'Quy tắc vàng' bảo vệ trẻ em trước tội phạm xâm hại tình dục

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, khiến dư luận quan tâm, phẫn nộ.

Thượng tá Phạm Tùng Vân, Phó trưởng phòng Tham mưu, CA TP Hà Nội nhận định, các vụ án xâm hại trẻ em tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Trong vòng 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 40 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 29 vụ xâm hại tình dục. Một số trường hợp bị xâm hại trong thời gian dài như vụ thầy giáo dâm ô nhiều nữ sinh tại huyện Hoài Đức.

Ngày 8-6, TAND huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đình Lê (SN 1974, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”, theo quy định tại điểm b, c, d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Nguyễn Đình Lê vốn là thầy giáo tiểu học tại trường tiểu học An Thượng A (Hoài Đức, Hà Nội). Trong quá trình giảng dạy tại đây, thầy giáo này đã nhiều lần thực hiện hành vi dâm ô, sờ vào vùng kín đối với các học sinh của mình.

Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Hoài Đức, Nguyễn Đình Lê đã dâm ô với 7 nữ sinh do mình trực tiếp giảng dạy. Vào giữa tháng 4- 2018 khi các học sinh bị Lê dâm ô kể sự việc với bố mẹ, ngay sau đó các gia đình học sinh đã đồng loạt gửi đơn tố cáo đối với nam giáo viên này và Lê bị CA huyện Hoài Đức triệu tập lên trụ sở làm rõ. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Lê án 6 năm tù về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi, cấm dạy học trong 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt và bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân 20 triệu đồng.

Vậy làm thế nào để giúp trẻ nhận biết, tự bảo vệ mình khi kẻ xấu có ý định xâm hại? Sau đây là một số biện pháp để giúp trẻ tự giữ mình ở mức độ an toàn.

Cùng với sự phát triển của trẻ về tâm, sinh lý, việc đầu tiên là các bậc phụ huynh cần trang bị cho trẻ những kiến thức nhất định về giới tính. Trong đó việc giúp trẻ nhận biết được 4 vùng nhạy cảm trên cơ thể là: miệng, ngực, vùng giữa hai đùi và mông, để từ đó rèn luyện cho trẻ cách tránh để người lớn tiếp xúc vào những vùng nhạy cảm đó, đặc biệt là người lạ.

Ngoài việc phải biết tự giữ gìn bản thân, một trong những cách để trẻ không bị xâm hại là cần tập cho trẻ thói quen không động chạm vào khu vực nhạy cảm của người khác, đặc biệt là với người khác giới.

Ngoài ra, bạn cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, người thân hoặc số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Khi các bé không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, bé cũng nên chia sẻ cho cha mẹ biết và tránh xa những người mà bé không thích hay có những hành vi đụng chạm. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách bình tĩnh, không hoang mang lo sợ trước kẻ xấu và những lời đe dọa…

Gia Hân

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quy-tac-vang-bao-ve-tre-em-truoc-toi-pham-xam-hai-tinh-duc-117543.html