Quỹ ngoại Singapore thoái toàn bộ vốn tại Vinasun

Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Vinasun để 'cắt lỗ', khi kết quả kinh doanh của hãng taxi này liên tục đi xuống.

Theo báo Tri thức trực tuyến, Quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore là một trong những quỹ ngoại hoạt động năng nổ nhất trên thị trường chứng khoán Việt. Hiện tại, quỹ này nắm giữ vốn tại rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, như 5,43% vốn tại Tập đoàn Masan; 5,01% cổ phần tại Tập đoàn PAN; 3,04% vốn tại Tập đoàn FPT, 7,96% vốn tại hãng taxi Vinasun…

Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quỹ đầu tư này cho biết đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 7,96% vốn Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).

Trước đó, trong phiên giao dịch 25/5, cổ phiếu VNS xuất hiện giao dịch thỏa thuận của khối ngoại, với 2 lệnh lần lượt 5,4 triệu cổ phiếu và 1,8 triệu cổ phiếu. Giá khớp trung bình chỉ khoảng 14.400 đồng/cổ phiếu, giá trị khớp lệnh đạt gần 104 tỷ đồng.

Quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore thoái toàn bộ vốn khỏi Vinasun sau gần 4 năm đầu tư. Ảnh minh họa: Báo Tri thức trực tuyến

GIC là một trong những quỹ ngoại đầu tiên đầu tư vào hãng taxi của Việt Nam và là cổ đông lớn tại đây. Quỹ này đã mua tổng cộng 4,5 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng 7,96% vào tháng 8/2014 (sau được chia cổ tức tăng lên sở hữu 5,4 triệu cổ phiếu). Thời điểm này, giá VNS được giao dịch trong khoảng 45.000 đồng/cổ phiếu, tương đương GIC đã chi ra hơn 202 tỷ đồng để đầu tư vào Vinasun.

Sau gần 4 năm, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore đã phải cắt lỗ với mức giá thỏa thuận chỉ 14.400 đồng/cổ phiếu, tương đương khoản lỗ 120 tỷ đồng.

Động thái thoái vốn khỏi Vinasun của quỹ ngoại này diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của hãng taxi liên tục đi xuống kể từ khi có sự cạnh tranh của xe công nghệ. Đầu năm 2018, Vinasun đã đâm đơn kiện Grab đòi đền bù 41 tỷ đồng, vì sự "cạnh tranh không lành mạnh" từ mô hình công nghệ này.

Theo báo VnExpress, năm 2018, Vinasun đặt mục tiêu tổng doanh thu xấp xỉ 2.160 tỷ đồng, giảm khoảng 1.070 tỷ đồng so với thực hiện năm trước. Doanh thu thuần cung cấp dịch vụ vận tải và nhượng quyền thương mại dự kiến đóng góp 2.000 tỷ đồng, phần còn lại đến từ thanh lý tài sản.

Vinasun cho biết trọng tâm 2018 là tập trung giữ thị phần và duy trì hoạt động trước áp lực cạnh tranh không cân sức.

Công ty dự kiến đầu tư thêm tối thiểu 700 xe chất lượng, phát triển ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và đa dạng hóa mô hình hợp tác kinh doanh. Đồng thời, triển khai mô hình thương quyền nhằm tăng độ phủ và giảm gánh nặng chi phí quản lý. Mô hình này cho phép công ty hợp tác với những cá nhân sở hữu xe riêng, nhưng hoạt động như người lao động trực tiếp thông qua việc tuân thủ nội quy, mặc đồng phục và dán logo Vinasun.

Năm ngoái, Vinasun ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.937 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu chuyển biến rõ rệt khi tỷ trọng vận tải hành khách bằng taxi giảm mạnh, nhường chỗ cho sự trỗi dậy của hoạt động nhượng quyền thương mại và khai thác taxi.

Số lượng nhân viên của Vinasun tính đến cuối năm 2017 là 7.117 người, giảm gần 10.000 so với thời điểm đầu năm. Sau 3 tháng đầu năm nay, số nhân sự này tiếp tục giảm thêm hơn 120 người.

Phương Dung (t/h)

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/quy-ngoai-singapore-thoai-toan-bo-von-tai-vinasun-102753