Quỳ... Khó thật

Sự việc cô giáo phạt học sinh bằng hình thức quỳ đang được dư luận bàn tán theo hai chiều trái ngược. Người bảo bắt học sinh QUỲ là làm nhục, là vi phạm... Người khác lại nói QUỲ như vậy là bình thường, không nhục, mà phải nhớ để sửa lỗi làm. Văn Hiến đăng hai ý kiến của hai tác giả tán thành ý kiến thứ hai.

Cô giáo bắt học sinh quỳ: “Tôi bất lực, dù biết là sai”. Ảnh Vietnamnet

QUỲ

Thủy Hướng Dương

Đối với học trò cấp 2, lứa tuổi ổi ương của thằng Bi nhà tôi nhất định phải có biện pháp/hình phạt như bắt quỳ, bắt úp mặt vào tường với sự đồng thuận của phụ huynhh học sinh, tùy mức độ phạm lỗi nặng nhẹ. Tôi ủng hộ 100%.

Đã có lần cô hiệu trưởng xin ý kiến của tôi về việc có phạt thằng Bi đứng trước cờ vì tội thiếu sách vở không? Tôi bảo không được, vì lỗi đó không đáng bị bêu trước toàn trường. Làm như thế nó sẽ bỏ học, không đến trường nữa đâu. Cho nó úp mặt vào tường, cạnh bảng đen, trước lớp. Cho đến khi nào nó tự cảm thấy nó nhận ra lỗi và xin phép được xin lỗi cô thì tha.

Tôi hay dùng hình phạt này để phạt thằng Bi lúc nhỏ. Khá hiệu quả. Thường thì trong lúc nó úp mặt vào tường, nó sẽ có cơ hội nghĩ về lỗi của nó. Nhưng thằng Bi là thằng bướng. Có lần nó úp mặt vào tường hơn 30p. Tôi sốt ruột hỏi nó nhận ra lỗi chưa. Nó bảo chưa. Nó đứng tiếp. Tôi lại bồi thêm cho vài chi tiết, gợi ý cho nó biết nó sai ở đâu. Mãi lâu sau nó mới chịu xin phép cho con nghỉ, con xin lỗi mẹ.

Thực ra, chúng ta đang nhầm lẫn hình phạt và tra tấn/làm nhục. Hai cái này khác nhau lắm. Trước khi tôi phạt, tôi nói rõ mẹ yêu cầu con nhận hình phạt abcd vì con efgh. Lúc í tôi hoàn toàn không có ý định “tra tấn/sỉ nhục cho mày chết”. Nhưng có nhiều bà mẹ, cô giáo, thầy giáo cứ nhìn thấy cái mặt thằng ngỗ ngược là chỉ muốn “phạt cho mày chết kụ mày đi”. Học trò và những đứa con nó hiểu hết tâm địa của cha mẹ thầy cô đấy ạ. Chẳng qua nó “thấp cổ bé họng” nên không đủ sức bật lại các cô đấy thôi.

Ngoài ra, có một số thầy cô giáo, xin nói thẳng đầu vào đại học điểm cực thấp, kỹ năng sư phạm trong 4 năm đào tạo bậc đại học vẫn chỉ là hơn Zero thì khó mà kiên nhẫn với lũ học trò đầu bướu như thằng Bi.

Mặt khác, phụ huynh học sinh bây giờ cũng ít người hợp tác tích cực để cùng nhà trường giáo dục con cái. Đến nỗi thầy cô phải nói, không dám đụng gì vào học sinh đâu, phụ huynh đến trường đòi chém cô ngay, báo chí lại đăng đầy bêu riếu...

Vậy mấu chốt hình phạt ở đâu? Tôi nghĩ, các cô và phụ huynh cùng xem lại. Mỗi một hành vi đều có câu chuyện riêng của nó. Cũng như hình phạt và tra tấn/sỉ nhục là hai việc hoàn toàn khác nhau về bản chất.

Hãy để học sinh biết tôn sư trọng đạo. Tôi ghét tầm chương trích cú lắm. Chỉ biết là chúng ta đang hoang mang mất phương hướng không rõ Giáo dục là gì?
Giáo dục là: Sai thì phải chịu hình phạt. Tham nhũng thì phải ngồi tù. Đánh bạn thì phải kỷ luật. Phạm lỗi thì phải quỳ hoặc úp mặt vào tường. Đơn giản thế thôi, chính là giáo dục luật pháp chứ còn gì nữa. Sở dĩ xã hội chúng ta ngày nay quân hồi vô phèng vì làm sai mà chả mấy khi chịu hình phạt tương xứng đấy thôi.

KHÓ THẬT

Phạm Quang Long

Mạng xã hội sôi sùng sục xung quanh chuyện cô giáo phạt học sinh mắc lỗi phải quỳ. Một trong hai học sinh mắc lỗi chịu phạt còn một học sinh bỏ ra ngoài vì cho rằng như thế là bị sỉ nhục. Phụ huynh học sinh quỳ cho rằng như thế còn tốt vì như vậy học sinh vẫn còn được nghe giảng. Phụ huynh học sinh bỏ ra ngoài không chấp nhận hình phạt, kiện cô giáo vì con mình không được tốt nghệp do mắc nhiều lỗi, trong đó có cả việc nghỉ học quá nhiều chứ không phải chỉ vì hình phạt. Nói thế để thấy có nhiều thái độ khác nhau về vấn đề này.

