Quy luật thiểu số lý giải ngọn nguồn của dịch bệnh

Các nhà kinh tế học vẫn thường nói về quy tắc 80/20. Đó là một lý thuyết cho rằng 80% công việc sẽ được thực hiện chỉ bởi 20% số người tham gia.

Điểm bùng phát là tác phẩm của Malcolm Gladwell - phóng viên tạp chí The New Yorker. Cuốn sách giúp người đọc khám phá, đón nhận dễ dàng hơn những hiểu biết sâu sắc về hiện tượng “điểm bùng phát”. Nó có thể làm thay đổi nhận thức của mọi người về việc tiêu thụ sản phẩm hay phổ biến các ý tưởng.

Được sự đồng ý của Alpha Books, Zing trích đăng một phần cuốn sách.

Khi nói rằng một nhóm trẻ em sinh sống ở East Village khởi phát đại dịch Hush Puppies hay sự phân bố dân cư của một số dự án nhà ở làm khởi phát dịch giang mai, điều chúng ta thực sự muốn nói đến ở đây là trong một hệ thống hay một quy trình nào đó, một số người sẽ có vai trò quan trọng hơn hẳn những người khác.

Quy luật thiểu số

Xét trên tổng thể của vấn đề, cách nghĩ trên không phải là một khái niệm đặc biệt tiến bộ. Các nhà kinh tế học vẫn thường nói về quy tắc 80/20. Đó là một lý thuyết cho rằng phần lớn 80% công việc sẽ được thực hiện chỉ bởi 20% số người tham gia.

Trong đa số các cộng đồng xã hội, 20% số tội phạm thực hiện 80% các vụ vi phạm pháp luật. Tương tự, 20% người điều khiển xe mô tô gây ra 80% các vụ tai nạn liên quan. Và 20% người uống bia uống hết 80% lượng bia của cả thế giới.

Khi một đại dịch bùng phát, tỷ lệ bất cân xứng này thậm chí còn trở nên mất cân bằng đến tột bậc: Chỉ một số rất ít cá thể trong xã hội sẽ đảm trách phần lớn công việc.

Đơn cử như bác sĩ Potterat có lần đã tiến hành phân tích dịch lậu ở Colorado Springs, Colorado. Bằng cách theo dõi tất cả số bệnh nhân tới khám ở các trung tâm khám chữa bệnh công cộng trong thời gian hơn sáu tháng, bác sĩ Potterat đã phát hiện khoảng một nửa số bệnh nhân sống ở bốn khu lân cận (bốn khu này chỉ chiếm 6% diện tích toàn thành phố).

 Điểm bùng phát là tác phẩm giúp độc giả có thêm góc nhìn khác về xã hội và cách thức vận hành của xã hội. Ảnh: Alpha Books.

Điểm bùng phát là tác phẩm giúp độc giả có thêm góc nhìn khác về xã hội và cách thức vận hành của xã hội. Ảnh: Alpha Books.

Có đến một nửa số bệnh nhân sống ở khu vực chiếm 6% diện tích đó thường tụ tập ở cùng sáu quán bar. Sau đó, Potterat tiến hành phỏng vấn 768 người nằm trong phân nhóm rất nhỏ đó và phát hiện 600 người trong số họ không lây bệnh lậu sang ai khác hoặc nếu có, chỉ lây cho duy nhất một người.

Nhóm bệnh nhân này được ông gọi là nhóm không lây truyền. Còn nhóm khiến đại dịch phát triển - những người truyền bệnh sang hai, ba, bốn, năm hoặc sáu người khác - là 168 người còn lại.

Nói cách khác, trong toàn bộ Colorado Springs với dân số khoảng 100.000 người, dịch bệnh lậu bùng phát chỉ vì hoạt động của 168 con người mang bệnh đang sinh sống ở bốn khu dân cư nhỏ và thường lui tới sáu quán bar giống nhau. Vậy ai sẽ thuộc nhóm 168 người đó? Họ không giống bạn hay tôi.

Nhân tố gây bùng phát

Họ là những người mà cuộc sống thuộc về bóng đêm, có quan hệ thân thể với nhiều người hơn mức bình thường. Đó là những người có cuộc sống và hành vi không nằm trong quy phạm xã hội thông thường.

Giữa thập niên 1990, khắp các hồ bơi và các sân trượt băng ở Hast St. Louis, bang Missouri xuất hiện một người đàn ông được mệnh danh là Parnell McGee “Đại Ca”.

McGee là người cao lớn. Hắn cao khoảng 1,9 m, hấp dẫn và là một tài năng trong nghệ thuật trượt băng - kẻ hút hồn các cô gái trẻ với ánh hào quang trên sân băng.

Hắn đặc biệt thích tán tỉnh những cô gái độ tuổi 13, 14. Hắn mua tặng họ đồ trang sức đắt tiền, mời họ vi vu trên chiếc Cadillac sang trọng, sau đó là ma túy liều cao và quan hệ xác thịt.

Trong khoảng thời gian từ 1995 đến 1997, trước khi bị bắn chết, hắn đã có quan hệ với ít nhất 100 cô gái. Và lẽ tất nhiên, McGee đã truyền lại cho tối thiểu 30 người trong số họ căn bệnh chết người HIV.

Cũng trong khoảng hai năm đó, cách đấy 150 dặm về phía Buffalo, New York còn có một ví dụ khác về loại “đại ca” bất lương này. Hắn ta làm việc ở những khu phố bần hàn trong trung tâm Jamestown. Tên hắn là Nushawn Williams, ngoài ra hắn còn được biết đến với những cái tên khác nhau như “Cáo già”, “Đồ tể”...

Hắn lừa gạt rất nhiều cô gái, đứng tên bốn đến năm căn hộ khác nhau quanh thành phố. Nghề nuôi sống hắn là buôn lậu ma túy ngược từ Bronx về. Giống như Đại Ca, Williams cũng rất hấp dẫn.

Hắn thường mua tặng các cô bạn gái hoa hồng, để mặc họ nghịch ngợm bộ tóc dài của mình, ăn chơi trác táng thâu đêm với chất kích thích và rượu mạnh. Hiện tại, Williams bị tống vào tù nhưng hắn vẫn được biết đến như kẻ gieo rắc virus HIV cho ít nhất 16 phụ nữ.

Những đại dịch lớn hoàn toàn có thể bắt nguồn chỉ từ một cá thể hoặc tập thể nhỏ. Ảnh: CNN.

Còn trường hợp nổi tiếng nhất lại được Randy Shilts tốn nhiều giấy mực đề cập đến trong cuốn sách And the Band Played On về bệnh nhân độc nhất vô nhị của căn bệnh AIDS.

Đó là cô tiếp viên hàng không trên chuyến bay Pháp - Canada, Gaetan Dugas. Cô này thừa nhận đã quan hệ thể xác với 2.500 bạn tình trên khắp Bắc Mỹ và cũng là người liên quan đến ít nhất 40 ca mắc AIDS ở California và New York.

Tất cả họ đều thuộc vào nhóm những người khiến đại dịch bùng phát. Các loại đại dịch xã hội cũng diễn ra theo cùng cách thức trên. Chúng cũng bị điều khiển bởi nỗ lực của một nhóm người đặc biệt.

Trong trường hợp này, họ không khác biệt với những người khác bởi bản năng tình dục mà bởi tính xã hội, nghị lực, khả năng hiểu biết và ảnh hưởng của họ đối với số đông xã hội.

Trích "Điểm bùng phát"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quy-luat-thieu-so-ly-giai-ngon-nguon-cua-dich-benh-post1143586.html