Quy mô nợ xấu của VPBank đang tăng nhanh

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hợp nhất của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tại cuối năm 2018 tiếp tục trong xu hướng tăng lên 3,5% từ mức 3,39% vào cuối năm 2017.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) mới đây đã có báo cáo cập nhật về tình hình hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã CK: VPB).

Báo cáo nhấn mạnh, VPB không giữ được tốc độ tăng trưởng cao của những năm trước, kết quả kinh doanh năm 2018 không hoàn thành kế hoạch.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 của ngân hàng hợp nhất được ghi nhận 9.199 tỷ đồng (+ 13,2% yoy, đạt 85% kế hoạch cả năm), trong đó lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt 4.118 tỷ đồng (- 1,95% yoy, chiếm 45% trên tổng lợi nhuận hợp nhất), lợi nhuận trước thuế của ngân hàng riêng lẻ đạt 7.934 tỷ đồng (+ 41% yoy).

Trong khi đó, dư nợ tín dụng đạt 230.000 tỷ đồng, tăng trưởng 17,35% yoy, cao hơn trung bình ngành ngân hàng. Trong đó, tín dụng của ngân hàng riêng lẻ tăng trưởng 16,88% yoy, đạt 177,5 nghìn tỷ đồng. Xét về cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn, tỷ trọng giữa các nhóm nợ có sự chuyển dịch nhẹ so với năm 2017, trong đó kỳ hạn ngắn tăng lên chiếm 37% trên tổng dư nợ, dư nợ trung hạn chiếm 34%, còn lại là dư nợ dài hạn.

Dư nợ tín dụng của FE Credit đạt khoảng 53,27 nghìn tỷ đồng (+ 18,91% yoy), dư nợ trung hạn vẫn chiếm phần lớn ~67% trong tổng dư nợ, chỉ trong riêng quý 4/2018, công ty đã mở rộng cho vay thêm hơn 6,5 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng khoản vay dành cho khách hàng cá nhân và tăng trưởng chi tiêu thẻ tín dụng, tăng cường phát hành số thẻ tín dụng mới để tái cấu trúc danh mục sản phẩm.

"Chúng tôi cho rằng tăng trưởng cho vay trong quý 4/2018 của FE Credit có thể chỉ là cải thiện trong ngắn hạn, vì vậy cần được theo dõi thêm trong các quý tiếp theo", VCBS nhấn mạnh.

Quy mô nợ xấu của VPBank đang tăng nhanh.

Quy mô nợ xấu của VPBank đang tăng nhanh.

Cũng theo báo cáo cập nhật của VCBS, huy động tiền gửi và giấy tờ có giá của VPB đạt 219.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,75% yoy. Trong đó, hơn 170.000 tỷ đồng là các khoản tiền gửi khách hàng (chiếm ~77% trên tổng huy động vốn, tăng 10% so với cuối năm 2017), còn lại khoảng 48.000 tỷ đồng đến từ giấy tờ có giá (bao gồm 68% khoản này là chứng chỉ tiền gửi, 32% là trái phiếu), tỷ trọng giấy tờ có giá trên tổng huy động cao hơn so với các ngân hàng thương mại truyền thống.

Theo VCBS, việc phát hành giấy tờ có giá, mà chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi sẽ khiến chi phí sử dụng vốn của ngân hàng cao hơn so với các phương pháp huy động truyền thống, dù vậy điều này lại giúp VPB nâng kỳ hạn tiền gửi, hạn chế căng thẳng thanh khoản cục bộ. Mặt khác, tỷ lệ CASA (tài khoản vãng lai và tiết kiệm) giảm từ 15% từ cuối năm 2017 xuống còn 13,68% vào cuối năm 2018.

Đặc biệt, tại báo cáo, VCBS cho rằng, chất lượng tài sản của VPB ít có sự cải thiện và đang có dấu hiệu giảm thấp hơn. Theo VCBS, hiện lĩnh vực cho vay tín chấp ẩn chứa nhiều rủi ro dẫn đến nợ xấu của VPB có xu hướng cao hơn so với các ngân hàng với mô hình kinh doanh truyền thống. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hợp nhất tại cuối năm 2018 tiếp tục trong xu hướng tăng lên 3,5% từ mức 3,39% vào cuối năm 2017.

Trong đó, tỷ lệ nợ xấu ở ngân hàng riêng lẻ giảm xuống còn 2,72%. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm 40% trên tổng nợ xấu (1.853 tỷ đồng, + 77% yoy). Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit là 5,98%. Nợ xấu tính đến hết năm 2018 ghi nhận xấp xỉ 3.185 tỷ đồng (+ 42% yoy), nợ xấu tăng nhanh 42% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức 18,9% khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Báo cáo cũng cho thấy, dự phòng rủi ro của VPB đã trích lập trong kỳ tại cuối năm 2018 là 11.253 tỷ đồng (+ 40,62% yoy), trong đó có tới 78% dự phòng trích lập đến từ FE Credit (7.521 tỷ đồng, + 44% yoy) và 21% đến từ ngân hàng riêng lẻ (2.416 tỷ đồng, + 16% yoy). Trong năm 2018, VPB đã sử dụng 10.676 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xóa nợ trong kỳ (tăng gấp đôi so với cuối năm 2017), bao gồm 7.434 tỷ đồng từ FE Credit và 3.427 tỷ đồng từ ngân hàng riêng lẻ.

"Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lớn trong khi VPB tăng cường sử dụng dự phòng rủi ro để xóa nợ, một mặt thể hiện ngân hàng phải hy sinh phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng, mặt khác cho thấy quy mô nợ xấu đang gia tăng nhanh", VCBS nhận định.

Theo VCBS, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu (LLR) của VPB tiếp tục giảm xuống mức 46% (cuối 2017, LLR ghi nhận khoảng 51%), đây là mức thấp so với một số ngân hàng khác (thường trên 100% và đang có chiều hướng tăng). Đặc biệt, đối với mô hình kinh doanh cho vay tín chấp nhiều rủi ro, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu thấp là một điều đáng lưu ý đối với VPB.

Trong khi đó, dư nợ gốc VAMC vào cuối năm 2018 là 3.161 tỷ đồng (- 28% yoy). Số dư dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt đạt 790 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng rủi ro trên dư nợ VAMC là 25%. Như vậy, VPB còn 2.371 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt cần trích lập trong những năm tiếp theo.

Văn Huy

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/quy-mo-no-xau-cua-vpbank-dang-tang-nhanh-d2064606.html