Ai bảo làm nghề giáo dễ dàng, oai và được nể trọng?

Ai đó đã có lần nói với tôi “nghề ông sướng, chuẩn bị bài giảng một lần dạy cả đời. Còn lại nhả chữ ăn tiền”. Nghe vậy, tôi không cãi mà chỉ cười buồn. Nói không lại và cũng chả để làm gì? Ở đây không thể có sự thống nhất vì cách tiếp cận vấn đề và thái độ quá khác nhau. Ai cũng nghĩ mình đúng vì chuyện dạy và học nhà nào chả liên quan và ai cũng nghĩ mình hiểu chuyện. Có thật thế không?

May, tôi không dạy phổ thông. Nóng tính như tôi, gặp trò hư dễ mất bình tĩnh, dễ mắc sai lâm và dễ bi kiện lắm. Dạy con mình còn có lúc phát rồ lên vì nó không hiểu, vì nó cãi vớ vẩn, vì đủ lí do làm mình bực. Con mình còn thế, huống hồ học sinh?

Có người bảo, đã thế để cho an toàn, giáo viên chỉ cần dạy chữ, còn chuyện khác, kệ chúng. Ngoan hay hư không phải trách nhiệm của mình. Ai trả tiền công dỗ chúng thành người tử tế? Đó là việc của bố mẹ chúng. Kết quả của quan niệm này là gia đình đẩy con em cho nhà trường, nhà trường giao cho giáo viên cho phải đạo, giáo viên làm cho xong chuyện nên đạo đức nhà trường có nhiều vấn đề: gian dối, bạo lực, hư hỗn...

Nhiều người phê phán các hình phạt đối với học trò là xúc phạm nhân phẩm, vi phạm quyền con người, không phù hợp với xã hội văn minh... Đúng hết. Nhưng các vị khuyên các nhà giáo làm gì khi học sinh hư? Nói thì dễ nhưng nếu ở trong cuộc sẽ bối rối hơn nhiều và khó tránh sai lầm. Các vị không giáo dục được con mình nhưng các vị tước hết quyền dạy dỗ học trò của nhà trường và chỉ cho phép nhà trường vận động, thuyết phục, khuyên giải con mình. Ngoài điều đó đều không được chấp nhận. Như thế là gây khó cho nhà trường đấy. Không phải cứ đóng học phí rồi thì có quyền đòi hỏi đâu. Tôi vừa là nhà giáo, vừa là phụ huynh nên nghĩ rằng ít nhiều mình cũng hiểu những chuyện như vậy. Tôi cho rằng khi thầy cô phạt học trò, không ai (tôi đoán thế) lại lấy điều đó làm hứng thú và trong lòng họ cực chẳng đã mới làm thế. Có thể do nóng giận mà mất tỉnh táo, do non nớt, do bất lực... trước sự khó bảo của học trò hoặc do sợ thói hư ấy lây lan ra trò khác v.v...

Không có gì khó hơn dạy người. Mà đã là dạy thì cần nhiều biện pháp. Đích của sự dạy là đưa ra xã hội một con người tử tế, một nhân cách văn hóa. Tôi nhớ, cụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng cha mẹ khi dạy con có mắc lỗi vì nghiêm khắc quá cũng tha thứ được. Xin bớt ồn ào về những chuyện như vậy vì các cụ dạy rồi “nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng” và xã hội cũng nên thể tất cho những sơ suất vì thái quá của thầy cô. Giả dối thì cần tuyệt đối tránh còn quá đà một chút khi dạy trẻ chưa chắc đã là cái gì quá tệ. Chỉ cần nhắc nhở, chỉ ra đúng sai để không lặp lại chứ đừng thổi phồng hay quy kết theo kiểu trừng phạt người có lỗi để yên lòng đám đông. Không phải không có gì nhưng đừng làm ầm ĩ những chuyện vốn không đáng thế.

Tôi đồ rằng không có nhà trường nào dạy học sinh chỉ bằng khuyên nhủ, nhắc nhở, thuyết phục mà học sinh trở thành con ngoan, trò giỏi và công dân tốt hết. Điều đó không thể có vì nhà trường giống như một xã hội thu nhỏ. Và Nghiêu Thuấn cũng chỉ là chuyện tưởng tượng ra thôi. Viết ra mấy suy nghĩ này không để bênh ai, không tuyên truyền cho điều gì mà cũng chẳng vụ lợi. Nó chỉ là những suy nghĩ của một người đã đứng ra bên lề cuộc đời rồi nhưng thấy ồn ào quá, bèn động bút chút thôi. Ai mắng mỏ gì, xin nhận cả, không cãi.

==========================================================================

Thủy Hướng Dương - Phạm Quang Long |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/quy--kho-that-69340