Quỹ tranh Butta Sweet Life trao tặng 35 bức tranh cho bệnh viện Châm cứu Trung ương

Sáng nay, tại Hà Nội, Quỹ tranh Butta Sweet Life thuộc Mạng xã hội Phật giáo Butta.vn trao tặng bộ tranh gồm 35 bức cho bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Đây là hoạt động trong chuỗi các chương trình Mạng xã hội Phật giáo Butta.vn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Quỹ tranh Butta Sweet Life thực hiện từ cuối năm 2020 với hàng trăm bức tranh được treo trang trọng tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.

Họa sĩ Kim Đức trao tặng tranh cho đại diện lãnh đạo bệnh viện Châm cứu Trung ương

Họa sĩ Kim Đức trao tặng tranh cho đại diện lãnh đạo bệnh viện Châm cứu Trung ương

Bệnh viện Châm cứu Trung ương được đặt nền móng bởi cố Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Tài Thu. Trải qua hơn 40 năm, đến nay bệnh viện luôn đi đầu trong công tác khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh, phục hồi chức năng, kết hợp y học cổ truyền và hiện đại. Các bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện có tay nghề cao, sử dụng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mang lại hiệu quả tốt. Cơ sở vật chất của bệnh viện được đầu tư thỏa đáng, đặc biệt phát huy thế mạnh về châm cứu, đẩy mạnh hợp tác châm cứu với 39 nước trên thế giới..

Đánh giá cao vai trò của bệnh viện Châm cứu Trung ương trong hoạt động khám chữa bệnh, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức, nhà đồng sáng lập Mạng xã hội Phật giáo Butta.vn, Chủ tịch Quỹ tranh Butta Sweet Life đã lựa chọn bệnh viện là đơn vị thứ năm để tặng tranh lần này. 35 bức tranh phù hợp, mang màu sắc tươi mới đã được trao tặng. Bộ tranh có sự tham gia của các họa sĩ: Trần Thị Trường, Lâm Văn Tráng, Thanh Đặng, Nguyễn Thành Vỹ, Nguyễn Minh Khôi cùng nhiều họa sĩ khác đồng hành với chương trình.

Nhóm họa sĩ cùng các đại biểu trao tặng tranh cho bệnh viện

Phát biểu tại chương trình, họa sĩ Kim Đức xúc động: Tôi cũng như rất nhiều người Việt Nam ngưỡng mộ bệnh viện đã phát triển lĩnh vực châm cứu Việt Nam trở thành một ngành chăm sóc sức khỏe với nhiều thành tựu được giới khoa học quốc tế công nhận. Qua tìm hiểu, tôi được biết, châm cứu là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc bắt nguồn từ thời kỳ đồ đá, với những dụng cụ thô sơ ban đầu là biếm thạch. Người Việt Nam biết châm cứu từ rất sớm. Hình ảnh châm cứu được ghi lại trong dã sử Lĩnh nam chích quái (thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên) qua việc Thôi Vỹ dùng châm cứu chữa bệnh. Hơn nửa thế kỷ qua, châm cứu đã phát triển mạnh ở nước ta.

Tiếp nối thành công của 170 bức tranh đã tặng bốn bệnh viện của Hà Nội là bệnh viện K cơ sở 2, bệnh viện Mỹ Đức, bệnh viện Xanh-pôn, bệnh viện Đức Giang, Quỹ tranh Butta Sweet Life hy vọng 35 bức tranh dành tặng bệnh viện Châm cứu Trung ương lần này, sẽ "đồng giao" được với cảnh quan thân thiện nơi đây, góp phần tô điểm cho không gian của bệnh viện trở nên ấm áp, gần gũi hơn, giảm áp lực tâm lý của người bệnh, khơi nguồn mỹ cảm vốn có trong con người, chia sẻ áp lực với đội ngũ y, bác sĩ, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã định nghĩa: "Sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế". Y học phương Đông có câu: "Tâm bệnh khởi thân bệnh". Cho nên việc khơi nguồn mỹ cảm từ những bức tranh sẽ làm thay đổi các trạng huống tinh thần của người bệnh theo hướng lạc quan, góp phần cải thiện nhiều chứng bệnh rối loạn chức năng và tổn thương thực thể ở giai đoạn đầu.

Những bức tranh đem đến cảm giác lạc quan hơn cho nhiều bệnh nhân

Lần thứ tư cùng tham gia dự án tặng tranh cho các bệnh viện, họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ: Tôi thấy họa sĩ Kim Đức đề xuất chương trình này đầy tính nhân văn, rất có ích, không chỉ cho bệnh nhân mà cho cả các bác sĩ. Bệnh nhân chịu áp lực của những cơn đau hay sự chờ đợi căng thẳng, bác sĩ thì áp lực làm sao chữa lành cho bệnh nhân. Áp lực đó không phải lúc nào cũng có thể giải tỏa được ngay, cho nên trong thời gian làm việc, người ta cần có một điều gì đó để làm hài hòa hơn, tôi nghĩ chương trình tặng tranh này đáp ứng được nhu cầu đó.

Những bức tranh này không chỉ là sự gửi gắm tình cảm và chia sẻ của Quỹ tranh Butta Sweet Life với những nỗi đau của người bệnh mà còn phản ánh tính nhân bản và nét đẹp văn hóa của người Việt.

Đức Phật từng dạy: "Người biết cho đi là người giàu có nhất". Chúng ta hãy chia sẻ thông điệp này trong cuộc sống để những điều tốt đẹp được thăng hoa và mọi người đến được với tâm thế an lạc.

Mạnh Trường

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quy-tranh-butta-sweet-life-trao-tang-35-buc-tranh-cho-benh-vien-cham-cuu-trung-uong-n190056.html