Quý II/2018: Ngành xăng- dầu- khí giữ vững sự ổn định

Theo tổng hợp báo cáo từ Vibiz.vn, các 'ông lớn' trong lĩnh vực xuất khẩu xăng- dầu- khí vẫn giữ vững vị trí top đầu trong quý II/2018. Mặc dù đang gặp những khó khăn nhất định, nhưng Công ty TNHH MTV Lọc- Hóa Dầu Bình Sơn vẫn đồng lòng vượt khó và đứng đầu top doanh nghiệp xuất khẩu xăng dầu, chiếm 35,11% về lượng xuất khẩu của cả nước với kim ngạch tăng đến 7,8% so với quý I/2018.

Giá dầu thô trên thế giới đang trên đà tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 đã ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành xăng- dầu- khí Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2017, giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam tăng đến 37,3% nên dù sản lượng xuất khẩu bị giảm cũng không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm xăng- dầu- khí trong 6 tháng đầu năm 2018.

Mặt khác, giá dầu thô tăng cũng ảnh hưởng tích cực đến doanh thu của các doanh nghiệp xăng- dầu- khí Việt Nam. Giá dầu thô trung bình 6 tháng đầu năm 2018 đạt 73 USD/thùng, vượt 18,6 USD/thùng, tương đương 30,1% so với giá dầu trung bình 6 tháng đầu năm 2017 (là 54,4 USD/thùng) đã góp phần cho các chỉ tiêu tài chính (tổng doanh thu, nộp ngân sách cho nhà nước của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu toàn Tập đoàn PVN vượt 21% kế hoạch và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, Chi nhánh Tổng công ty khí Việt Nam- CTCP- Công ty kinh doanh sản phẩm khí đứng vị trí đầu tiên trong xuất khẩu khí đốt hóa lỏng và Tổng công ty Dầu Việt Nam- Công ty TNHH MTV tiếp tục khẳng định vị trí độc tôn trong xuất khẩu dầu thô.

Theo nghiên cứu của Vibiz, Singapore tiếp tục là thị trường lớn được nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu xăng dầu, dầu thô và khí đốt hóa lỏng trong quý II/2018. Trong đó, xăng dầu xuất khẩu sang Singapore chiếm 53,38% thị phần của cả nước với kim ngạch đạt 198.052 nghìn USD. Khí đốt hóa lỏng cũng là một mặt hàng quan trọng được Việt Nam xuất khẩu nhiều sang thị trường này, chiếm đến 86,48% lượng xuất khẩu của cả nước, kim ngạch đạt 9.940 nghìn USD. Hiện nay, Singapore đang có kế hoạch tăng cường và mở rộng thị trường nhập khẩu khí đốt hóa lỏng để đáp ứng nền sản xuất điện khi 90% điện năng của quốc gia này được sản xuất từ khí đốt hóa lỏng nhập khẩu. Dự báo, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hàng đầu được Singapore lựa chọn nhập khẩu khí đốt hóa lỏng khi năm 2020, hợp đồng cung cấp khí đốt cho Singapore bằng đường ống từ Malaysia và Indonesia sẽ hết hạn.

Kết thúc quý II/2018, Việt Nam nhập khẩu 1.090.458 tấn dầu thô với kim ngạch đạt 538.391 nghìn USD. Nhập khẩu dầu thô trong quý II/2018 tăng mạnh so với quý I/2018 cả về lượng và trị giá với các chỉ số lần lượt là 136% và 185%. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng khai thác dầu thô từ các mỏ dầu khí ở Việt Nam đang bị suy giảm dẫn đến nguồn cung trong nước giảm. Vì vậy, nước ta nhập khẩu nhiều dầu thô để bù đắp lượng thiếu hụt trong nước, đồng thời cung cấp thêm nguyên liệu trong việc chế tạo nhiên liệu và các sản phẩm khí khác.

Có thể tham khảo đường link báo cáo tại: http://vibiz.vn/bao-cao-gan-day/-vibiz-report-bao-cao-thuong-mai-xuat-nhap-khau-nganh-xang-dau-khi-quy-2-2018.html

Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo chuyên sâu về ngành Xăng- Dầu- Khí, Chuyên trang cơ sở dữ liệu về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn phối hợp cùng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo thương mại ngành Xăng- Dầu- Khí quý II/2018. Nội dung cung cấp trong báo cáo đa dạng, toàn diện từ tình hình xuất nhập khẩu chung (kim ngạch, mặt hàng, thị trường, top các doanh nghiệp xuất nhập khẩu), đến chi tiết xuất nhập khẩu từng chủng loại: xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, dầu thô, sản phẩm chưng cất từ than đá (thị trường xuất nhập khẩu, top doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo chủng loại), đồng thời kết hợp đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội phát triển của ngành Xăng- Dầu- Khí Việt Nam.

Nguyễn Thành

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-ii2018-nganh-xang-dau-khi-giu-vung-su-on-dinh-106274.html