Quy trình bảo quản tên lửa của bộ đội Việt Nam

Để những hệ thống tên lửa phòng không có tuổi đời hàng chục năm sẵn sàng hoạt động, quy trình bảo quản được Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt.

Bắt đầu từ đầu những năm 1960, bộ đội tên lửa Việt Nam đã được tiếp nhận các tổ hợp tên lửa SA-75 đầu tiên từ Liên Xô. Tiếp tục nhiều năm sau đó, Việt Nam còn nhận thêm các tổ hợp tên lửa mới như S-125 Neva, 9K35 Strela-10, 2K12 Kub…

Trong giai đoạn hiện nay, Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) được giao nhiệm vụ "tiến thẳng lên hiện đại". Khí tài trang bị kỹ thuật có thêm nhiều chủng loại mới, song cũng đồng thời tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các loại khí tài trang bị hiện có. Từ đó, đặt ra cho ngành kỹ thuật quân chủng những yêu cầu cao hơn trong công tác nghiên cứu, bảo đảm kỹ thuật.

Tên lửa phòng không được bảo quản trong kho.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên toàn ngành đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo nghiên cứu, làm chủ các loại khí tài, trang bị PK-KQ mới, hiện đại đặc biệt là công việc bảo quản những vũ khí này trong điều kiện nắng nóng tại Việt Nam.

Chia sẻ trên báo PK-KQ, Trung úy Lê Trọng Tin cho biết, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều và độ ẩm cao, nếu không kiểm tra, lau chùi, bảo quản, hút ẩm, sấy khô thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của các tham số và tính đồng bộ của từng quả đạn.

Công tác bảo quản được thực hiện theo quy định, hằng ngày vào các buổi sáng tiến hành lau sương, buổi chiều lau bụi; bảo quản tuần, định kỳ 5 tuần, định kỳ mùa 100% số đạn tên lửa được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Trong kho được lắp các máy điều hòa, máy hút ẩm, đồng hồ đo nhiệt, đo độ ẩm, hằng ngày nhân viên vào kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm đúng quy định, ghi nhật ký, cuối tuần đồng chí Phân đội trưởng tiến hành kiểm tra và nhận xét.

Cùng với công việc bảo quản, các loại tên lửa phòng không (TLPK) trang bị trước đây cũng được nghiên cứu, nâng cấp, cải tiến thành công, kéo dài tuổi thọ, tính năng kỹ thuật, chiến thuật.

Đặc biệt đến nay, ngành kỹ thuật Quân chủng đã phối hợp với đối tác và các nhà máy tổ chức cải tiến hàng loạt bộ khí tài tên lửa ứng dụng công nghệ mới, bắn nghiệm thu thành công và đưa vào trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ.

Kết quả của các dự án đã góp phần làm tăng khả năng hỏa lực, khả năng cơ động, khả năng chống nhiễu, mở rộng vùng sát thương, giảm quân số kíp chiến đấu, tăng tuổi thọ của tổ hợp TLPK và đạn tên lửa...

Để bảo đảm kỹ thuật, khai thác, sử dụng hiệu quả khí tài TLPK hiện đại, cán bộ, nhân viên Ngành kỹ thuật và Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, làm ra hàng chục loại vật tư, phụ tùng thay thế, các module trong máy tính trung tâm của Tổ hợp TLPK.

Các thiết bị mô phỏng dùng trong huấn luyện cũng được nghiên cứu, đưa vào sử dụng như: Thiết bị tạo giả tình huống trên không phục vụ huấn luyện kíp chiến đấu của các đơn vị tên lửa.

Đặc biệt, năm 2010, Quân chủng đã bắn thử nghiệm thành công tên lửa sử dụng nhiêu liệu O và G do Nhà máy A31 sản xuất, qua đó khẳng định khả năng sản xuất nhiên liệu tên lửa từ trong nước, nâng cao năng lực bảo đảm của quân chủng...

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra cho ngành kỹ thuật Quân chủng PK-KQ nói chung, trong đó có cán bộ, nhân viên ngành TLPK những nhiệm vụ mới khó khăn, nặng nề hơn.

Để không bị bất ngờ bởi các tình huống trên không, Bộ đội TLPK cùng với các lực lượng trong quân chủng cần tiếp tục nâng cao khả năng làm tham mưu trong việc đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị khí tài mới, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến phòng không.

Clip bộ đội Việt Nam bảo quản tên lửa phòng không

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/quy-trinh-bao-quan-ten-lua-cua-bo-doi-viet-nam-3347465/