Quỹ ngoại tăng tốc đầu tư vào doanh nghiệp xây dựng Việt Nam

Nguồn vốn ngoại giúp các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt tiếp cận được với hệ sinh thái doanh nghiệp ngoại, đảm bảo được sự cung ứng không đứt gãy trong chuỗi liên kết hàng hóa trên thế giới. Tuy nhiên, trong số những cuộc hợp tác thành công cũng có không ít những lùm xùm bên cạnh.

Nguồn vốn ngoại giúp các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt tiếp cận được với hệ sinh thái doanh nghiệp ngoại. Ảnh DXG

Nguồn vốn ngoại giúp các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt tiếp cận được với hệ sinh thái doanh nghiệp ngoại. Ảnh DXG

Mới đây, tại ĐHCĐ Công ty CP Fecon (FCN) ngày 18/6 Ban lãnh đạo đã trình cổ đông phương án phát hành riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược từ Trung Quốc - China Harbour Engineering Company Ltd. Số tiền dự kiến thu được từ phát hành riêng lẻ là 480 tỉ đồng được dùng để tăng vốn công ty con và bổ sung vốn lưu động. Nếu phát hành thành công, cổ đông chiến lược từ Trung Quốc sẽ sở hữu 20,32% vốn điều lệ của công ty, là cổ đông lớn nhất tại Fecon.

Được biết, trước China Harbour Engineering Company Ltd, 2 cổ đông lớn nhất tại Fecon cũng là nhà đầu tư nước ngoài gồm Raito Kogyo Co.,Ltd (Nhật Bản) nắm 18,57% vốn và PYN Elite Fund (Phần Lan) nắm 17,3%.

Ngoài Fecon, nhà thầu xây dựng có quy mô lớn thứ 2 tại Việt Nam hiện nay là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng có sự hiện diện của các cổ đông lớn nước ngoài. Năm 2019, sau khi được nới room lên 49%, Hòa Bình Corp đã chào bán riêng lẻ thành công 25 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 10,83%) cho Huyndai Elevator Co., Ltd khiến tiềm lực doanh nghiệp này mạnh lên. Hiện room ngoại còn lại tại Hòa Bình là 32,05%, tương đương 16,95% vốn đang thuộc sở hữu của nước ngoài. Trong đó, nhà thầu này hiện có 2 cổ đông ngoại lớn là Hyundai Elevator Co.,Ltd nắm 10,83% và Korea Investment Management Co.,Ltd nắm 5,11% (đến cuối 2019).

Tại Coteccons, doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam đặt tỷ lệ sở hữu (room) tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ là 49%. Đến nay, room nước ngoài còn lại chỉ là 2,62%, tương đương 46,38% vốn tại nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam đang nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ cấu cổ đông của công ty xây dựng này cũng có sự hiện diện của 2 nhà đầu tư ngoại lớn gồm Kustocem Pte. Ltd nắm 17,55% và The8th Pte. Ltd nắm 10,42% vốn. Bên cạnh đó, còn một số cổ đông ngoại nắm dưới 5% vốn Coteccons như The Ton Poh Fund; VOF Investment Limited; Amersham Industries Limited; Norges Bank…

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn vốn ngoại giúp các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt tiếp cận được với hệ sinh thái doanh nghiệp ngoại, đảm bảo được sự cung ứng không đứt gãy trong chuỗi liên kết hàng hóa trên thế giới. Tuy nhiên, trong số những cuộc hợp tác thành công cũng có không ít những lùm xùm bên cạnh.

Mới đây, trong thông báo phát đi hôm 10/6, ông Nguyễn Sĩ Công, Tổng giám đốc Coteccons đặt nghi vấn về việc nhóm cổ đông ngoại trong đó có Kusto cùng một số cổ đông cá nhân khác… câu kết với nhau nhằm thâu tóm công ty. Sau đó, Kusto đã phủ nhận nhưng câu chuyện này của Coteccons một lần nữa khiến không ít người nghĩ. Nếu thương hiệu Conteccons không còn nằm trong tay những người sáng lập hay những nhà đầu tư trong nước thì điều tiếc nuối sẽ không dừng lại ở câu chuyện thương hiệu.

Nhận định về lùm xùm giữa Coteccons - Kusto, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam từng cho biết giữa các cổ đông ngoại và doanh nghiệp Việt đều dựa trên sự kết hợp thế mạnh của từng bên và có nhiều yếu tố quyết định sự thành công.

Thực tế, cổ đông ngoại có thế mạnh về vốn, còn doanh nghiệp Việt có thế mạnh ở quan hệ, ở sự am hiểu thị trường, độ nhanh nhạy, thâm nhập thị trường cũng như cách vận hành doanh nghiệp. Nếu việc kết hợp giữa hai bên mà phát huy được thế mạnh của cả hai thì doanh nghiệp sẽ phát triển.

Đối với lùm xùm giữa Coteccons - Kusto trong thời gian này, vấn đề mới chỉ dừng lại ở sự khác nhau trong cách nhìn nhận vấn đề giữa nhà đầu tư và Ban điều hành Công ty. Những nguy cơ về tổn hại kinh tế đã hiện hữu và đã có những thương vụ tiền lệ như nêu trên khi mà các bên không ngồi lại đàm phán với nhau một cách hòa bình.

Và nếu còn nhiều sự khác biệt trong quan điểm mà chưa thể đàm phán được, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, vì lợi ích chung của cả hai bên thì phía Kusto và Ban điều hành của Coteccons cần ngồi lại đàm phán với nhau với sự giúp sức của những người ở bên thứ ba làm trung gian.

Đối với tình huống này, các cơ quan nhà nước hữu quan có nên chăng vì lợi ích chung mà đưa ra ý kiến để định hướng, hướng dẫn nhằm đảm bảo quyền lợi chung của nhà đầu tư, doanh nghiệp và quan trọng hơn cả là việc ổn định về công việc cho hàng trăm nghàn người lao động đang làm việc tại Công ty Coteccons, nhà thầu phụ và đối tác.

Với với cái tên Kusto Group, trước Coteccons, nhiều người đã biết tới các vụ M&A trước đây, cụ thể là với Descon, Beton 6.

Cụ thể, năm 2010, sau khi nắm đủ số phiếu biểu quyết (52,6%), nhóm Kusto đã bãi miễn chức danh Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc Descon. Chủ tịch HĐQT Descon phải rời công ty sau 20 năm gắn bó, cổ phiếu DCC của Descon đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin. Cuối năm 2018, Descon đứng trước nguy cơ phá sản sau khi TAND TP. Hồ Chí Minh có quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp này theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.

Một tên tuổi lớn khác bị Kusto thâu tóm là Công ty Beton 6 (BT6) cũng rơi vào tình trạng tương tự như Descon. Sau khi chiếm quyền tại Beton 6, nhóm này đồng ý với quyết định hủy niêm yết để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp. Nhưng trái với mong đợi, Beton 6 lại rơi vào chuỗi khủng hoảng, bắt đầu lỗ lớn từ năm 2017 và gặp nhiều khó khăn về tài chính. Giữa tháng 5/2020, công ty sản xuất bê tông với bề dày hoạt động 60 năm này đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết.

Theo Nhịp sống kinh tế

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/quy-ngoai-tang-toc-dau-tu-vao-doanh-nghiep-xay-dung-viet-nam-324653.html