Quy trình chỉ định thầu nạo vét đột xuất luồng đường thủy

Dự thảo quy định chỉ định nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, môi trường công trình nạo vét duy tu đột xuất luồng đường thủy.

Nạo vét đột xuất được xác định là nhiệm vụ đột xuất để đảm bảo ATGT đường thủy

Nạo vét đột xuất được xác định là nhiệm vụ đột xuất để đảm bảo ATGT đường thủy

Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo thông tưquy định việc tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa, hướng dẫn quy trình thực hiện và quản lý dự án, công trình nạo vét vùng nước đường thủy quốc gia và địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách, vốn xã hội hóa.

Đáng chú ý, tại dự thảo này có một mục riêng hướng dẫn thực hiện công trình “nạo vét duy tu đột xuất luồng đường thủy” sử dụng nguồn vốn ngân sách. Đây được xác định là nhiệm vụ đột xuất do các sự cố bất khả kháng không tuân theo quy luật gây ra, phải thực hiện ngay để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa.

Dự thảo quy định trình tự thực hiện công trình nạo vét duy đột xuất luồng đường thủy gồm 7 bước: trình, phê duyệt nhiệm vụ đột xuất; lựa chọn nhà thầu; lập thiết kế, dự toán công trình; bàn giao mặt bằng, tổ chức thi công và kiểm tra giám sát; nghiệm thu; thanh, quyết toán; giao dự toán chi ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Bộ GTVT hoặc UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện nhiệm nạo vét đột xuất luồng trên cơ sở đề xuất của Cục Đường thủy nội địa VN hoặc sở GTVT địa phương. Trước đó, Cục Đường thủy hoặc Sở GTVT xem xét, căn cứ báo cáo khảo sát sơ bộ công trình cần nạo vét đột xuất do cơ quan quản lý đường thủy khu vực (cấp dưới của Cục Đường thủy) hoặc sở GTVT chủ trì, phối hợp với đơn vị bảo trì đường thủy thực hiện.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, dự thảo quy định áp dụng hình thức chỉ định thầu. Sau khi được chấp thuận chủ trương nạo vét đột xuất, cơ quan quản lý đường thủy khu vực hoặc sở GTVT lựa chọn các nhà thầu (khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, môi trường) có đủ năng lực để trình Cục Đường thủy hoặc UBND cấp tỉnh chấp thuận.

Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận chủ trương, cơ quan quản lý đường thủy khu vực hoặc sở GTVT tổ chức khảo sát, bàn giao mặt bằng, lập thiết kế, dự toán; hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu, thương thảo, dự thảo hợp đồng.

“Cục Đường thủy nội địa VN hoặc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, đề nghị của cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc sở GTVT và ký kết hợp đồng với các nhà thầu được chỉ định thầu”, dự thảo nêu và quy định, cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc sở GTVT chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra quá trình thực hiện của nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Trong quá trình thi công, nếu có nghi ngờ về chất lượng, khối lượng công trình Cục Đường thủy hoặc sở GTVT tổ chức kiểm tra đột xuất việc thi công công trình.

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, dự thảo được lấy ý kiến rộng rãi đến hết ngày 4/6/2019.

Hồng Xiêm

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-trinh-chi-dinh-thau-nao-vet-dot-xuat-luong-duong-thuy-d422213.html