Quý 'trắng' doanh thu xây dựng của CTX Holdings

Doanh thu sụt giảm mạnh trong cả ba quý năm 2020. Ở quý gần nhất, CTX Holdings không thu về một đồng doanh thu từ nào từ mảng kinh doanh chính (xây dựng).

Dự án trọng điểm của CTX Holdings hiện nay đang nằm trên lô đất tại ngã tư đường Xuân Thủy cắt đường Phạm Văn Đồng và Phạm Hùng.

“Trắng” doanh thu từ hợp đồng xây dựng

Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (mã CTX – sàn HNX) tiếp tục tình trạng sụt giảm mạnh về doanh thu lẫn lợi nhuận tương tự như nửa đầu năm. Doanh nghiệp sở hữu khối tài sản gần 2.300 tỷ đồng này chỉ thu về gần 29 tỷ đồng doanh thu trong quý III/2020. Do không đủ bù lại các khoản chi phí, CTX Holdings lỗ ròng gần 3 tỷ đồng.

Hai nguồn thu chính của quý là doanh thu bất động sản (15,7 tỷ đồng) và doanh thu dịch vụ khác (13,2 tỷ đồng). Cùng kỳ năm 2019, công ty ghi nhận 122 tỷ đồng từ hoạt động thi công xây dựng nhưng lại “trắng” doanh thu trong quý III vừa qua.

Doanh thu đã sụt giảm rất mạnh ở cả ba quý kinh doanh vừa qua, đặc biệt ở mảng thi công xây dựng. Thêm vào đó, công ty cũng liên tục chậm trễ trong công bố thông tin định kỳ. So với thời hạn nộp báo cáo tài chính được quy định, CTX Holdings trễ hẹn công bố báo cáo quý III trên HNX tới gần 1 tháng. Trước đó, báo cáo bán niên sau soát xét nộp muộn gần 2 tuần.

Mâu thuẫn trong nội bộ cổ đông doanh nghiệp này cũng là câu chuyện đáng chú ý. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi trung tuần tháng 8/2020, các cổ đông đã không thể tìm tiếng nói chung trong 6/7 tờ trình. Cũng chính vì vậy, đến nay, khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm, con số kế hạch kinh doanh năm 2020 vẫn chưa được chốt.

Sau 9 tháng, doanh thu hợp nhất của CTX Holdings đạt vỏn vẹn 108,4 tỷ đồng, giảm 86,5% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế và sau thuế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,74 tỷ đồng và 300 triệu đồng; trong khi cùng kỳ công ty lãi ròng gần 186 tỷ đồng.

Dự án “đất vàng” Cầu Giấy không mấy tiến triển

CTX Holdings được thành lập năm 1982 theo quyết định của Bộ Xây dựng với tên gọi Constrexim. Doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2006 và niêm yết cổ phiếu năm 2012. Năm 2013, doanh nghiệp đổi tên thành CTX Holdings với ngành nghề chính là xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, kinh doanh bất động sản, gia công…

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này nhiều năm nay vẫn trồi sụt khá thất thường. CTX Holdings cũng từng có khoảng thời gian lãi đậm như hồi quý IV/2017 hay gần nhất là quý II/2019. Nhờ số lợi nhuận tích lũy được, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 263,5 tỷ đồng lên 789 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 199%.

Nếu tình hình không được cải thiện trong quý cuối năm, tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp xây dựng này sẽ rơi xuống rất thấp, đặc biệt là khi cổ phiếu đã bị pha loãng sau đợt tăng vốn một năm trước đây. Hiện tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 9 tháng chỉ vỏn vẹn 0,013% và 0,03%.

Đến cuối quý III, quy mô tài sản của CTX Holdings xấp xỉ 2.285 tỷ đồng, giảm gần 90 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Công ty đang trữ sẵn lượng lớn tiền và tương đương tiền (gần 64 tỷ đồng) cùng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 1 năm (163,5 tỷ đồng), chiếm khoảng 10% tổng tài sản của CTX.

Giá trị tồn kho và chi phí xây dựng dở dang các dự án chiếm tới 1/3 tổng tài sản của doanh nghiệp này. Trong đó, dự án mà công ty đang bỏ vốn đầu tư nhiều nhất là Tòa nhà hỗn hợp Contrexim Complex (429 tỷ đồng) và Tòa nhà văn phòng và thương mại Contrexim Plaza (73,6 tỷ đồng) – 2 dự án nằm trên lô đất tại ngã tư đường Xuân Thủy cắt đường Phạm Văn Đồng và Phạm Hùng.

Khu đất này từng là chợ tạm nông sản phưởng Dịch Vọng Hậu nhưng các chủ ki ốt đã không được ký tiếp hợp đồng thuê từ đầu năm 2019. Hiện dự án đã được quây tôn nhưng công tác thi công chưa ghi nhận nhiều tiến triển. Từ đầu năm đến nay, CTX Holdings mới bỏ thêm khoảng 54,5 tỷ đồng vào cả hai dự án. Ngoài ra, công ty còn đang còn dư tồn kho 211 tỷ đồng tại dự án Tây Hồ Park View.

Nắm trong tay những dự án lớn, nhưng số dư tạm ứng từ khách hàng bất động sản của CTX Holdings đến cuối quý III hoàn toàn không có. Nguồn vốn của công ty ngoài từ vốn tự có còn đến từ các khoản công nợ với các nhà cung cấp với tỷ lệ tổng nợ phải trả/nguồn vốn hiện xấp xỉ 56%.

Chuyện lục đục trong nội bộ cổ đông CTX Holdings

Lần đầu tiên trong gần 15 năm kể từ khi cổ phần hóa, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của CTX Holdings ghi nhận sự bất đồng sâu sắc với chỉ duy nhất tờ trình về thù lao HĐQT và Ban kiểm soát được thông qua.

Tờ trình từ việc thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 có tỷ lệ tán thành hơn 45%, các báo cáo của HĐQT và Ban Kiểm soát hay phương án phân phối lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh năm 2020 cũng chỉ đạt được 38,6% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tán thành. Còn lại, tỷ lệ không tán thành lên tới 61,4%.

Sau 2 lần tổ chức sau không đạt tỷ lệ số lượng cổ phần có quyền biểu quyết, cuộc họp này mới đủ điều kiện để tiến hành với 22 cổ đông nắm giữ 93% vốn điều lệ tham dự.

Ở thời điểm hiện tại, CTX Holdinsg vẫn chưa bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới sau nhiệm kỳ 2012-2017. Tại cuộc họp tổ chức cách đây hơn 2 năm, công ty đã quyết định HĐQT nhiệm kỳ cũ tiếp tục hoạt động. Nguyên nhân được đưa ra là công ty đang cần sự ổn định về bộ máy quản lý và sự am hiểu của các thành viên HĐQT đương nhiệm. “Tổng công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu về tổ chức và sản xuất kinh doanh và tập chung giải quyết các vấn đề quan trọng về định hướng phát triển”, phía công ty khi đó cho hay.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-trang-doanh-thu-xay-dung-cua-ctx-holdings-d134027.html