'Quy trình' làm khổ dân!

Quy trình mà người viết nói tới ở đây liên quan đến câu chuyện người dân sống trên đường Nữ Dân Công khóc than vì con đường này như một dòng sông cạn trơ đáy với cả trăm vũng nước lầy lội.

Tuyến đường Nữ Dân Công sau cơn mưa. Ảnh: Danh Minh Trí/TNO

Tuyến đường Nữ Dân Công sau cơn mưa. Ảnh: Danh Minh Trí/TNO

Sự xuống cấp của con đường Nữ Dân Công (tên gọi mới Dân Công Hỏa Tuyến, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP. HCM) không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà nó còn ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống của cư dân sinh sống dọc tuyến đường này, trở thành nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông.

Được biết, con đường này do Ban quản lý đầu tư công trình huyện Bình Chánh thực hiện công tác cải tạo hạ tầng cơ bản. Năm 2017 dự kiến thực hiện sau khi được UBND TP. HCM chấp thuận, nhưng do quy trình thực hiện theo luật đầu tư công nên vẫn chưa thể thực hiện ngay dự án. Theo dự kiến đầu quý 4/2019 sẽ khởi công mới tuyến đường này, nhưng ngày hoàn thành vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhiều người dân ở đây cho biết, con đường Nữ Dân Công chỉ hơn 2km nhưng xuất hiện đủ loại “ổ” từ “ổ gà” đến “ổ voi”,... khiến họ khổ không kể xiết. Có người phải tạm đóng cửa bỏ nhà đi nơi khác không thể làm ăn buôn bán trên “con đường đau khổ” này. Đáng nói hơn, con đường cũng trở thành “cái bẫy đặc biệt nguy hiểm” đối với người tham gia giao thông.

Tuyến đường "đau khổ". Ảnh: Yến Thi/TNO

Để vượt qua hết hơn 2km trên đường Nữ Dân Công, người đi xe máy gặp rất nhiều khó khăn. Có người chở hàng nặng vừa vượt qua được vài ao nước trên đường phải dừng lại gọi người thân ra trợ giúp vì phía trước còn rất nhiều ao nước đang... chờ đợi. Nhiều taxi, xe ôm truyền thống hay công nghệ đều không dám nhận đón trả khách tại con đường này vì sợ hư xe.

Con đường mang tên Nữ Dân Công hào hùng của 51 năm trước - trong kháng chiến chống Mỹ - các đoàn dân công hỏa tuyến đã đi qua để vận chuyển súng đạn từ căn cứ Bình Thủy (Đức Hòa, Đức Huệ, Long An) ra chiến trường Sài Gòn - Gia Định và đưa thương binh về tuyến sau; hiện giờ vẫn hào hùng như cái tên của nó, chỉ khác một điều là bóng người qua lại càng thưa thớt hơn, người ta cố né cho bằng được con đường này chỉ vì hai từ “xuống cấp”.

Việc này ít nhiều làm cho nhiều người liên tưởng đến nhiều công trình cầu đường, khi hư hỏng thì đổ cho nắng, đổ cho mưa, đổ cho xe chạy nhiều và đổ cho thiên tai.

Nhân chuyện này chúng ta cũng không thể không nói đến một vấn đề “nóng” của chuyện cầu đường thời thời gian qua đó là, vì thành tích, vì phân bổ vốn, vì hiểu biết không đầy đủ nên chúng ta làm những con đường kết cấu yếu, mức độ tuân thủ kỹ thuật khi thi công không cao, công nghệ lạc hậu.

Khi mà, đáng lẽ chỉ đủ tiền làm 500m đường chất lượng tốt nhưng vì muốn làm được nhiều hơn số tiền mình có nên chúng ta làm 700m. Chúng ta quan niệm nước ngoài giàu nên làm đường dày, đá, nhựa loại tốt, còn chúng ta nghèo không làm được như thế. Nhưng về nguyên tắc, để có một con đường đảm bảo chất lượng cho xe chạy theo tiêu chuẩn chung thì giàu hay nghèo cũng phải chi như nhau.

Chính Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể từng nhận xét, bản thân ông đi nhiều đường nhưng hầu như chưa thấy con đường nào hài lòng, kể cả một số đường mới làm. Điều bộ trưởng nói là đúng 100% và cũng chính là điều chúng ta lo lắng. Chúng ta cứ nói đường làm đảm bảo chất lượng được nghiệm thu. Nhưng đó là đảm bảo chất lượng do tự chúng ta đề ra.

Đường Nữ Dân Công với hàng trăm vũng nước nối dài. Ảnh: VnE

Do đó, cá nhân người viết đồng tình với quan điểm “TP.HCM giàu nhất nước với số thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt tới 378.543 tỉ đồng. Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm được triển khai với những con số không đếm nổi có bao nhiêu con số. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì khi mà nỗi đau khổ suốt 6 năm qua của dân vẫn ở đó, như thể họ đã bị bỏ quên”.

Vấn đề ở chỗ, nó bị vướng cái gọi là “quy trình” nên như đã nói ở trên là “do quy trình thực hiện theo luật đầu tư công nên vẫn chưa thể thực hiện ngay dự án” dù đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2017. Tức là, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm khi để các con đường hư hỏng. Mà chính sự hư hỏng kéo dài đó lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề dân sinh, gây mất mỹ quan thành phố.

Thật khó chấp nhận được giữa lòng dân cư lại tồn tại một con đường “lầy lội” như thế, nhất là con đường đó lại mang tên Nữ Dân Công hào hùng. Đừng để người dân phải chờ đợi cái “quy trình” của các quan mà hàng ngày hàng giờ phải sống trong nỗi lo lắng, bất an.

Đừng để cái “quy trình” làm khổ dân!

Hải Đăng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/quy-trinh-lam-kho-dan-155867.html