Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng

Kinh tế - xã hội năm 2018 và cả giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là khá sáng sủa, với mục tiêu tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể đạt được. Với sự tăng trưởng tích cực, quy mô nền kinh tế cũng ngày càng được mở rộng.

Triển vọng sáng sủa

Khác với năm trước, phải đến sát cuối năm mới biết được mục tiêu tăng trưởng GDP đạt và vượt mức đề ra (đạt 6,81% - PV), thì năm nay, ngay tại thời điểm này, mọi dự báo đều khẳng định gần như chắc chắn rằng, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,7%, thậm chí cao hơn, tạo nền tảng cho tăng trưởng năm 2019 và cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. Điều này một lần nữa đã được khẳng định tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xưởng sản xuất đồ chơi xuất khẩu của Công ty GFT tại Hải Dương. Ảnh: Đức Thanh

Xưởng sản xuất đồ chơi xuất khẩu của Công ty GFT tại Hải Dương. Ảnh: Đức Thanh

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế đã từng bước được cải thiện, đạt mức tăng khá trong những năm vừa qua. Cụ thể, tăng trưởng GDP đã đạt 6,21% trong năm 2016, tăng lên 6,81% năm 2017 và ước đạt 6,7% trong năm nay.

“Bình quân 3 năm 2016 - 2018, tăng trưởng GDP đạt 6,57%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân ở mức thấp của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 (6,5 - 7%/năm). Dự kiến, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019 - 2020 đạt 6,9%. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng GDP bình quân dự kiến đạt 6,71%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tất nhiên, kèm theo tốc độ tăng trưởng tích cực, quy mô nền kinh tế cũng ngày càng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2016 đạt 4.502,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 205,3 tỷ USD); năm 2017 đạt 5.006 ngàn tỷ đồng (223,7 tỷ USD); ước tính năm 2018 đạt 5.555 ngàn tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp 1,33 lần GDP năm 2015.

Ở một khía cạnh khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều quan trọng là trong 3 năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế không những đạt khá, mà còn dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ; lạm phát được kiểm soát rất thành công...

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sau 3 năm thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt, chất lượng tăng trưởng có nhiều chuyển biến tích cực. Chưa kể, cán cân thương mại đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong 3 năm liên tiếp, thu hút vốn FDI không ngừng gia tăng…

Trăn trở động lực tăng trưởng

Dù vậy, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, như động lực của tăng trưởng.

“Cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng ổn định. Diễn biến mức tăng trưởng GDP của 3 quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm, do đó cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP để có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP trong năm 2019 và 2020”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác được Ủy ban Kinh tế đề cập là chất lượng tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp. Đây cũng là một điểm yếu đã được Chính phủ nhấn mạnh trong báo cáo của mình. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh, cần quan tâm hơn nữa trong thực hiện mục tiêu tổng quát về “đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu...

Không chỉ vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng băn khoăn về các chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp và GDP bình quân đầu người.

Về GDP bình quân đầu người, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với tốc độ tăng trưởng 6,7%, GDP của Việt Nam năm 2018 theo giá hiện hành ước đạt 240,5 tỷ USD, nên GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.540 USD, tăng 155 USD so với năm 2017 và tăng 325 USD so với năm 2016. “Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020 thì vẫn có khoảng cách khá xa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Năm ngoái, khi con số thu nhập bình quân đầu người gần 2.400 USD được công bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, con số đó “không có gì đáng tự hào”. Ngay trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể. Tại đó, bà Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng đã bày tỏ mối băn khoăn về con số này. Theo bà Hoa, muốn đạt mục tiêu, tăng trưởng GDP 2 năm còn lại phải đạt 11 - 12%/năm. Còn nếu với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, GDP bình quân đầu người chỉ có thể đạt 2.854 USD, “rất xa so với kế hoạch”.

“Phải làm rõ điều này, cũng như cần quan tâm đến những chỉ tiêu có ý nghĩa lớn hơn như GDP bình quân đầu người, GNP (tổng sản phẩm quốc dân) hay HDI (Chỉ số Phát triển con người)…”, bà Hoa nói.

Trong khi đó, về mục tiêu phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 9 tháng đầu năm có hơn 96.610 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có tới 73.100 đơn vị ngừng hoạt động (tăng 48% so với cùng kỳ). Lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể cao gấp 1,5 lần cùng kỳ, khiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại và đề nghị làm rõ nguyên nhân.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, cần “tách bạch số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể do công tác làm sạch dữ liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh và các trường hợp khó khăn về điều kiện, thủ tục kinh doanh để đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng doanh nghiệp”.

Hơn nữa, ông Vũ Hồng Thanh cũng không giấu giếm lo ngại rằng, mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là “khó hoàn thành”, bởi việc phát triển doanh nghiệp tiềm ẩn khó khăn, số doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quy-mo-nen-kinh-te-ngay-cang-duoc-mo-rong-d89484.html