Quỹ ngoại từ Phần Lan thành cổ đông lớn DGW, KSB, nhóm cổ đông Nhật Bản giải ngân trên PLX

Thời điểm Evli Emerging Frontier Fund thực hiện giao dịch cổ phiếu KSB và DGW đều đang giao dịch quanh vùng đỉnh sau nhiều nhịp tăng mạnh kể từ cuối tháng 3.

Ảnh minh họa.

Evli Emerging Frontier Fund trở thành cổ đông lớn của Digiworld và KSB

Quỹ Evli Emerging Frontier Fund mới đây đã hoàn tất mua thêm 500.000 cổ phiếu CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã KSB). Sau giao dịch, quỹ ngoại đến từ Phần Lan đã nâng sở hữu lên 2,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,43% cổ phần và trở thành cổ đông lớn tại KSB.

Trước đó ít ngày, Evli Emerging Frontier Fund cũng đã trở thành cổ đông lớn của CTCP Thế giới Số (Digiworld – mã DGW) từ ngày 9/9 sau khi mua 2,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,4% vốn. Sau giao dịch, quỹ ngoại này trở thành cổ đông lớn thứ 4 tại Digiworld, sau Created Future (34,59%), Chủ tịch HĐQT Đặng Kiện Phương (5,48%) và Probus Opportunities (5,24%).

Được biết, Evli Emerging Frontier Fund thuộc quản lý của Evli Fund Management Company (quy mô 12,2 tỷ EUR thời điểm cuối tháng 1/2020) do Evli Bank Plc sở hữu 100%. Tại thời điểm cuối tháng 8, quy mô danh mục của Evli Emerging Frontier Fund đạt 61,2 triệu EUR (~1.700 tỷ đồng) trong đó, Digiworld là khoản đầu tư lớn nhất chiếm tỷ trọng 5,68%.

Điểm chung của 2 thương vụ trên là thời điểm Evli Emerging Frontier Fund thực hiện giao dịch cổ phiếu KSB và DGW đều đang giao dịch quanh vùng đỉnh sau nhiều nhịp tăng mạnh kể từ cuối tháng 3.

Trên thực tế, cổ phiếu KSB đã tăng mạnh ngay từ quý II khi leo lên gần 29.000 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng 140% sau chưa đến 3 tháng. Cổ phiếu này điều chỉnh mạnh về sát 20.000 đồng/cổ phiếu trước khi đảo chiều tăng trở lại từ đầu tháng 8. Hiện KSB đang giao dịch quanh mức 30.700 đồng/cổ phiếu, cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Cùng khoảng thời gian trên, cổ phiếu DGW cũng liên tục tăng mạnh và có phần bền bỉ hơn bất chấp thị trường chung có phần “hụt hơi”. Cổ phiếu này tăng hơn 3 lần từ vùng giá 17.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 3 lên 54.100 đồng/cổ phiếu (chốt ngày 15/9) mà gần như không có nhịp điều chỉnh nào thật sự rõ ràng. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ khi DGW lên sàn giữa năm 2015.

Chuyển động trái chiều của 2 nhóm quỹ Dragon Capital và VinaCapital tại Nhà Khang Điền

CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (mã KDH) mới đây đã báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn. Theo đó, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Dragon Capital đã bán ra 5 triệu cổ phiếu KDH ngày 11/9. Cùng ngày, Veil Holdings Limited cũng đã bán 170.000 cổ phiếu KDH.

Sau các giao dịch trên, Dragon Capital đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Nhà Khang Điền xuống 15,93%, tương đương 89,05 triệu cổ phiếu. Tạm tính tại mức thị giá cổ phiếu KDH chốt phiên 11/09/2020 là 24.100 đồng/cổ phiếu, số tiền nhóm Dragon Capital đã thu về cho thương vụ lần này vào khoảng gần 125 tỷ đồng.

