Quy trách nhiệm cá nhân liên quan quy hoạch treo

Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thừa nhận có những quy hoạch treo kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và gây lãng phí tài nguyên xã hội.

Một căn nhà tạm bợ nằm trong khu quy hoạch treo Bình Quới-Thanh Đa.

Một căn nhà tạm bợ nằm trong khu quy hoạch treo Bình Quới-Thanh Đa.

Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện quy hoạch treo được nêu ra, nhưng gần như chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm cá nhân liên quan đến quy hoạch treo.

Luật đã có…

Vì sao những quy hoạch treo vẫn xuất hiện và tồn tại dai dẳng? Không khó để chỉ ra những nguyên nhân cơ bản như thiếu tầm nhìn, sai chiến lược, không thiết lập đầy đủ các quy hoạch liên quan theo quy định, không xác định đủ các điều kiện thực hiện đồng bộ các dự án trong quy hoạch, việc tổ chức quản lý và thực hiện dự án sau khi công bố không được thực hiện nghiêm túc…Tóm lại, những ai bị dính vào quy hoạch treo khốn khổ trăm bề, nhà cửa trong vùng quy hoạch treo không được sửa chữa, đất đai không được mua bán, dự án không được thực hiện.

Trả lời cho thắc mắc của đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về những bất cập từ quy hoạch treo đến đời sống người dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định: "Để bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch treo về vấn đề nhà ở, trong sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 đã có quy định: Nếu kế hoạch sử dụng cấp huyện đã được công bố mà 3 năm sau không thực hiện, người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, thậm chí xây mới nhà ở, có thời hạn được ghi trong giấy phép cụ thể. Nếu hết thời hạn này quy hoạch vẫn không thực hiện, người dân tiếp tục được thực hiện giấy phép đã được cấp về cải tạo và xây dựng mới về nhà ở”.

Tuy nhiên, trên thực tế lại có những diễn biến hết sức trớ trêu. Thí dụ, bản chất của đất dân cư xây dựng mới là đất ở, nên việc cấm người dân không được chuyển mục đích, tách thửa và chỉ cấp phép xây dựng có thời hạn, xây dựng tạm là hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vì vậy, nếu chưa thu hồi đất, phải cho người dân thực hiện quyền của mình là được xây dựng, mua bán, được cấp sổ hồng. Đến khi thu hồi, bồi thường phải theo giá thị trường, có như vậy mới nhận được sự đồng thuận của người dân.

Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, quy hoạch treo đồng nghĩa với việc “treo” luôn quyền lợi của người dân, như tình trạng tạm cư nhiều năm không được làm bất cứ cái gì mới liên quan đến nhà ở ngay trên mảnh đất của mình. Nỗi khổ của người dân trong vùng quy hoạch treo chính quyền biết, doanh nghiệp biết, nhưng việc ban hành chủ trương chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân chưa được chú trọng, dẫn đến việc tăng lượng đơn thư khiếu nại tố cáo. Mặc dù đã làm rõ loại quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào có tính kỹ thuật chuyên ngành, song quy định cụ thể về điều kiện, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch, vẫn phát sinh vướng mắc liên quan tới việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu của khu chức năng…

1.001 lý do biện minh mà không bị xử lý

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05 ngày 1-3-2019, để tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị, nhưng quy hoạch treo vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Vì sao? Vì không ai liên quan đến quy hoạch treo bị xử lý kỷ luật. Vì tham mưu và phê duyệt quy hoạch treo không được xem là dấu hiệu phạm tội. Có 1001 lý do để biện minh cho quy hoạch treo, nên những kẻ có quyền không ngần ngại đưa ra quy hoạch treo theo sự hứng thú vô lối mà không sợ phải gánh hậu quả. Nếu có bị phản ứng về quy hoạch treo, cũng chỉ cần dăm lời giải thích về trình độ hạn chế nọ kia. Chính vì biên độ quá an toàn của quy hoạch treo, mà nảy sinh quy hoạch… liều.

Thực tế, nguyên nhân chính gây ra nhiều dự án treo, đất treo, đất dự án bỏ hoang, hay nói cách khác quy hoạch treo là do nhiều nơi cứ có quy hoạch là làm, là đầu tư xây dựng mà thiếu kế hoạch trong việc đầu tư phát triển đô thị, đầu tư phát triển các cụm đô thị, nhà ở, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ... Điều này dẫn đến việc đầu tư phát triển đô thị theo phong trào ở nhiều nơi, thậm chí có những thời kỳ phong trào này rất mạnh. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển lại không phù hợp với nhu cầu, cũng như khả năng cung cấp nguồn lực, làm lệch pha cung cầu, dư thừa nguồn cung bất động sản, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, khâu lựa chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng không ít nhà đầu tư thiếu năng lực thực hiện dự án, làm ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án, khiến nhiều dự án bị bỏ hoang. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai tại đô thị còn nhiều hạn chế. Việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân cư, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sử dụng đất đai thiếu chặt chẽ, chậm phát hiện những sai phạm, thậm chí đã phát hiện sai phạm nhưng không xử lý, để lại những hậu quả rất phức tạp.

Thật đáng lo ngại, một đô thị năng động bậc nhất như TPHCM khi rà soát 250 quy hoạch phân khu và dự án chi tiết, đã phải thu hồi 176 quy hoạch treo. Và dĩ nhiên, quy hoạch treo cũng kéo theo nhiều hệ lụy cho quan hệ giữa chủ đầu tư và khách hàng. Cách đây không lâu, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản đã gửi đơn kêu cứu lên Bộ Xây dựng vì dự án bị ngưng trệ, mà lý do chính là… quy hoạch treo theo kiểu quy hoạch liều. Một khu đất ở phường Bình Khánh, quận 2, TPHCM được quy hoạch làm khu du lịch, văn hóa nhưng lại được chuyển làm khu tái định cư, sau đó lại chấp thuận đổi sang mục đích kinh doanh căn hộ thương mại nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định. Sự nhùng nhằng ấy khiến mọi thứ đều “treo” đầy rủi ro và mù mờ.

Rõ ràng quy hoạch treo đang trở thành thách thức về sự minh bạch và sự công bằng trong quản lý xã hội. Nếu không có khuất tất nào mang tính lợi ích nhóm, liệu có quy hoạch treo nhiều như hiện nay. Như Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái tại diễn đàn Quốc hội, đã cho rằng việc đánh giá tình hình tham nhũng hết sức khó khăn, mang tính trừu tượng. Trước mắt, để giảm quy hoạch treo cần tiến hành hai công tác song song. Thứ nhất, chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, thường xuyên giám sát và công khai mọi thông tin. Thứ hai, tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và phải có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn dựa trên năng lực thực tế. Điều cần thiết lúc này là phải truy xét trách nhiệm cá nhân trong các quy hoạch treo.

Tâm Huyền

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/quy-trach-nhiem-ca-nhan-lien-quan-quy-hoach-treo-85717.html