng tôi rất lưu ý đối với thực phẩm nhập khẩu.

Còn đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước thì phải được sản xuất tại một cơ sở đã được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận, cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Còn nếu như một cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện thì không được phép sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng và thực phẩm nói chung.

Còn riêng đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 15 ngày 2/2/2018, đã đưa ra lộ trình áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe gọi tắt là GMP.

Đây là một quy trình đảm bảo tuân thủ các thực hành sản xuất để sản xuất ra sản phẩm an toàn. Đây là nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra quy định chặt chẽ đối với nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Hiện nay một số nước phát triển thì họ cũng áp dụng, nhưng trong khối Asean thì dự kiến là đến năm 2022 mới bắt buộc áp dụng trên toàn Asean. Nhưng Việt Nam là một trong những nước tiên phong, yêu cầu bắt buộc áp dụng GMP từ 1/7/2019.

Cho nên, đối với những cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói chung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ giảm cân, thì bắt buộc phải áp dụng GMP đối với các sản phẩm sản xuất trong nước, nên người tiêu dùng phần nào sẽ yên tâm hơn về tính an toàn của sản phẩm đó.

Để lưu hành sản phẩm thì phải tuân thủ những quy trình như vậy, nhưng nếu muốn thông tin, giới thiệu về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trên các phương tiện thông tin đại chúng thì các doanh nghiệp cần phải có thêm một giấy nữa, đó là giấy xác nhận các nội dung được quảng cáo.

Việc đấy sẽ giúp ngăn chặn, hạn chế bớt những thông tin mà doanh nghiệp đưa ra, không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo quá mức gây hiểu lầm cho người tiêu dùng nghĩ rằng là thuốc chữa bệnh hay nghĩ là có thể giúp điều trị được bệnh nọ bệnh kia, thậm chí là giúp điều trị thực hiện giảm cân.

Đức Phong

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/quy-trinh-mot-san-pham-thuc-pham-giam-can-dat-an-toan-thuc-pham-d77749.html