Quý II, bất động sản có tiếp tục 'ngủ đông'?

Mắc kẹt giữa tâm bão Covid-19 cùng với nhiều nút thắt về thủ tục pháp lý, tín dụng, câu hỏi được nhiều thành viên thị trường quan tâm là liệu bất động sản sẽ 'ngủ đông' tới bao giờ.

Báo cáo thị trường bất động sản do CBRE vừa công bố cho biết, trong quý I/2020, lượng mở bán căn hộ chung cư mới tại Hà Nội ghi nhận giảm 86% theo năm. Tỷ lệ bán của các dự án trong quý này chỉ đạt 30 - 40%, thấp hơn trung bình cùng kỳ năm 2019, mặc dù các dự án mở bán mới trong năm trước cũng không nhiều do vướng mắc về pháp lý.

Nếu như trước đây, CBRE từng dự báo về sự mở rộng của phân khúc trung cấp, thì nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, phân khúc này chỉ ghi nhận 5 dự án với 600 căn trong quý I, phần lớn là dự án mở bán tiếp theo của dự án đã chào bán. Nguồn cung mở bán mới theo quý chỉ có 1.600 căn, thấp nhất 9 năm trở lại đây. Doanh số bán hàng trong quý này cũng thấp nhất từ năm 2013 cho thấy sự trầm lắng của thị trường.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, các vấn đề về chậm cấp phép, siết tín dụng cùng với dịch Covid-19 tiếp tục gây áp lực lên nguồn cung chào bán mới và sức cầu. Tình hình thị trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ dịch bệnh được kiểm soát nhanh đến đâu. Cho đến thời điểm đó, khả năng đứng vững của thị trường sẽ được kiểm chứng khi các chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua để ở đều đang ở trạng thái chờ đợi.

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào quý II, Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng 27.000 - 28.000 căn hộ chào bán mới trong năm 2020. Đà phát triển chậm trong nửa đầu năm 2020 có thể làm giảm số lượng các căn hộ bán được xuống còn 24.000 căn tại Hà Nội từ mức dự kiến 31.000 căn trước dịch Covid-19”, bà An nói và cho biết, trong tình huống xấu hơn, dịch bệnh không được kiểm soát trước khi kết thúc quý III/2020, số lượng căn mở bán mới và doanh số bán dự kiến sẽ lần lượt giảm xuống khoảng 14.000 căn và 9.000 căn, chỉ bằng 30 - 40% lượng mở bán và doanh số của năm 2019.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khó có thể chào bán dự án ra thị trường. Ở mỗi địa phương, số dự án mới chào bán có thể chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.

"Điều này cũng sẽ tiếp diễn trong quý II/2020, nhất là mới đây một số địa phương kéo dài thêm thời gian giãn cách, trong đó có Hà Nội và TP.HCM. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp càng phải thận trọng hơn", ông Đính nhấn mạnh.

Theo ông Đính, các doanh nghiệp vẫn có thể lạc quan với thị trường căn hộ chung cư, bởi với quốc gia có dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao như Việt Nam, nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn và dự báo sẽ tiếp tục duy trì ít nhất 15 - 25 năm nữa. Tuy nhiên, trong quý II/2020, nếu có mở bán thì nên ưu tiên là các dự án đất nền thay vì phân khúc chung cư, bởi người mua chung cư là người có nhu cầu ở thực, nhưng dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của người dân, khiến những người có nhu cầu phải xem xét lại việc mua nhà trong giai đoạn này. Trong khi đó, phân khúc đất nền có thể dễ bán hơn do giá ở mức vừa phải và tâm lý giữ đất vẫn được nhiều người ưu tiên hơn là giữ nhà.

"Nguồn cung bất động sản ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng. Dù được xem như ‘của để dành’ hay công cụ đầu tư, bất động sản đều hứa hẹn lợi nhuận cao, nhất là gần như chắc chắn giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng sau khi dịch bệnh đi qua và kinh tế phục hồi", ông Đính khẳng định và cho biết, giá bán nhà đất phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị, cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương. Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong khi đó, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, thì đây lại là cơ hội rất lớn đối với họ.

"Chúng tôi hy vọng rằng sau khi dịch đi qua, cộng với những chỉ thị rất quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội và sớm có nhiều thành quả tốt đẹp”, ông Khương nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trang Việt

“Nghìn lẻ một” cách doanh nghiệp địa ốc xoay xở thời khó khăn

Chiến lược “ngủ đông” của các doanh nghiệp địa ốc

Thị trường bất động sản: Khó khăn mới lộ anh tài

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/quy-ii-bat-dong-san-co-tiep-tuc-ngu-dong-237562.html