'Quý ông' Ninh Bình đấm CSGT: Cái giá phải trả cho thói côn đồ?

Không chỉ có hàng loạt hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ, Trịnh Anh Tuấn còn có hành vi chống đối, đấm vào mặt CSGT. Với hành vi côn đồ này, cái giá phải trả sẽ như thế nào?

Mới đây, Công an huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã bắt giữ Trịnh Anh Tuấn (SN 1988, trú tại xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư) về hành vi chống người thi hành công vụ.

Tối ngày 11/11, tổ tuần tra giao thông Công an huyện Hoa Lư đang làm nhiệm vụ tuần tra trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn phát hiện Trịnh Anh Tuấn điều khiển xe mô tô BKS 29E1 – 186.11 vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều. Kiểm tra còn cho thấy, Tuấn không có giấy phép lái xe và vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Tuy nhiên, khi tổ công tác đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ phương tiện, Tuấn đã không chấp hành và có hành vi xúc phạm, chống đối lực lượng chức năng. Thậm chí, Tuấn còn dùng tay đấm vào mặt Thượng úy Vũ Ngọc Khánh (cán bộ tổ công tác).

 Trịnh Anh Tuấn tại cơ quan công an.

Trịnh Anh Tuấn tại cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, Trịnh Anh Tuấn đã nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình. Dư luận đặt câu hỏi, cái giá phải trả cho hành vi côn đồ của đối tượng này là gì?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, việc chiến sĩ CSGT yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ và phát hiện các lỗi vi phạm thuộc thẩm quyền của CSGTtheo quy định của pháp luật và theo nhiệm vụ được giao. CSGT đang thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, đảm bảo an toàn giao thông và đây là công vụ.

Luật sư Tùng cho rằng, đối tượng Trịnh Anh Tuấn đã có những hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, khi được yêu cầu thực hiện các quy định đã có hành vi có dấu hiệu chống người thi hành công vụ. Hành vi chống đối, đánh, đấm chiến sĩ công an và không thực hiện theo các quy định, lệnh đề ra là chống người thi hành công vụ. Do đó, Cơ quan công an cần điều tra làm rõ hành vi cụ thể, mức độ hành vi ra sao để tiến hành xử phạt theo quy định.

Luật sư Hoàng Tùng.

Đối với hành vi vi phạm của đối tượng, ngoài việc xử phạm vi phạm hành chính trong an toàn giao thông đường bộ theo nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc đánh người của đối tượng sẽ bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hành vi dùng vũ lực (đấm chiến sĩ CSGT) nhằm cản trở việc thi hành công vụ sẽ có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Trịnh Anh Tuấn không chỉ có hàng loạt hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ như đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, nồng độ cồn vượt mức cao nhất mà pháp luật quy định cấm mà còn có hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến sẽ phải đối mặt với việc có thể bị xử lý hình sự.

Với hàng loạt hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, Trịnh Anh Tuấn không những không nhận thức được hành vi vi phạm của mình, không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ mà có có hành vi chống trả, tấn công lại lực lượng cảnh sát giao thông, cụ thể là đấm vào mặt CSGT.

“Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng có thể dẫn đến thương tích của người thi hành công vụ, cản trở hoạt động thi hành công vụ. Do đó, người đàn ông này có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội chống người thi hành công vụ” – luật sư Cường nêu ý kiến.

Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ hành vi và hậu quả của sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp kết quả giám định thương tích cho thấy, CSGT bị thương tích đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, người đàn ông này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự năm 2015.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Trong trường hợp CSGT không có thương tích hoặc mức độ thương tích không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích nhưng hành vi chửi bới, năng mạ người thi hành công vụ, đấm CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn là hành vi chống người thi hành công vụ.

Hành vi này khiến người tham gia giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt có thể lên đến 3 năm tù.

Luật sư Cường lưu ý một vấn đề trong vụ án này là người tham gia giao thông có biểu hiện say xỉn, vì trong người có nồng độ cồn nên có thể bị kích động, không làm chủ hành vi của mình.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người sử dụng rượu bia, chất kích thích mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác, thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc sử dụng rượu bia dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát hành vi là lỗi của người uống rượu bia. Do đó, vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự,các hành vi khác như đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, không có bằng lái, có nồng độ cồn trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 100/2019/NĐ-Cp.

Thời gian gần đây liên tục những vụ việc người tham gia giao thông chống người thi hành công vụ khi bị kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra khi có hành vi vi phạm giao thông.

Tuy nhiên, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những đối tượng coi thường pháp luật. Hành vi này thể hiện đạo đức, văn hóa xuống cấp, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật kém của một bộ phận người dân hiện nay.

Bởi vậy, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các sai phạm về giao thông là cần thiết. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền vận động để người dân hiểu biết và chấp hành luật lệ giao thông, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, lành mạnh.

Mời độc giả xem thêm video Khởi tố nhóm đối tượng chống người thi hành công vụ

Nguồn: BTV

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/quy-ong-ninh-binh-dam-csgt-cai-gia-phai-tra-cho-thoi-con-do-1461470.html