Trước đó vào ngày 04/09, Veil Holdings Limted cùng với thành viên khác thuộc nhóm là Grinling International Limited cũng đã lần lượt bán ra và 620.000 cổ phiếu và 180.000 cổ phiếu KDH. Như vậy, tính từ đầu tháng 9 đến nay, nhóm Dragon Capital đã bán ra tổng cộng gần 6 triệu cổ phiếu KDH.

Ở chiều ngược lại, các quỹ thành viên thuộc VinaCapital quản lý lại có động thái gia tăng sở hữu tại Nhà Khang Điền trong thời gian gần tuy nhiên đều không mua hết số cổ phiếu đã đăng ký với lý do giá cổ phiếu diễn biến không như kỳ vọng.

Mới đây nhất, quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) đã mua được 242.380 đơn vị trên tổng số 260.000 cổ phiếu KDH đã đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 14/08-12/09/2020. Trước đó, quỹ đầu tư cổ phiếu Tiếp cận thị trường Việt Nam của VinaCapital cũng đã mua 164.800 đơn vị trên tổng số 200.000 cổ phiếu đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 28/05-26/06/2020.

Nhóm cổ đông Nhật Bản chính thức nâng sở hữu tại Petrolimex (PLX) lên 9%

ENEOS Corporation mới đây đã hoàn tất mua vào 13 triệu cổ phiếu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã PLX). Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 27/8 – 14/9/2020.

Trước giao dịch này ENEOS không sở hữu cổ phiếu nào. Tuy nhiên, công ty con của ENEOS là JX Nippon Oil & Energy Việt Nam hiện đang là cổ đông lớn thứ 2 của Petrolimex với 103,5 triệu cổ phiếu, tương đương 8% vốn điều lệ.

Mặt khác, theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Petrolimex cũng đã bán xong 13 triệu cổ phiếu quỹ dù chưa hết thời gian đăng ký giao dịch (27/8 - 25/9/2020). Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Petrolimex được điều chỉnh tăng lên 1,219 tỷ đơn vị tương ứng lượng cổ phiếu quỹ điều chỉnh giảm từ hơn 88 triệu đơn vị xuống còn hơn 75 triệu đơn vị.

Nhiều khả năng, nhóm cổ đông đến từ Nhật Bản đã hoàn tất mua 13 triệu cổ phiếu quỹ của Petrolimex qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm này lên 9% và vẫn là cổ đông lớn thứ 2 tại tập đoàn này sau cổ đông Nhà nước với gần 82% cổ phần.

Cổ phiếu Viglacera (VGC) leo dốc, Gelex lần thứ 2 nâng giá chào mua lên 23.500 đồng/cổ phiếu

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – mã GEX) đã quyết định tăng giá chào mua công khai lần 2 cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera – CTCP từ 21.500 đồng/cổ phiếu lên mức 23.500 đồng/cổ phiếu. Việc tăng giá được áp dụng đối với tất cả các cổ đông Viglacera, kể cả các cổ đông đã đăng ký bán cổ phiếu cho Gelex.

Trước đó vào cuối tháng 8/2020, Gelex bắt đầu chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu với giá 17.700 đồng/cổ phiếu trong thời gian 26/8 - 25/9/2020. Thời điểm đó, sau nhịp tăng mạnh từ cuối tháng 3, cổ phiếu VGC đang giao dịch quanh vùng 21.000 – 22.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 20% so với giá chào mua của Gelex.

Đến ngày 11/9, ông Nguyễn Văn Tuấn đã quyết định nâng giá chào mua lên 21.500 đồng/cổ phiếu, tương đương thị giá cổ phiếu VGC giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu VGC tiếp tục có dấu hiệu leo dốc và hiện đang giao dịch quanh mức 23.400 đồng/cổ phiếu, xấp xỉ mức giá chào mua lần 2 của Gelex (23.500 đồng/cổ phiếu).

