Quỹ quốc gia về việc làm chỉ đáp ứng 30-35% nhu cầu vốn

Được vay vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh đã trở thành bước ngoặt của nhiều người dân trên con đường khởi nghiệp.

Nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm - Ảnh: T.Hằng

Tuy nhiên, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng 30-35% nhu cầu vay vốn.

Tay trắng làm nên cơ nghiệp

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền núi của H.Thạch Thành (Thanh Hóa), đỗ ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, anh Hoàng Anh Sơn quyết định bảo lưu kết quả học tập, theo học cơ khí tại Trường CĐ HH13 (Ninh Bình). Nhận thấy nghề cơ khí có tiềm năng phát triển tại địa phương, sau khi tốt nghiệp, qua kênh Đoàn Thanh niên, anh Sơn mạnh dạn vay vốn Quỹ quốc gia hỗ việc làm (HTVL) để khởi nghiệp với dự án sản xuất kinh doanh gò hàn và gia công cơ khí, với vốn vay 250 triệu đồng, lãi suất 6,6%/năm.

Từ cơ sở nhỏ lẻ ban đầu, đến năm 2017, anh Sơn mạnh dạn thành lập doanh nghiệp sản xuất cơ khí, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, với tổng doanh số sản xuất hàng hóa từ 4-4,5 tỉ đồng/năm, thu nhập ổn định 300-400 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 9 công nhân với thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/lao động.

“Đối với những thanh niên nghèo, khó khăn như chúng tôi, được vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một bước ngoặt rất quan trọng trên con đường khởi nghiệp và trong quá trình sản xuất kinh doanh”, anh Sơn chia sẻ, và mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh được vay vốn nhiều hơn, tối đa là 2 tỉ đồng và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm.

Cũng khởi nghiệp từ con số 0, anh Đỗ Quang Quế, nông dân xã Chính Lý, H.Lý Nhân (Hà Nam), đã vay 10 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi. Năm 2012, anh Quế vay thêm 50 triệu đồng phát triển sản xuất dự án trồng bưởi, trồng cam canh, hiện đã tạo việc làm thường xuyên cho cả gia đình và 2 lao động làm công ăn lương. Thu nhập hằng năm khoảng 400 triệu đồng.

Anh Quế bày tỏ: “Đầu tư vào trồng trọt hoặc chăn nuôi phải sau 3 năm bắt đầu mới có thu hoạch. Vì vậy, tôi mong Nhà nước xem xét tăng số tiền cho vay vốn hỗ trợ việc làm, thời gian cho vay dài hơn, để người vay sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có thời gian quay vòng vốn”.

Bổ sung thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm

Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia HTVL 2016-2018, do Bộ LĐ -TB-XH phối hợp với NHCSXH tổ chức ngày 11.10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết trong giai đoạn 2016 đến tháng 6.2018, doanh số cho vay hằng năm khoảng 2.500-3.000 tỉ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 303.614 lao động. Riêng 6 tháng đầu năm, hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia HTVL có sự phát triển vượt bậc, với doanh số 2.500 tỉ đồng, góp phần hỗ trợ việc làm cho 84.428 lao động.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Diệp, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ này cũng gặp nhiều khó khăn: chất lượng việc làm tạo ra chưa cao; hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; đối tượng vay là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thấp; nguồn vốn cho vay từ Quỹ còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), kiến nghị nguồn vốn vay nên ưu tiên cho vay các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp; ưu tiên cho vay đối với lao động là người khuyết tật, lao động người dân tộc thiểu số, lao động thanh niên, lao động bị thu hồi đất, phụ nữ nông thôn…

Để chương trình đạt hiệu quả cao hơn thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng Giám đốc NHCSXH, đề nghị hằng năm, Chính phủ tăng cấp bổ sung ngân sách, bổ sung nhiều nguồn lực của xã hội cho Quỹ quốc gia HTVL. Bộ LĐ-TB-XH cần nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh lãi suất vay vốn từ Quỹ lên bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo từng thời kỳ, do Thủ tướng Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, chỉ đạo thu hồi nợ để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng.

Tính đến 30.9.2018, vốn cho vay giải quyết việc làm đạt 14.560 tỉ đồng, tăng 7.631 tỉ đồng so với năm 2015. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 14.451 tỉ đồng, với gần 476.000 khách hàng còn dư nợ, dư nợ cho vay xuất khẩu lao động đạt 722 tỉ đồng, với trên 15.000 hộ vay còn dư nợ.

Hải Bình

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/quy-quoc-gia-ve-viec-lam-chi-dap-ung-3035-nhu-cau-von-1014902.html