Quỹ phục hồi EU là 'bước ngoặt' đối với thị trường tài chính châu Âu

Các nhà đầu tư đã phản ứng rất tích cực trước thông tin Liên minh châu Âu (EU) thông qua một quỹ phục hồi mới trị giá 750 tỷ euro (864,68 tỷ USD) vào hôm 21/7.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 19/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 19/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà đầu tư đã phản ứng rất tích cực trước thông tin Liên minh châu Âu (EU) thông qua một quỹ phục hồi mới trị giá 750 tỷ euro (864,68 tỷ USD) vào hôm 21/7, coi đó là một bước ngoặt cho thị trường tài chính khu vực vốn đã bị ám ảnh bởi các cuộc khủng hoảng nợ và sự phân chia Bắc-Nam trong những năm qua.

Trong nhiều năm qua, các mối đe dọa như cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và một chính phủ dân túy theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ở Italy đã làm dấy lên nỗi lo sợ về khả năng Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang trên đà tan rã.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi đồng euro và trái phiếu chính phủ Italy – hai loại tài sản thường sụt giảm mỗi khi những mối đe dọa này bùng lên – đang tỏa sáng với hy vọng về sự hội nhập tài khóa ở châu Âu.

Ông Ugo Lancioni, người đứng đầu bộ phận tiền tệ toàn cầu tại công ty quản lý đầu tư tư nhân Neuberger Berman, cho biết thỏa thuận về gói cứu trợ trên đã loại bỏ gần như hoàn toàn nguy cơ EU tan rã – một mối rủi ro vốn luôn thường trực trong tâm trí của các nhà đầu tư.

Tương tự, ông Quentin Fitzsimmons, người phụ trách bộ phận danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản T.Rowe Price, nhận xét rằng một trong những lý do khiến nhà đầu tư nghi ngờ về giá trị lâu dài của đồng euro đã bị loại bỏ.

Trái phiếu chính phủ Italy (BTP) đã tăng 6% kể từ khi gói phục hồi được đề xuất lần đầu tiên vào tháng Năm.

Thỏa thuận đột phá ngày 21/7 đã giúp đưa chi phí đi vay ở Italy xuống mức thấp nhất kể từ tháng Ba và xóa sạch phần lớn mức giảm do hoạt động bán tháo vì dịch COVID-19.

Tuy nhiên, dù có một quỹ hỗ trợ khổng lồ, một số nhà đầu tư vẫn tiếp tục coi đống nợ gia tăng từ cuộc khủng hoảng COVID-19 là một mối lo ngại.

Ông Andrea Iannelli, Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn tài chính Fidelity International, cho hay sau tất cả, nhà đầu tư không nên đặt cược lớn chỉ vì quỹ phục hồi chung châu Âu.

Theo ông Iannelli, quỹ này có thể sẽ không tác động lớn đến “núi nợ” của Italy vì lợi ích mà nước này nhận được sẽ rất mờ nhạt so với tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang chực chờ “bùng nổ”.

Dự kiến, tỷ lệ nợ của Italy có thể tăng từ mức tương đương 134,8% GDP năm 2019 lên tới 159% GDP trong năm nay.

Viễn cảnh đó đã khiến ông Kevin Zhao, một quản lý cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư UBS Asset Management, giảm lượng nắm giữ BTP của họ khoảng một tháng trước.

Ông không nghĩ đến việc sẽ mua thêm loại tài sản này khi cho rằng triển vọng cho một đợt tăng tiếp theo là rất thấp.

Ông Zhao lưu ý khi nền kinh tế vẫn còn yếu, nhà đầu tư sẽ cần cân nhắc đến những rủi ro hay cú sốc trong tương lai" nếu họ muốn dùng các nguồn vốn giá rẻ để mua vào các tài sản có lợi suất cao như trái phiếu Chính phủ Italy.

Triển vọng cho thị trường chứng khoán châu Âu và đồng euro có phần nào tươi sáng hơn. Đối với đồng euro, các nhà đầu tư cho biết sẽ chưa tiến hành các lệnh mua thêm trong thời gian này.

Song họ lưu ý các bước tiến trong hội nhập tài khóa châu Âu đã củng cố sức hút dài hạn cho đồng euro và tăng sức hấp dẫn của nó như một đồng tiền dự trữ.

Điều đó có nghĩa là đồng euro sẽ có thêm ưu thế nếu các các nhà đầu tư cân nhắc gia tăng các lệnh giao dịch của mình liên quan tới đồng tiền này.

Ông Vasileios Gkionakis, người đứng đầu chiến lược tiền tệ toàn cầu tại ngân hàng Lombard Odier, cho biết ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, tình hình chính trị ở Mỹ vẫn còn nhiều bất ổn trong khi chính phủ nước này chưa đưa ra bất kỳ phản ứng mạch lạc nào để đối phó với dịch COVID-19.

Đó có thể trở thành một “cơn bão” cho đồng USD nhưng lại là “cơn gió thuận” cho đồng euro./.

H.Thủy (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quy-phu-c-ho-i-eu-la-buo-c-ngoa-t-doi-voi-thi-truo-ng-ta-i-chi-nh-chau-au/163543.html