Tạm tính tại mức giá chào mua mới, số tiền Gelex dự kiến chi ra cho thương vụ này vào khoảng 2.233 tỷ đồng, cao hơn 33% so với giá chào mua ban đầu.

Cổ phiếu “neo” giá gần vùng đỉnh, thêm một lãnh đạo Dabaco (DBC) muốn giảm sở hữu

Ông Lê Quốc Đoàn, thành viên HĐQT của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco – mã DBC) mới đây đã đăng ký bán ra 800.000 cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, cá nhân ông Đoàn sẽ giảm sở hữu từ hơn 1,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,15%) xuống còn 403.480 cổ phiếu, tương đương 0,39% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn trong khoảng thời gian từ 21/09 - 20/10/2020.

Trên thị trường, sau giai đoạn tăng mạnh từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6, cổ phiếu DBC liên tục lập đỉnh mới và có thời điểm đạt xấp xỉ 55.000 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng gần 4 lần sau hơn 2 tháng. Hiện cổ phiếu này đã điều chỉnh và gần như đi ngang quanh mức 46.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, đi cùng với đà tăng mạnh của cổ phiếu trên thị trường, nhiều cổ đông lớn và lãnh đạo của Dabaco đã liên tục có động thái bán ra nhằm giảm sở hữu. Các tổ chức lớn như VinaCapital, quỹ Fraser Investment Holding Pte.Ltd, Chứng khoán SSI … đều đã bán ra số lượng lớn cổ phiếu DBC.

Mới đây nhất, trong tháng 8/2020, ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó chủ tịch HĐQT đã bán ra 200.000 cổ phiếu DBC. Trước đó, ông Nguyên Văn Chuyện, em trai Chủ tịch HĐQT cũng đã bán ra 25.300 cổ phiếu hồi tháng 6/2020.

Mua thêm hơn 21% cổ phần, Đầu tư Sài Gòn 3 Capital trở thành công ty mẹ của Chứng khoán Thành Công (TCI)

Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital đã hoàn tất mua thêm 7,58 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Thành Công (TCSC – mã TCI). Sau giao dịch, Sài Gòn 3 Capital đã nâng lượng sở hữu lên trên 24,88 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 69,13% và trở thành công ty mẹ của TCSC.

Ở chiều ngược lại, CTCP May da Sài Gòn thông báo đăng ký bán đi toàn bộ hơn 7,58 triệu cổ phiếu TCI (tỷ lệ 21,06%) đang nắm giữ trong khoảng thời gian từ 27/8 đến 25/9/2020. Số cổ phiếu này đúng bằng lượng cổ phiếu Đầu tư Sài Gòn 3 Capital đã mua vào. Hiện May da Sài Gòn chưa báo cáo kết quả giao dịch.

Trên thị trường, cổ phiếu TCI bắt đầu “nổi sóng” từ trung tuần tháng 8 với nhiều phiên tăng trần liên tiếp tuy nhiên thanh khoản chỉ nhỏ giọt vài trăm hay vài nghìn đơn vị thậm chí có những phiên không có giao dịch. Từ vùng đáy 2.500 đồng/cổ phiếu, TCI đã leo lên trên mệnh giá và dừng ở mức 10.100 đồng/cổ phiếu trong nhiều phiên trở lại đây.

Đáng chú ý, trong 3 ngày 09-11/9/2020, thị trường xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận cổ phiếu TCI với tổng khối lượng đúng bằng số cổ phiếu trên với tổng giá trị lên đến gần 80 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 10.500 đồng/cổ phiếu. Nhiều khả năng thương vụ đã được hoàn tất với số cổ phiếu được “sang tay” giữa 2 tổ chức trên..

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/doanh-nghiep/bizdeal-quy-ngoai-tu-phan-lan-thanh-co-dong-lon-dgw-ksb-nhom-co-dong-nhat-ban-giai-ngan-tren-plx-3551966.html